Đại tá Gaddafi đã chết như thế nào?

21/10/2011 09:52 GMT+7

(TNO) Những khoảnh khắc cuối cùng của cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi cũng đẫm máu như cuộc nổi dậy lật đổ ông.

Tình huống chính xác về cái chết của ông Gaddafi hôm 20.10 vẫn chưa rõ ràng với những thông tin trái ngược. Tuy nhiên, những thước phim về khoảnh khắc hỗn loạn cuối cùng trong cuộc đời của đại tá Gaddafi cung cấp một chút manh mối về những điều đã xảy ra.

Theo Reuters, ông Gaddafi vẫn còn sống khi bị bắt gần thành phố quê hương Sirte. Trong một đoạn phim được quay bởi một người trong đám đông và sau đó được phát trên truyền hình, ông Gaddafi có vẻ bị quáng mắt và bị thương khi được kéo trên ca-pô một chiếc xe.

“Giữ ông ta sống, giữ ông ta sống”, một ai đó hét to. Ông Gaddafi sau đó biến mất khỏi màn hình và tiếng súng vang lên.


 Hình ảnh được kênh Arabiya phát đi cho thấy cảnh ông Gaddafi trước khi chết - Ảnh: AFP 

Một nguồn tin cao cấp từ Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp Libya (NTC) nói với Reuters: “Họ bắt sống ông ta và khi ông ta đang được mang đi, họ đánh đập và sau đó giết ông ta. Ông ta có lẽ đã chống cự”.

>> NTC tuyên bố ông Gaddafi đã chết
>> Nhà lãnh đạo Gaddafi thiệt mạng?
>> Quê hương của Gaddafi thất thủ, Libya sắp tuyên bố giải phóng
>> NTC sẽ kiểm soát không phận Bengazhi
>> Con trai ông Gaddafi được xác nhận tử trận
>> Giao tranh nổ ra tại Tripoli
>> Con trai ông Gaddafi bị bắt
>> Quân chính phủ lâm thời Libya sớm chiếm Sirte
>> Tìm thấy 9 tấn vũ khí hóa học tại Libya

Trong một tuyên bố dường như trái ngược với những sự kiện xảy ra trong đoạn phim, NTC nói ông Gaddafi bị giết trong một cuộc đọ súng nổ ra sau khi ông bị bắt. Ông Gaddafi đã chết vì vết thương ở đầu, theo quyền Thủ tướng Libya Mahmoud Jibril. NTC nói họ không ra lệnh giết ông Gaddafi.

 

Các quan chức của NTC cũng nói ít nhất một con trai của Gaddafi là Muatassim cũng bị giết vào hôm qua và có những tin tức chưa được xác nhận cho biết người con trai Saif al-Islam đã bị bắt hoặc bị thương.

Theo tờ New York Times, phiên bản chính thức về các sự kiện do chính quyền lâm thời của Libya cung cấp không được hỗ trợ bởi những hình ảnh và thước phim xuất hiện trên mạng trong 24 giờ qua, làm dấy lên những câu hỏi về khả năng kiểm soát của chính quyền với các tay súng trong một đất nước vốn chia rẽ theo khu vực và bè phái.

Các tường thuật trái ngược về sự kiện trên dường như phản ánh một sự bất ổn sẽ ám ảnh Libya sau khi niềm hân hoan về cái chết của viên đại tá lắng xuống. 

Theo Reuters, ông Gaddafi, người từng gọi phe nổi dậy là “những con chuột”, có vẻ như bị bắt khi đang co rúm trong một cống nước đầy rác rến.

“Ông ta gọi chúng tôi là những con chuột, song hãy xem chúng tôi bắt được ông ta ở đâu”, một binh sĩ 27 tuổi của NTC tên Ahmed Al Sahati nói với Reuters. 

Theo lời kể của các binh sĩ NTC, ngay trước giờ cầu nguyện buổi sáng, ông Gaddafi, với khoảng một chục vệ sĩ trung thành và được hộ tống bởi người đứng đầu lực lượng quân đội đã tan rã Abu Bakr Younis Jabr, mở vòng vây ra khỏi Sirte sau hai tháng bị vây hãm và tháo chạy về phía tây.

Họ không đi được xa. Nước Pháp cho biết một máy bay của họ đã không kích một đoàn xe thuộc lực lượng của ông Gaddafi ở gần Sirte vào lúc 8 giờ 30 ngày 20.10 (13 giờ 30, giờ Việt Nam) song không rõ liệu cuộc không kích có tiêu diệt Gaddafi hay không. Một quan chức của NATI nói đoàn xe bị một máy bay của Pháp hoặc một máy bay không người lái Predator của Mỹ tấn công. 

