Lo ngại “siêu biến thể” của vi rút H5N1

22/12/2011 00:36 GMT+7

Chính phủ Mỹ lên tiếng báo động về một dòng vi rút cúm gia cầm “sát thủ” vừa được tạo ra trong phòng thí nghiệm.

Chính phủ Mỹ lên tiếng báo động về một dòng vi rút cúm gia cầm “sát thủ” vừa được tạo ra trong phòng thí nghiệm.

Mỹ đặc biệt lo ngại sau khi các báo cáo mới cho thấy các nhóm chuyên gia ở nước này và Hà Lan đã nghiên cứu thành công một dòng vi rút cúm gia cầm cực kỳ nguy hiểm, rất dễ lây lan. Một khi chúng thoát ra môi trường bên ngoài, số nạn nhân có thể lên đến hàng triệu người một cách nhanh chóng, theo tờ The Independent. Các dòng H5N1 hiện nay ít khi lây từ người sang người nhưng biến thể mới lại có khả năng di chuyển dễ dàng giữa các vật chủ là động vật có vú.

Theo đài Fox, chính phủ Mỹ đã chi tiền cho các cuộc nghiên cứu khoa học nhằm xác định sự biến dị của vi rút cúm gia cầm. Tuy nhiên, cho đến khi các chuyên gia ở Đại học Erasmus (Hà Lan) và Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) thành công trong việc tạo ra dòng vi rút mới thì Washington phát hoảng vì sự nguy hiểm của nó. Do đó, Ban Cố vấn khoa học quốc gia Mỹ về An ninh sinh học đang xem xét liệu có thể công bố cho dư luận bao nhiêu thông tin. Theo nhà chức trách, nếu toàn bộ thông tin về biến thể H5N1 lọt vào tay khủng bố hoặc kẻ thù của Mỹ thì sẽ là thảm họa khó tưởng tượng. Nguy hiểm hơn, các chuyên gia cho biết việc tạo ra dòng biến thể vi rút mới dễ dàng hơn họ nghĩ.

 
Các chuyên gia Hồng Kông tiêu hủy gia cầm ngày 21.12 - Ảnh: AFP 

Biến thể vi rút, được giới truyền thông gọi là “vi rút tận thế”, hiện nằm an toàn trong những phòng thí nghiệm được bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, với lý do phòng ngừa mọi nguy cơ, giới chức Mỹ hôm qua đã thực hiện một động thái chưa có tiền lệ: yêu cầu các nhà khoa học không công khai mọi chi tiết về kết quả nghiên cứu. “Không phải ai cũng cần biết cách tạo ra loại vi rút chết người này”, BBC dẫn lời một quan chức y tế cấp cao của Mỹ nói.

Hai nhóm chuyên gia của Đại học Erasmus và Đại học Wisconsin-Madison đã giao bản thảo báo cáo công trình cho các chuyên san khoa học uy tín nhất Science và Nature và 2 tạp chí tuyên bố đang xem xét yêu cầu của Mỹ. Tổng biên tập Science là Bruce Alberts nói ông hiểu lo ngại của giới chức nhưng lo ngại về việc giấu giếm những thông tin quan trọng liên quan đến sức khỏe công cộng. “Các nhà khoa học rất cần biết đầy đủ thông tin để tìm ra phương pháp theo dõi và phòng ngừa cúm gia cầm tốt hơn”, ông Alberts nói với AFP. Ông cũng thúc giục chính quyền Mỹ thiết lập một hệ thống cho phép các nhà nghiên cứu quốc tế tiếp cận được chi tiết bộ gien hoàn chỉnh của biến thể H5N1.

Trong một diễn biến liên quan, giới chức Hồng Kông ngày 21.12 tiêu hủy 17.000 con gà đồng thời ngưng nhập gia cầm sống trong vòng 21 ngày sau khi phát hiện 3 cá thể dương tính với H5N1. Theo AFP, trong đó có một con gà tại chợ đầu mối chính của thành phố và 2 con chim hoang dã. Đến nay, Hồng Kông đã tạm đóng cửa 2 trường học để tẩy trùng.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.