Vẫn lo được mùa mất giá

23/11/2011 18:57 GMT+7

(TNO) Được mùa mất giá và người nông dân không được tiếp cận sâu với khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp là những lo lắng mà nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát trong phiên chất vấn chiều nay (23.11).

(TNO) Được mùa mất giá và người nông dân không được tiếp cận sâu với khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp là những lo lắng mà nhiều đại biểu quốc hội (ĐBQH) đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát trong phiên chất vấn chiều nay (23.11).

>> Từ 2012, mỗi năm phấn đấu giảm 5-10% tai nạn giao thông

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT hầu như chủ yếu ghi nhận ý kiến của các ĐB để rà soát lại và có chỉ đạo sâu sát hơn.

Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định chính sách đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và đời sống người nông dân là vấn đề trọng đại của đất nước. Bởi lẽ trên 70% dân số VN ở nông thôn và là người nông dân. Vấn đề lớn đặt ra cho Bộ NN-PTNT là giữ cho được 3,8 triệu đất sản xuất lúa trên cả nước và tiết giảm tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.


Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh nông nghiệp là vấn đề quốc sách - Ảnh: Ngọc Thắng 

ĐB Nguyễn Thái Học (tỉnh Phú Yên) lo lắng, đời sống người nông dân hiện nay rất bấp bênh vì luôn trong vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá”.

Theo đó, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị bộ trưởng có giải pháp để quản lý giá vật tư đầu vào và giá sản phẩm đầu ra, có hệ thống “mua tận gốc bán tận ngọn” trong sản xuất nông nghiệp để người nông dân không thiệt thòi, không bị ép giá. ĐB Khá cũng chất vấn bộ trưởng về giải pháp trước tình hình nông sản (nhất là rau quả) đang nhập tràn lan vào VN và trong số đó có cả sản phẩm không kiểm soát được chất lượng.

Bộ trưởng cho rằng nước ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nên phải tuân thủ các quy định của quốc tế chứ không thể đặt ra rào cản thương mại với hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT đang điều chỉnh hơn 1.000 quy định để đảm bảo chất lượng nông sản nhập khẩu vào VN.


ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đề nghị bộ trưởng có giải pháp căn cơ nhất để giữ được 3,8 triệu hecta đất nông nghiệp - Ảnh: Ngọc Thắng

Còn về ý kiến có hệ thống phân phối “mua tận gốc bán tận ngọn” đối với nông sản của người dân, bộ trưởng cho rằng hiện nay kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường nên việc vận hành hệ thống thu mua sẽ không phù hợp mà Bộ NN-PTNT sẽ đảm bảo quyền lợi cho người nông dân bằng việc theo dõi diễn biến thị trường trong nước để điều chỉnh các chính sách, đảm bảo nông dân có lãi trên 30%.

Trước sự cạnh tranh của nông sản nhập khẩu, nhiều ĐB cũng lo lắng về việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao chất lượng nông sản VN.

ĐB Huỳnh Minh Hoàng (tỉnh Bạc Liêu) chất vấn bộ trưởng về tình trạng lạm dụng sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu, phân bón trong sản xuất nông nghiệp. Điều này đã làm nông phẩm VN không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và khó đảm bảo được các tiêu chuẩn khắt khe về kiểm định chất lượng để vào các thị trường khó tính. ĐB Hoàng đề nghị nghị bộ trưởng làm rõ trách nhiệm trong việc này và cần nêu lên các giải pháp tạo điều kiện nâng chất lượng nông sản để nông sản VN vào được các thị trường khó tính.

Bộ trưởng Cao Đức Phát giải trình, nhiều năm liên tục Bộ NN-PTNT luôn lấy chủ đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp làm trọng tâm. Bộ vẫn đang nỗ lực thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý hóa chất từ nguồn nhập khẩu (chỉ cho phép hóa chất an toàn vào VN và đặc biệt quản lý, ngăn chặn buôn lậu); tổng kiểm tra trên cả nước tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; đề nghị địa phương triển khai quyết liệt, đưa ra quy trình sản xuất tốt để hướng dẫn bà con nông dân.


Bộ trưởng Cao Đức Phát thẳng thắn tiếp nhận các ý kiến để chỉ đạo sâu sát hơn - Ảnh: Ngọc Thắng 

“Đúng là mình làm chưa tốt nhưng chúng tôi đang rất quyết tâm và đang cố gắng làm cho nông sản VN đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhìn nhận.

