Vì sao chưa giảm giá xăng?

29/11/2011 00:57 GMT+7

Thêm một lần nữa, Bộ Tài chính quyết định giữ nguyên giá xăng và tăng mức trích quỹ bình ổn giá thêm 250 đồng/lít, trong bối cảnh giá nhập khẩu xăng thành phẩm từ Singapore đang trên đà giảm.

Thêm một lần nữa, Bộ Tài chính quyết định giữ nguyên giá xăng và tăng mức trích quỹ bình ổn giá thêm 250 đồng/lít, trong bối cảnh giá nhập khẩu xăng thành phẩm từ Singapore đang trên đà giảm.

 

Giá xăng trong nước vẫn chưa bắt nhịp được thị trường xăng dầu thế giới - Ảnh: Ngọc Thắng

Xăng có lãi

Trong công văn phát hôm qua (28.11), Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp (DN) đầu mối giữ giá bán các loại xăng, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazút như hiện hành. Tuy nhiên, để ổn định giá, các DN được sử dụng quỹ bình ổn để bù đắp mức chênh lệch do giá bán hiện hành thấp hơn giá cơ sở ở các mặt hàng dầu. Cụ thể DN được trích 1.000 đồng/lít với dầu diesel, 900 đồng/lít với dầu hỏa và 950 đồng/kg với mazút. Ngoài ra, mức trích quỹ bình ổn với mặt hàng xăng tăng thêm 250 đồng/lít, từ 300 đồng lên 550 đồng/lít, các mặt hàng khác vẫn giữ ổn định mức trích là 300 đồng/lít.

Cách tính giá phải thật rõ ràng

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, hiện nay giá cơ sở xăng dầu được tính dựa trên thuế nhập khẩu xăng, mazút 0%; dầu hỏa, diesel 5%; thuế Tiêu thụ đặc biệt và VAT 10%; trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu 300 đồng/lít; chi phí lưu thông bán lẻ đối với xăng, diesel, dầu hỏa là 600 đồng/lít; chi phí lưu thông bán buôn đối với mazút là 400 đồng/kg; lợi nhuận định mức tối đa là 300 đồng/lít/kg; phí xăng dầu theo quy định hiện hành (1.000 đồng/lít). Ông kiến nghị, cần xác lập lại giá cơ sở. “Cách tính hiện giờ rất rối rắm, mâu thuẫn và không tường minh. Giá cơ sở phải là giá tối thiểu, chi phí khách quan hoàn toàn, không nên bao gồm cả lợi nhuận định mức 300 đồng/lít xăng dầu. Cần chia làm 3 loại: giá gốc, phần thu của DN, phần của Nhà nước thật rõ ràng để ai cũng có thể nhìn thấy và hiểu được”, ông nói.

Ông Đặng Vinh Sang, TGĐ TCT TNHH MTV dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) từ chối bình luận về lỗ lãi của công ty, ông chỉ than rằng thời điểm tháng 9 và đầu tháng 10.2011, khi các DN đầu mối lỗ khá nặng mặt hàng dầu do giá dầu nhập khẩu tăng cao mà Bộ lại không cho sử dụng quỹ.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Vương Thái Dũng, Phó TGĐ TCT xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho biết sau khi được trích quỹ, giá cơ sở của dầu diesel, mazút vẫn cao hơn giá bán hiện hành khoảng hơn 1.000 đồng/lít, nên DN vẫn đang bị lỗ vài trăm đồng/lít. Đối với mặt hàng xăng, trước ngày 28.11, DN đang lãi khoảng 250 - 300 đồng/lít. “Giá xăng dầu thay đổi từng ngày, mai nó tăng giá lại khác, nhưng đúng vào chiều 28.11, sau khi Bộ yêu cầu trích thêm 250 đồng, giá cơ sở của chúng tôi đang bằng với giá bán hiện hành”, ông Dũng nói.

Trong thông báo ngắn gọn phát đi, Bộ Tài chính cũng không cho biết hiện tại các DN kinh doanh xăng dầu lỗ hay lãi. Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), khẳng định quyết định trên đã được thống nhất với Bộ Công thương và đã được nghiên cứu căn cứ dựa trên giá xăng dầu của thị trường thế giới hiện nay, đó là giá xăng dầu thành phẩm thế giới mà DN nhập về vẫn đang ở mức cao, chỉ có giá dầu thô giảm.