Bên trong những chiếc xe vẫn còn có những cái xác cháy đen của các tài xế và những binh lính chết ngay tức khắc bởi cuộc không kích.


 Các binh sĩ NTC công kênh một đồng đội với khẩu súng ngắn bằng vàng mà người này nói lấy được từ ông Gaddafi - Ảnh: AFP

Mansour Daou, người đứng đầu nhóm vệ sĩ của Gaddafi, đã ở cùng với nhà cựu lãnh đạo cho đến những phút gần cuối. Daou nói với kênh truyền hình Arabiya rằng sau cuộc không kích, những người sống sót chia làm hai nhóm để tẩu thoát.

“Tôi đi với Gaddafi, Abu Bakr Younis Jabr và khoảng bốn binh sĩ tình nguyện”, Daou nói và cho biết ông không chứng kiến cái chết của chủ mình vì đã bất tỉnh sau khi bị thương ở lưng từ một vụ nổ pháo.

Các binh sĩ của NTC nói Gaddafi và một nhúm tùy tùng có vẻ như đã chạy qua một đám cây và núp trong hai cống nước.

“Đầu tiên chúng tôi dùng súng phòng không để bắn họ song không hiệu quả. Sau đó, chúng tôi chạy đến”, một binh sĩ tên Salem Bakeer kể, “Một người của Gaddafi bước ra, vẫy súng và hô đầu hàng song ngay khi thấy mặt tôi, hắn bắt đầu bắn vào tôi. Sau đó, tôi nghĩ Gadafi hẳn phải kêu gọi dừng lại. Người đó la: Chủ tôi ở đây, chủ tôi ở đây, Muammar Gadadfi ở đây và bị thương”.

“Khi chúng tôi tiến vào và mang Gaddafi ra. Ông ta đang nói: Gì vậy, gì vậy? Điều gì đang xảy ra? Sau đó, chúng tôi vác ông ta và đưa lên xe”, Bakeer kể tiếp.

Vào lúc bị bắt, Gaddafi đã bị thương vì đạn ở chân và lưng, theo Bakeer.

Các binh sĩ khác, những người khẳng định họ tham gia vào vụ bắt Gaddafi, đã xác nhận câu chuyện của Bakeer dù một người khác cho biết Gaddafi đã bị một tùy tùng bắn làm bị thương vào phút chót.

“Một vệ sĩ của Gaddafi đã bắn ông ta vào ngực”, một người tên Omran Jouma Shawan nói.

Cũng có những phiên bản khác của câu chuyện. Một quan chức của NTC tên Abdel Majid Mlegta nói với Reuters rằng Gaddafi bị dồn vào góc tại một ngôi nhà ở Sirte sau vài giờ giao tranh và bị thương trong cuộc đọ súng với lực lượng của NTC.

Ông này nói Gaddafi chết vì vết thương khi được chuyển lên xe cứu thương.

Một quan chức giấu tên của NTC thì kể với Reuters cảnh tượng đầy bạo lực về cái chết của Gaddafi. “Họ (các binh sĩ của NTC) đánh đập ông ta một cách tàn nhẫn và sau đó giết ông ta. Đây là một cuộc chiến tranh”.

 

 Cao ủy Nhân quyền LHQ muốn điều tra cái chết của Gaddafi

Những tình huống xung quanh cái chết của cựu lãnh đạo Libya Muammar Gadafi là không rõ ràng và cần có một cuộc điều tra về việc này, theo bà Navi Pillay - Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) - vào hôm nay, 21.10.

Người phát ngôn của bà Navi Pillay là ông Rupert Colville đã phát biểu trong một cuộc họp báo tại Geneva, Thụy Sĩ: “Về cái chết của Gaddafi vào hôm qua, tình huống vẫn chưa rõ ràng. Cần có một cuộc điều tra dựa vào những gì chúng ta chứng kiến vào hôm qua”.


 Miệng cống nơi ông Gaddafi ẩn nấp trước khi bị bắt sống - Ảnh: AFP

Liên hệ đến những hình ảnh được quay bằng điện thoại di động cho thấy ông Gadadfi còn sống với những vết thương và sau đó chết giữa một đám đông nhảy múa sau khi bị bắt tại thành phố quê hương Sirte, ông Colville nói: “Chúng rất nhiễu loạn khi được đặt cạnh nhau”.

Ông Colville tiết lộ một ủy ban điều tra về vi phạm nhân quyền tại Libya của LHQ chắc chắn sẽ khảo sát cái chết của ông Gaddafi. Ủy ban này sẽ khuyến cáo thực hiện một cuộc điều tra trong nước hoặc quốc tế.

