Nghi vấn “sát thủ” bisphenol A trong đồ nhựa

11/11/2011 01:44 GMT+7

Những tác hại của bisphenol A đối với sức khỏe con người bắt đầu được thảo luận từ 15 năm trước nhưng đến nay việc hạn chế hợp chất này vẫn chỉ ở mức “nhỏ giọt”.

Những tác hại của bisphenol A đối với sức khỏe con người bắt đầu được thảo luận từ 15 năm trước nhưng đến nay việc hạn chế hợp chất này vẫn chỉ ở mức “nhỏ giọt”.

 
Bình sữa làm từ nhựa có chứa hợp chất bisphenol A đã bị cấm tại EU và một số nước trên thế giới Ảnh: Shutterstock

Bisphenol A (BPA) là hợp chất được sử dụng rất rộng rãi trong ngành công nghiệp sản xuất nhựa (nhóm polycarbonat) từ cuối thập niên 1950. Hợp chất này được xem là thành phần không thể thiếu để tạo độ cứng, kháng khuẩn, chống thấm, chống ăn mòn… Theo Cơ quan An toàn thực phẩm, môi trường Pháp (Anses), BPA có mặt trong rất nhiều sản phẩm thông dụng hiện nay: bao bì thực phẩm, bình sữa trẻ em, kính sát tròng, đĩa CD-DVD, dây cáp, dụng cụ thể thao, mực in, thiết bị của ngành y tế…

Liều lượng cực thấp vẫn có hại

Báo cáo dài hơn 300 trang vừa công bố hồi tháng 10 của Anses nhận định những nghiên cứu tại nhiều nước về BPA trong nhiều năm qua “cho thấy rõ tác hại lên động vật thí nghiệm và có thể ảnh hưởng tương tự lên người”. Đặc biệt, những tác hại này vẫn được ghi nhận cả với liều lượng thấp hơn nhiều so với các chuẩn an toàn áp dụng trong các sản phẩm đang lưu hành trên thị trường châu u (tối đa 0,05 miligram/kg trọng lượng cơ thể cho một ngày). BPA được cấu tạo từ những chuỗi polymer, theo thời gian và nhất là với tác động của nhiệt độ cao sẽ bị phân hủy và có thể từ bao bì thôi nhiễm vào các loại thực phẩm chứa bên trong. Các chuyên gia thường khuyến cáo cha mẹ tránh hâm bình sữa của con qua lò vi ba.

Một số nước đã bắt đầu siết chặt quy định sử dụng BPA trong sản xuất, đặc biệt với các sản phẩm dành cho đối tượng “nguy cơ cao” như thai phụ và trẻ em. Sau khi Canada đi tiên phong vào năm 2009, EU và Trung Quốc đã lần lượt cấm dùng BPA để sản xuất bình sữa trong năm 2011. Đan Mạch chính thức gạch tên hợp chất này ra khỏi các chất liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm từ tháng 7.2010. Hạ viện Pháp cũng vừa thông qua dự luật quy định cấm dùng BPA trong các loại bao bì thực phẩm, dự kiến áp dụng từ năm 2014, riêng đối với các sản phẩm dành cho trẻ dưới 3 tuổi thì áp dụng từ năm 2013.

Những ảnh hưởng của BPA đã được chứng minh trên động vật qua nhiều nghiên cứu, bao gồm rối loạn hệ nội tiết, rối loạn chức năng sinh sản, thậm chí vô sinh, u nang buồng trứng, dị tật ở tuyến vú, rối loạn hành vi… Các hiện tượng kể trên thường được ghi nhận ở chuột con có mẹ bị nhiễm BPA trong lúc mang thai. Báo cáo của Anses nhấn mạnh từ kết quả thí nghiệm ở động vật, có thể đặt nghi vấn về việc BPA có liên quan đến sự gia tăng của nhiều loại bệnh tật hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh “phạm vi phủ sóng” lên đời sống con người của hợp chất này ngày càng rộng. Cụ thể là các bệnh như ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, tiểu đường loại 2 hay hiện tượng giảm lượng tinh trùng ở nam giới, dậy thì sớm… Ngoài ra, nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) đăng trên chuyên san Pediatrics vào cuối tháng 10 cho thấy những bé gái có mẹ hấp thụ lượng BPA nhiều hơn trong giai đoạn mang thai sẽ có tỷ lệ bị rối loạn hành vi (quá hiếu động, dễ lo lắng, trầm cảm…) cao hơn.

Nhắm mắt, bịt tai

Trong khi các nhà khoa học ngày càng đồng ý về nguy cơ gây hại lên sức khỏe con người của BPA thì chất này chỉ bị hạn chế sử dụng ở một số nước. Nguyên nhân chủ yếu là cơ quan y tế ở nhiều nơi gặp phải sự phản đối quá mạnh mẽ từ các hãng hóa chất, nhựa. Những hãng này cho rằng thí nghiệm trên động vật chưa đủ để chứng minh ảnh hưởng lên người và khẳng định việc tìm chất thay thế BPA sẽ mất rất nhiều thời gian, có thể từ 5-10 năm.

Để bảo vệ quyền lợi, theo báo Le Monde, nhiều công ty của Mỹ đã bỏ tiền thuê các phòng thí nghiệm tư nhân thực hiện nghiên cứu về BPA để phản bác lại nghiên cứu của các trường đại học hoặc các chương trình do nhà nước hỗ trợ. Lần đầu tiên nghi vấn về hợp chất này thật sự được xem xét là vào năm 1996, khi giáo sư Frederick vom Saal (Đại học Missouri, Mỹ) tình cờ phát hiện bộ phận sinh dục của chuột đực con bị tổn hại dù chuột mẹ tiếp xúc với lượng BPA cực thấp trong giai đoạn mang thai, chỉ vài phần triệu g/kg trọng lượng cơ thể. Không lâu sau đó, đại diện hãng hóa chất hàng đầu của Mỹ Dow Chemical đã tìm cách gây áp lực để ông vom Saal không công bố phát hiện trên các chuyên san khoa học.

Đến năm 2000, có 115 báo cáo về ảnh hưởng của BPA lên động vật được công bố, trong số này, 11 nghiên cứu do phòng thí nghiệm tư thực hiện theo “đơn đặt hàng” của các công ty. Trong khi có đến 94/104 nghiên cứu “công” ghi nhận tác hại của BPA thì toàn bộ kết quả của nghiên cứu “đặt hàng” đều không tìm thấy chút vấn đề nào. Ngày càng có nhiều công trình về BPA và các nhà khoa học cho rằng đã đủ cơ sở để đưa ra các biện pháp phòng ngừa tối thiểu, như quy định cảnh báo nguy cơ cho thai phụ và trẻ em được in trên bao bì sản phẩm có chứa hợp chất này. Tuy nhiên, bị chi phối với kết quả của những nghiên cứu “đặt hàng”, hầu hết các cơ quan y tế của Mỹ vẫn “nhắm mắt bịt tai” với những khuyến cáo và tiếp tục xem nhẹ tác hại của BPA.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.