Bên cạnh đó, ĐB Học nêu vấn đề: Để tư vấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp cho người nông dân đã có vai trò của các viện nghiên cứu, trung tâm thú y, giống cây trồng vật nuôi. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các đơn vị này với người nông dân là quá xa nên người nông dân thiếu chuyên môn và kiến thức khoa học trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, ĐB Học đề nghị bộ trưởng cần có ý kiến về vấn đề này.

Song song đó, các ĐB cũng quan tâm đến vấn đề giữ đất nông nghiệp. ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đề nghị bộ trưởng trình bày giải pháp căn cơ nhất để giữ được 3,8 triệu hecta đất nông nghiệp.

Câu hỏi này đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường tiếp sức trả lời cho ĐB.

Bộ trưởng Cao Đức Phát ghi nhận hầu hết các ý kiến và hứa sẽ cải tiến. "VN là một trong những vùng trồng lúa nước trên thế giới. Nền nông nghiệp của nước ta chỉ phát triển khi chúng ta phát huy những gì là thế mạnh của nước ta. Cây lúa là thế mạnh của nước ta. Chúng ta phải giữ gìn mảnh đất màu mỡ cho cây lúa phát triển. Mảnh đất này đang bị đe dọa bởi nhiều yếu tố và chúng ta phải bảo vệ", Bộ trưởng Bộ NN-PTNT kết luận.

Cùng làm rõ thêm về các vấn đề phát triển nông nghiệp, bảo vệ đất - rừng, trong phiên chất vấn chiều nay, còn có các bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài nguyên - Môi trường tham gia trả lời.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: Kinh phí chi cho nông nghiệp, nông thôn qua các năm đều tăng. Cụ thể: tổng chi cho lĩnh vực này trong năm 2009 là 35,9% ngân sách nhà nước; năm 2010 là 39,3%; năm 2011 dự kiến là 39,8 và kế hoạch cho năm 2012 là 40,9%.

Tôi tin rằng với đồng vốn như vậy nếu sử dụng có hiệu quả, nông nghiệp, nông thôn sẽ phát triển.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: Từ năm 2007, VN gia nhập WTO và phải tuân theo quy định quốc tế nhưng chúng ta có thể “bảo hộ” cho nông phẩm trong nước qua các biện pháp kỹ thuật như: xây dựng tiêu chuẩn chất lượng nông phẩm (nhưng tiêu chuẩn này phải áp dụng cho cả nông phẩm trong nước và nước ngoài); các biện pháp hành chính chứng minh nguồn gốc nông phẩm nhập khẩu; xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm trong nước thật mạnh để đáp ứng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phân phối lớn của cả nước đều có chương trình ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đưa nông phẩm VN ra thị trường nước ngoài qua việc tăng cường ký kết các hiệp định tự do mậu dịch khu vực; chống bán phá giá và phân biệt đối xử đối với nông sản VN ở nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang: Giải pháp giữ 3,8 triệu hecta lúa, dựa trên phương án: khuyến khích địa phương giữ lúa; có chính sách đối với các vùng quy hoạch chưa hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa; tăng cường đào tạo nghề cho người nông dân; bảo vệ nghiêm ngặt, siết chặt chuyển mục đích trồng lúa, có chuyển đất trồng lúa qua mục đích khác thì phải có diện tích bù vô.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: Về đất cho nước ngoài cho thuê đất trồng rừng từ năm 1995 đến nay có 10 dự án (giai đọan 1995-7.2006 chỉ có 1 dự án; giai đọan 7.2006-3.2010 có thêm 9 dự án, trong đó có 2 dự án đã thu hồi giấy phép).

Hiện nay, toàn quốc có 8 dự án cho thuê đất trồng rừng có yếu tố đầu tư nước ngoài; trong đó diện tích 18.570 hecta đã có cấp phép, ký kết hợp đồng thuê đất; triển khai trồng rừng được 13.871 hecta.

Các địa phương thực hiện đúng quy trình, triển khai có hiệu quả. Đất cho thuê chủ yếu là đất trống, đồi núi trọc, những nơi ảnh hưởng đến quốc phòng, biên giới phức tạp đã bị thu hồi, đất cho thuê đều có ý kiến của quốc phòng an ninh kiểm tra.

Nguyên Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.