Ông Colville nói các nạn nhân trong 42 năm cầm quyền của ông Gaddafi xứng đáng chứng kiến một quy trình tư pháp đúng đắn.

Trước đó, Tổ chức n xá Quốc tế và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng lên tiếng kêu gọi điều tra về cái chết của ông Gaddafi, người mà Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp Libya (NTC) tường thuật là đã chết trong một vụ đọ súng vào hôm qua, 20.10.

Thông báo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói: “NTC cũng phải điều tra tình huống dẫn đến cái chết của ông Gaddafi, xem liệu có phải ông ta bị giết trong lúc đã bị bắt hay không, điều này có thể cấu thành sự vi phạm nghiêm trọng luật lệ chiến tranh”.

Trong khi đó, kênh Al Arabiya dẫn lời người bác sĩ đã khám thi thể của ông Gaddafi cho biết, ông này chết vì trúng một viên đạn ở bụng. Bác sĩ Ibrahim Tika nói: “Gaddafi bị bắt sống song bị giết sau đó. Có một viên đạn và đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cái chết của ông ta. Nó đi xuyên qua ruột của ông ta". (Sơn Duân)

 

 

Ông Gaddafi sẽ được chôn cất bí mật

Thi thể của cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi sẽ được chôn cất tại một địa điểm bí mật ở Misratah trong hôm nay, 21.10, theo ông Mahmoud Jibril, quyền Thủ tướng của Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp Libya (NTC).

 


Đại tá Muammar Gaddafi - Ảnh: AFP

Theo tờ Time, việc chôn cất ông Gaddafi, người bị giết vào hôm 20.10 tại thành phố Sirte, trái ngược với truyền thống của đạo Hồi vốn quy định người chết phải được chôn cất trong cùng ngày, trước lúc mặt trời lặn.

 

Bộ trưởng Dầu lửa và Tài chính của NTC Ali Tarhouni đã gấp rút đến Misratah vào chiều hôm qua để xem xét thi thể của ông Gaddafi và bàn bạc cách chôn cất ông này.
 
Ông Jibril cho biết các quan chức của NTC nhận định sẽ khinh suất nếu mang thi thể của Gaddafi đến thủ đô Tripoli.

“Tôi không nghĩ mang thi thể đến Tripoli, nơi có quá nhiều giận dữ và chua cay, là một hành động khôn ngoan”, ông Jibril nói.

Kênh truyền hình Al-Arabiya cho biết, NTC quyết định chôn cất ông Gaddafi tại một địa điểm bí mật để tránh biến nơi này thành thánh địa của những người ủng hộ cựu lãnh đạo Libya.

Trong khi đó, hãng Reuters dẫn lời các quan chức NTC đưa tin, tuyên bố về việc giải phóng Libya sẽ được đưa ra vào ngày mai, 22.10.

Tuyên bố giải phóng Libya sẽ chính thức mở màn cho giai đoạn chuyển tiếp sang một chính phủ dân cử tại quốc gia Bắc Phi này. (Sơn Duân)

 

Thế giới phản ứng trước cái chết của Gaddafi

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nói rằng việc ông Gaddafi bị tiêu diệt là sự kiện đánh dấu một sự chuyển đổi lịch sử đối với quốc gia Bắc Phi này, đồng thời kêu gọi hàn gắn dân tộc, không áp dụng các biện pháp trả đũa.

Thủ tướng Anh David Cameron nói: “Người dân Libya ngày nay có cơ hội lớn hơn để xây dựng cho mình một tương lai vững mạnh và dân chủ. Tôi đánh giá cao lòng dũng cảm của người dân Lybia khi đã giúp giải phóng đất nước của họ”.

Bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Mỹ: “Cơ hội mới cho Libya tiến lên phía trước”.

Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu u (EU) Herman Van RompuyJosé Manuel Barroso, Chủ tịch của Ủy ban châu u, thì cho rằng cái chết của ông Gaddafi “đánh dấu sự kết thúc một chế độ chuyên chế. Chúng tôi kêu gọi Hội đồng dân tộc chuyển tiếp quốc gia (NTC) theo đuổi một tiến trình hòa giải cho tất cả người dân Lybia và cho phép một sự chuyển tiếp dân chủ, hòa bình và minh bạch”.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev bày tỏ hy vọng việc kết thúc chiến dịch truy đuổi ông Gaddafi sẽ đem lại một chính phủ dân chủ và hòa bình ở Libya.

