Nuôi dưỡng sự sống

02/12/2011 09:08 GMT+7

Với trang thiết bị không hiện đại như ở các tuyến bệnh viện trên, nhưng khoa sản Bệnh viện huyện Đa khoa Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã cứu sống nhiều trẻ sơ sinh thiếu tháng, có bé chỉ mới 0,8kg. Hơn 20 giường bệnh ở khoa sản Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ thường kín chỗ.

Với trang thiết bị không hiện đại như ở các tuyến bệnh viện trên, nhưng khoa sản Bệnh viện huyện Đa khoa Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã cứu sống nhiều trẻ sơ sinh thiếu tháng, có bé chỉ mới 0,8kg. Hơn 20 giường bệnh ở khoa sản Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ thường kín chỗ.

Không từ bỏ hi vọng

Sau khi được các tổ chức từ thiện nước ngoài tài trợ cho khoa hai lồng ấp, bác sĩ Đoàn Thị An, phó trưởng khoa sản, cho biết khoa đã cứu sống nhiều bệnh nhi sinh thiếu tháng, cân nặng từ 0,8-2kg. Bác sĩ An kể cách đây khoảng năm năm, có một sản phụ ở xã Đức Lập sinh thiếu tháng, cháu bé chỉ cân nặng 0,8kg. “Nhiều người nhìn thấy cho rằng bệnh nhi này không qua khỏi. Nhưng các bác sĩ, y tá ở khoa đều quyết tâm cứu chữa. Khi thấy cơ thể cháu bé có phản xạ tốt, da dẻ hồng hào, chúng tôi đều vui mừng vì tin sẽ cứu sống bé. Từ ngày xuất viện đến nay cháu bé được 5 tuổi, bố mẹ cháu vừa gọi điện cảm ơn nói cháu đã học mẫu giáo” - bác sĩ An nhớ về trường hợp cứu sống bệnh nhi 0,8kg đầu tiên.

Bà Phan Thị Ninh, giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh, cho biết hằng năm Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ được sở đánh giá là bệnh viện đứng đầu tuyến huyện về công tác điều trị, cứu chữa bệnh nhân. Theo bà Ninh, tất cả cán bộ nhân viên ở Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ đều đăng ký ngân hàng máu sống. Khi bệnh nhân cần máu không có người nhà, bệnh viện sẽ huy động nhân viên đến truyền máu.

Riêng về trường hợp bé sơ sinh 1kg được sinh ra hồi đầu tháng 10 tại bệnh viện mà báo chí đưa tin, bác sĩ Trần Văn Nhân - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ, lấy làm tiếc khi cho biết bé đã không còn. “Sau khi đưa bé ra khỏi lồng ấp được một tuần thì người nhà xin về để chăm sóc, theo dõi. Không may gặp đợt không khí lạnh, thân nhiệt của cháu hạ xuống còn 35OC, gia đình đưa bé quay lại bệnh viện. Cứu chữa được ba ngày chúng tôi làm thủ tục cho bé chuyển viện, nhưng người nhà nói không có tiền rồi bồng cháu về...” - bác sĩ Nhân cho hay.

Hạnh phúc diệu kỳ

Không có niềm vui nào bằng khi hằng ngày hai vợ chồng anh Phạm Quốc Hoán (27 tuổi) và chị Đặng Thúy Hòa (20 tuổi) ở xã Đức Tùng nhìn con gái yêu Phạm Thị Thu Hiền lật cười khúc khích trên giường. Ai cũng biết chị Hòa mang bầu bé Hiền chưa được bảy tháng tuổi thì sinh. Lúc chào đời bé Hiền chỉ được một nhúm nằm lọt trong lòng hai bàn tay (chưa được 1kg). Anh Hoán xúc động nhớ lại ngày chị Hòa sinh bé Hiền, anh lo lắng, bất an hơn là mừng. Khoảng 21g hôm 22-4, chị Hòa thấy máu chảy. Không biết làm thế nào, vợ chồng dắt xe máy ra chở nhau đi trạm xá khám thì các hộ sinh ở đây cho biết thai nhi có vấn đề, cần nhập viện gấp. “Sau khi nhập viện khoa sản Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ khám, gần sáng bác sĩ nói thai nhi không giữ được đành phải sinh non để cứu mẹ. Khi cháu Hiền sinh ra tôi nghĩ con gái mình bằng nắm tay làm sao mà sống được” - anh Hoán nhớ lại.


Vợ chồng anh Phạm Quốc Hoán và chị Đặng Thúy Hòa hạnh phúc ẵm con gái sinh non ngày nào - Ảnh: V.Đ

Anh Hoán kể sau khi cháu Hiền sinh ra có biểu hiện phản xạ kém, da tím ngắt, lông, tóc và móng tay chưa có... Các bác sĩ khuyên nếu gia đình chuyển cháu lên tuyến bệnh viện trên thì có cơ hội sống nhiều hơn, nhưng nếu để bé ở đây vẫn có cơ hội. Trước tình cảnh hai vợ chồng con nhà nông mới cưới nhau túng thiếu đủ bề, hai vợ chồng anh Hoán quyết định để bé Hiền ở lại bệnh viện huyện điều trị. “Tại khoa sản con chúng tôi được các bác sĩ đưa vào lồng ấp điều trị, thở oxy và truyền dịch, tiêm thuốc đề kháng. Chỉ sau một tháng bé bú được bằng bình, phản xạ tốt. Đến nay con gái đầu lòng của chúng tôi 6 tháng tuổi, nặng 6kg” - chị Hòa nhìn con trong nụ cười hạnh phúc.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.