Cần thay đổi quy định 30 ngày

Mặc dù Petrolimex đang khẳng định chỉ bán hòa vốn giá xăng, nhưng thực tế theo cách tính giá cơ sở, DN đã có 300 đồng/lít xăng lợi nhuận định mức. Tuy nhiên, ông Dũng cũng khẳng định giá xăng biến đổi từng ngày và từng giờ hiện đang khiến DN khó khăn với quy định cứng tính bình quân theo giá thành phẩm nhập khẩu 30 ngày.

Với mức lợi nhuận trên, nhiều chuyên gia cho rằng, thời điểm này Bộ Tài chính cũng có thể cân nhắc để điều chỉnh giảm giá xăng dầu, bởi thực tế, theo bảng giá của Petrolimex, nửa đầu tháng 11.2011 giá xăng thành phẩm trung bình nhập khẩu từ Singapore đứng ở mức 114,27 USD/thùng. Trong khi đó, tính từ 15.11 tới nay, giá xăng A92 nhập khẩu luôn dao động xung quanh ngưỡng 107 USD/thùng, thậm chí hôm 21.11 rớt xuống còn 105 USD/thùng (thời điểm ngày 26.8 giá xăng bán lẻ được điều chỉnh giảm từ 21.300 đồng xuống 20.800 đồng/lít, giá nhập khẩu xăng A92 ở mức 122,3 USD/thùng). Theo một DN đầu mối phía Nam, nhiều thời điểm đã có thể giảm giá, nhưng áp theo quy định tính giá bình quân 30 ngày, giá cơ sở vẫn xấp xỉ giá bán lẻ. “Quy định tính giá theo bình quân 30 ngày là quá dài vì giá biến động liên tục. Tôi cho rằng cần quy định dự trữ lưu thông 30 ngày, nhưng giá chỉ cần tính thống nhất khoảng 10 ngày hoặc 20 ngày. Những thời điểm tăng, giảm nhiều thì phải cho thay đổi giá để điều tiết thị trường”, lãnh đạo DN này nói.

Cơ hội giảm giá xăng thời điểm hiện tại, không chỉ dựa vào giá cơ sở hiện hành, còn phụ thuộc rất lớn vào sự kiểm soát chi phí định mức của Bộ Tài chính đối với riêng Petrolimex - DN nhà nước đang chiếm giữ hơn 60% thị phần. Theo đó, mức chi phí định mức Bộ quy định đối với mỗi lít xăng là 600 đồng/lít, tuy nhiên việc chi cho đại lý hoa hồng cao quá mức có thể dẫn tới DN bị lỗ. Trước đó, theo báo cáo của Bộ Tài chính trong quá trình thực hiện bán hàng 6 tháng đầu năm 2011, mức chi phí kinh doanh xăng dầu thực tế phát sinh của Petrolimex vượt so với chi phí kinh doanh định mức quy định tại Thông tư 234/2009/TT-BTC tổng số tiền hơn 516 tỉ đồng. Việc này là do DN đã chi phí thù lao đại lý cho tổng đại lý, đại lý có thời điểm cao, thậm chí có thời điểm cao hơn mức chi phí kinh doanh xăng dầu định mức (600 đồng/lít với xăng, diesel, dầu hỏa; 400 đồng/kg với mazút).

Người tiêu dùng vào thời điểm hiện nay rất cần được biết thông tin cụ thể, chính xác Petrolimex đang trả thù lao cho các đại lý bao nhiêu tiền một lít xăng, dầu; cũng như tiền trong quỹ bình ổn còn bao nhiêu khiến bộ quyết định trích tiếp mà không giảm giá bán hiện hành. Tuy nhiên, những con số này vẫn chưa được công bố công khai, kể cả từ Petrolimex cũng như lãnh đạo Bộ Tài chính, ngoài thông cáo báo chí ngắn gọn chỉ vài trăm chữ về việc giữ nguyên mức giá.

 Mai Hà - Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.