Huỳnh Thiềm
(Theo Guardian, AFP)

 

 

Các nhân vật chóp bu thời hậu Gaddafi 
Nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi đã cai trị Libya trong hơn 40 năm. Sau khi ông này bị lật đổ và được cho đã chết vào hôm 20.10, chỗ trống quyền lực này đã được mở ra cho nhiều người.

Hội đồng dân tộc chuyển tiếp (NTC)

NTC, một phong trào có nguồn gốc ở miền đông Libya, đã nổi lên như cồn trong cuộc nổi dậy lật đổ ông Gaddafi.

Cư dân ở các thị xã, thành phố thuộc miền đông Libya đã xem NTC như là một chính quyền mới tạm thời trong những ngày đầu của cuộc nổi dậy chống Đại tá Gaddafi.

 
Quân chính quyền lâm thời ăn mừng chiến thắng tại Tripoli hôm 20.10 - Ảnh: Reuters

NTC hiện đã được hầu hết các nước lớn trên thế giới công nhận là cơ quan hợp pháp duy nhất của quốc gia Bắc Phi này, và đã di chuyển các cơ quan “đầu não” của mình đến thủ đô Tripoli.

Tuy nhiên, các lãnh đạo NTC đã nhấn mạnh rằng, tổ chức này chỉ là một cơ quan tạm thời giám sát việc chuyển tiếp sang các cuộc bầu cử dân chủ, dự kiến diễn ra vào năm 2013.

Mustafa Mohammed Abdul Jalil - Chủ tịch NTC
 
Mustafa Mohammed Abdul Jalil từng là Bộ trưởng Tư pháp trong chế độ của ông Gaddafi, và đã được phái đến Benghazi trong những ngày đầu của cuộc nổi dậy để đối phó với những người biểu tình.

Tuy nhiên, ông đã rời bỏ chính quyền của Gaddafi vào ngày 21.2 để phản đối “việc sử dụng vũ lực của chính phủ Libya chống lại những người biểu tình không vũ trang” và vài ngày sau đã trở thành chủ tịch của NTC.

Được biết, chính con trai của Gaddafi, Saif al-Islam, là người đã đưa ông vào chính phủ của Gaddafi và bổ nhiệm ông vào chức Bộ trưởng Tư pháp hồi năm 2007.

 

Ông Abdul Jalil đã nhận được sự khen ngợi từ các nhóm nhân quyền và các nước phương Tây cho các nỗ lực cải cách luật hình sự của Libya trong thời gian ông nắm quyền tại Bộ Tư pháp.

Hồi cuối tháng 8 vừa qua, khi phe nổi dậy giành quyền kiểm soát Tripoli, ông Abdul Jalil tuyên bố rằng “thời đại Gaddafi đã qua”.

Ông dự kiến sẽ đóng vai trò nổi bật trong chính phủ mới thời hậu Gaddafi.

Mahmoud Jibril - Người đứng đầu Ủy ban hành pháp NTC
 
Đôi khi được gọi là thủ tướng của NTC, Mahmoud Jibril là người đứng đầu Ủy ban hành pháp của tổ chức này.

Trong những ngày đầu của cuộc nổi dậy, ông là người có tiếng nói trọng lực nhất của NTC trên chính trường quốc tế.

 

Ông nổi tiếng là một nhà kỹ trị tài năng và đã đưa ra các quyết định trong việc điều hành NTC trong những ngày qua.

Ali Tarhouni - Bộ trưởng Tài chính của NTC
 
Ali Tarhouni rời Libya đến Mỹ vào những năm 1970. Tại Mỹ, ông đã trở thành giảng viên kinh tế tại Đại học Washington ở Seattle.

Ông trở về nước vào những ngày đầu của cuộc nổi dậy chống Gaddafi và được người dân Benghazi yêu quý sau khi xuất hiện trong các đoạn video được đăng tải trên internet kêu gọi quân đội Gaddafi không nên bắn vào thường dân.

 

Theo một bài báo trên tờ New York Times, một trong những hành động đầu tiên của ông trong vai trò là thủ lĩnh phe nổi dậy là ra lệnh cho các tay súng chống đối cướp ngân hàng trung ương ở Benghazi. Vụ này, phe nổi dậy thu về 320 triệu USD.

Kể từ đó, ông có sứ mệnh là gây quỹ cho chính quyền lâm thời và trở thành nhân vật chủ chốt trong các cuộc đàm phán liên quan đến trữ lượng dầu mỏ của Libya.

Abdul Hafez Ghoga - Phó chủ tịch NTC
 
Abdul Hafez Ghoga là luật sư về nhân quyền tại Benghazi.

Ông Ghoga bị bắt vào ngày 19.2 vừa qua, ngay sau khi các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra, nhưng đã được trả tự do vài ngày sau đó.

