Khổ tâm vì... lương cao

22/11/2011 00:55 GMT+7

Theo điều tra của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, năm 2010 lương trung bình của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp là 3,2 triệu đồng/người/tháng. 4 ngành có mức lương cao nhất trên thị trường lao động là mỏ - luyện kim với 9,2 triệu đồng; ngân hàng 7,6 triệu đồng; dược 7 triệu đồng và điện tử viễn thông 5,5 triệu đồng.

Theo điều tra của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, năm 2010 lương trung bình của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp là 3,2 triệu đồng/người/tháng. 4 ngành có mức lương cao nhất trên thị trường lao động là mỏ - luyện kim với 9,2 triệu đồng; ngân hàng 7,6 triệu đồng; dược 7 triệu đồng và điện tử viễn thông 5,5 triệu đồng.

Chắc chắn Tổng giám đốc Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN) Phạm Lê Thanh không biết thông tin này nên mới cảm thấy "đau lòng khi lương nhân viên chỉ chừng ấy". Bởi cái "chừng ấy" mà sếp ngành điện lực than thở là 7,3 triệu đồng/người/tháng, nằm trong số những ngành trả lương cao nhất VN "chiếu" theo bảng xếp hạng trên.

Cái "chừng ấy" đó cũng cao gấp 2,5 lần so với mức lương trung bình của người lao động trong nước. Nên có thể khẳng định, mức lương khiến "sếp" ngành điện lực "đau lòng" vì "tương đối thấp, không thể sống được ở thành thị" đã và đang là niềm mơ ước của hầu hết mọi người, mọi ngành. Điều mà tất cả mọi người đều cảm thấy khó hiểu và thắc mắc là tại sao một người làm trong doanh nghiệp nhà nước như ông Thanh lại không biết gì về cơ chế lương của nước mình, nhất là khi điều này thường xuyên được nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Vấn đề tăng lương cho phù hợp với tình hình thực tế cũng được bàn bạc rất nhiều tại kỳ họp QH đang diễn ra. Đặc biệt hơn, mỗi lần điện đòi tăng giá thì lương là yếu tố hàng đầu được đưa ra để xem xét. Thật vô lý khi người đứng đầu ngành điện lại xa vời thực tế đến độ "khổ tâm" vì mức lương thuộc hàng cao nhất Việt Nam của ngành điện.

Việc "khổ tâm vì lương cao" của Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cũng đang khiến cán bộ công nhân viên của hàng loạt các ngành, nghề khác cảm thấy... tủi thân vì mức lương họ đang lãnh. Những giáo viên thâm niên vài chục năm, lương chỉ 3 - 4 triệu đồng/tháng; hàng triệu công  nhân viên trong ngành may mặc, da giày, đồ gỗ... những ngành mang về cho đất nước hàng tỉ USD mỗi năm vẫn đang nhận lương 2 - 3 triệu đồng/tháng... Họ nghĩ gì khi biết điều này? Họ hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi, tại sao những ngành mang lại lợi ích cho đất nước lại nhận lương thấp trong khi ngành điện công bố lỗ nặng thì lại hưởng lương cao? Với mức lương cao như vậy, ngành điện lực vẫn "không đủ sống ở thành thị" thì hàng triệu công chức ở Hà Nội, TP.HCM và các thành phố lớn trên cả nước đã và đang sống như thế nào trong suốt những năm qua?

Phát biểu của Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh cũng khiến chúng ta "vỡ" ra, vì sao ngành điện luôn đòi tăng giá, bất chấp mọi kêu gọi chia sẻ từ người dân, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý. Bởi ngay cả vấn đề sát sườn với cuộc sống, liên quan trực tiếp đến ngành mình như lương họ còn không biết thì những việc khác, liệu có nghĩa gì.

Chúng ta ủng hộ trả lương cao, nhưng với điều kiện doanh nghiệp làm ăn có lãi. EVN đã chính thức công bố lỗ nặng, hãy hạ lương của ngành điện một cách "sòng phẳng" theo đúng cơ chế thị trường mà họ tuyên bố đang thực hiện.

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.