Đề nghị “siết” kỷ luật sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ

08/11/2011 15:20 GMT+7

(TNO) Đa số ĐBQH khi thảo luận tại nghị trường sáng nay về Chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011-2015; Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011-2015 đều bày tỏ lo ngại trước tình trạng phân bổ nguồn trái phiếu chính phủ dàn trải, sử dụng còn thất thoát, lãng phí.

(TNO) Đa số Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khi thảo luận tại nghị trường sáng nay về Chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011-2015; Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011-2015 đều bày tỏ lo ngại trước tình trạng phân bổ nguồn trái phiếu chính phủ (TPCP) dàn trải, sử dụng còn thất thoát, lãng phí.

Chưa có cơ chế kiểm soát trần sử dụng vốn TPCP

Theo ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc), tình trạng các ngành, các địa phương lập kế hoạch và dự toán kinh phí quá cao từ nguồn TPCP là phổ biến, trong khi Bộ Kế hoạch đầu tư “chưa có cơ chế để kiểm soát nên kinh phí các năm vượt xa khả năng chịu đựng của ngân sách Nhà nước”.

Sự dàn trải trong bố trí nguồn vốn TPCP cho quá nhiều công trình dẫn tới dở dang, chậm tiến độ cũng được ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) dẫn chứng khi phát biểu về nội dung này. Theo ĐB Thanh, chỉ riêng năm 2011 Chính phủ mới phát hành 45.000 tỉ đồng nhưng đã bố trí vốn cho gần 2.500 dự án, tiểu dự án và cũng mới chỉ bố trí đủ vốn cho 142 dự án hoàn thành, còn trên 2.000 dự án, tiểu dự án còn lại đang đầu tư dở dang và phải cần tới 3.360 tỉ đồng, chưa kể yếu tố trượt giá, mới có thể hoàn thành trong giai đoạn tới.

ĐB tỉnh Ninh Bình ông Bùi Việt Phương cho rằng có 2 nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc đầu tư dàn trải, tràn lan, vượt khả năng về nguồn vốn, gây lãng phí và làm tăng nợ công, đó là do việc xác định tiêu chí đầu tư chung chung, thiếu cụ thể nên đã phát sinh rất nhiều dự án; thứ hai là phân cấp giữa trung ương và địa phương trong việc đầu tư nguồn vốn TPCP không hợp lý, còn bất cập, địa phương quyết định tổng mức đầu tư trong khi Trung ương cấp vốn.

“Với tiêu chí đầu tư chung chung như đã nêu trên, địa phương nào cũng thấy mình có rất nhiều dự án thuộc mục tiêu đầu tư từ nguồn TPCP và cũng đã có những thời điểm chúng ta muốn tăng nhanh nguồn đầu tư từ TPCP để tăng hạ tầng và làm tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế nên đã không giới hạn nguồn vốn này. Điều này đã dẫn đến việc quyết định các dự án đầu tư khá dễ dàng”, ông Phương khẳng định.

Phải kiểm điểm trách nhiệm và xử lý nghiêm

Chỉ ra từ đầu chương trình cho đến cuối giai đoạn 2006 - 2010, tổng mức đầu tư các dự án đã tăng lên đến 10 lần, vượt khả năng cân đối của ngân sách với sức chịu đựng của nền kinh tế, làm tăng rủi ro về tài chính của quốc gia khi đẩy mức nợ công tăng nhanh và cao, tác động tiêu cực tới những ổn định kinh tế vĩ mô, ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) đề nghị “những hạn chế yếu kém này cần được phân tích đánh giá làm rõ các nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan liên quan để xác định các giải pháp thực hiện tốt hơn chương trình TPCP trong thời gian tới. Đồng thời, báo cáo rõ với cử tri vì đây là những món nợ người dân phải trả”.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng tổng mức đầu tư ngân sách cho các công trình, dự án luôn vượt nhiều so với dự toán, theo ĐB Tâm, có trách nhiệm của QH trong việc quản lý, giám sát thiếu chặt chẽ, sâu sát; cơ chế phân bổ và kiểm tra giám sát không theo luật Ngân sách, công tác giám sát không thường xuyên, không kịp thời, do đó chậm phát hiện và chấn chỉnh những bất cập.

Để khắc phục, ĐB này đề nghị QH nhanh chóng đưa chương trình TPCP vào quản lý trong cân đối ngân sách và có thể ngay trong năm 2013 mà không cần phải sửa luật Ngân sách bằng nghị quyết của Quốc hội để quản lý nguồn này chặt chẽ hơn. Trong khi chờ đợi đưa TPCP vào cân đối ngân sách, QH cần giao cho Ủy ban Tài chính ngân sách giám sát thường xuyên về phân bổ, sử dụng TPCP để kịp thời phát hiện những bất cập, báo cáo để có biện pháp chấn chỉnh.

Ông Tâm cũng đồng thời đề nghị Chính phủ cần phải “kiểm điểm, xác định trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với những người có thẩm quyền trong việc để tăng quy mô dự án, tăng mức đầu tư vì không thể đổ lỗi cho các nguyên nhân khách quan mà không thấy được trách nhiệm chủ quan để mọi thiệt hại đều đổ cho dân gánh chịu”.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng đề nghị Chính phủ cho biết hiện nay đã phát hành bao nhiêu trái phiếu, trong đó có trái phiếu để thực hiện các dự án và đặc biệt hơn là trái phiếu để bù đắp bội chi ngân sách.

“Năm nay dự kiến chúng ta bội chi trên 111.000 tỉ đồng, trong đó chúng ta vay vốn nước ngoài và vay vốn trong nước, riêng vay vốn trong nước là 83.500 tỉ đồng cộng với phát hành trái phiếu 45.000 tỉ đồng tức là trên 128.000 tỉ đồng, nguồn vốn này chúng ta sẽ phát hành ở đâu, ai là người mua trái phiếu Chính phủ”, ông Ngân đặt vấn đề, và khẳng định “đây thực sự là một thách thức to lớn gay go, đặc biệt khi mục tiêu ưu tiên hiện nay trong kế hoạch 5 năm của chúng ta mới vừa thông qua đó là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi việc phát hành trái phiếu là hình thức gián tiếp để tăng cung tiền mà tăng cung tiền tức là tăng lạm phát”.

ĐB này đề nghị từ năm 2013 nên đưa các khoản chi đầu tư từ nguồn TPCP vào trong ngân sách nhà nước để QH dễ kiểm tra, giám sát.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.