 

Ông trở nên nổi tiếng sau khi tự xưng mình là phát ngôn viên của Hội đồng lâm thời.

Ông Ghoga sau đó được chỉ định là Phó chủ tịch và là phát ngôn viên của NTC vào đầu tháng 3.

Abdel Hakim Belhaj - Chỉ huy quân đội tại Tripoli

 

Belhaj Abdel Hakim là người đã dẫn đầu đoàn quân xông vào chiếm pháo đài của ông Gaddafi tại Tripoli và sau đó tuyên bố: “Bạo chúa (Gaddafi) đã bỏ trốn và chúng tôi sẽ đuổi bắt ông ta đến cùng”.

Ali Issawi - Người phụ trách đối ngoại của NTC

Ali Issawi từ chức đại sứ Libya tại Ấn Độ vào ngày 21.2 để phản đối “việc chính phủ sử dụng bạo lực đối với thường dân”.

 

Sau đó, ông đã trở thành người đại diện về mặt ngoại giao của NTC.

Thời còn làm cho chính quyền của Gaddafi, ông Issawi giữ chức bộ trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư. Ông từng là người trẻ tuổi nhất tại quốc gia Bắc Phi nắm giữ chức vụ này.

Huỳnh Thiềm
(Theo BBC, AFP, Reuters; Ảnh: AFP, Reuters)

 

 

Cuộc đời đại tá Gaddafi qua ảnh

Đại tá Muammar Gaddafi, người bị giết vào hôm 20.10, đã cai trị Libya trong hơn 40 năm qua.


 Đại tá Gaddafi vào năm 1975 - Ảnh: AFP


Đại tá Gaddafi (bìa phải) cùng tổng thống Syria, Uganda và Ai Cập vào năm 1972 - Ảnh: AFP


 Gaddafi tại một cuộc họp báo ở Tripoli vào năm 1986 - Ảnh: Reuters


 Gaddafi lên án việc Mỹ ném bom Tripoli vào năm 1986 - Ảnh: Reuters


 Gaddafi tại dinh thự của ông vào năm 2004 - Ảnh: AFP


 Gaddafi cầu nguyện tại một đền thờ ở Mali bên lề một cuộc họp thượng đỉnh sáu nước châu Phi vào năm 1989 - Ảnh: AFP


 Gaddafi tại một cuộc họp báo ở Rome, Ý, vào năm 2009 - Ảnh: AFP


 Gaddafi tiếp cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice, người được ông gọi một cách trìu mến là "một công chúa châu Phi", ở Tripoli vào năm 2008 - Ảnh: AFP


 Gaddafi thách thức phương Tây và phe nổi dậy vào tháng 4.2011 - Ảnh: AFP


Hình ảnh từ những thước phim quay lại cảnh Gaddafi bị bắt vào hôm 20.10.2011 - Ảnh: AFP


Hỉnh ảnh chụp thi thể ông Gaddafi - Ảnh: AFP


 Các kiểu chào của đại tá Gaddafi - Ảnh: AFP


 Các cử chỉ của ông Gaddafi trong 42 năm cầm quyền tại Libya - Ảnh: AFP

Sơn Duân

 

 

 

 

 

 

 

 

Dân Libya xuống đường mừng chiến thắng

Trước thông tin về cái chết của ông Gaddafi được Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp Libya (NTC) tuyên bố, người dân Libya đã đổ ra đường mừng chiến thắng.


Người dân Libya hân hoan đổ ra đường sau khi thông tin cái chết của ông Gaddafi được loan báo - Ảnh: Reuters


Ảnh: AFP


Ăn mừng tại Quảng trường Martyrs ở thủ đô Tripoli - Ảnh: Reuters


Ảnh: AFP


Ảnh: Reuters


Quốc kỳ Libya tràn ngập các ngõ phố - Ảnh: Reuters


Ảnh: AFP


Ảnh: Reuters


Binh lính của NTC biểu dương chiến thắng tại Sirte... - Ảnh: AFP


Và tại Quảng trường Martyrs ở Tripoli - Ảnh: AFP

 
Thông tin về cái chết của ông Gaddafi được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng - Ảnh: AFP


Niềm vui sướng của người dân Libya trước Đại sứ quán Libya tại London (Anh) khi nghe tin Gaddafi chết - Ảnh: AFP


Tại Manchester (Anh), những người dân Libya cũng ăn mừng chiến thắng của NTC - Ảnh: Reuters

 
Một người cha cõng con cầm cờ Libya diễu hành trước Nhà Trắng (Washington, Mỹ) - Ảnh: Reuters

 

 

 

 

 

 

Sơn Duân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.