Bùi Giáng với Hoàng tử bé

20/10/2011 00:34 GMT+7

Ngày 20.10, NXB Văn hóa Văn nghệ kết hợp với cơ sở Quỳnh Na phát hành tác phẩm dịch được xem là bay bướm và truyền cảm nhất của thi sĩ Bùi Giáng: Hoàng tử bé (nguyên tác: Le Petit Prince của nhà văn Pháp Saint Exupéry).

Sách ấn hành nhân dịp tác phẩm trên được xét chọn để trao Giải thưởng sách hay 2011 về lĩnh vực dịch thuật. Mặc dù trải qua gần 50 năm kể từ ngày xuất bản lần đầu tiên tại Sài Gòn nhưng đến nay văn phong và thần sắc trong Hoàng tử bé vẫn đầy sức quyến rũ. Trước hết vì tính cách nhân bản có sức lan tỏa lạ lùng trong nguyên tác của Saint Exupéry với mấy dòng mở đầu: “Tôi xin lỗi các bé con, vì đã đề tặng cuốn sách này cho một người lớn (...) Tôi rất muốn đề tặng cho đứa bé con mà xưa kia người lớn nọ vốn đã từng là (nó) vậy. Mọi người lớn, ban sơ, đều đã từng là những bé con (nhưng ít người trong số đó ghi nhớ điều kia). Vậy tôi xin sửa chữa lời đề tặng: Gửi Léon Werth thuở ông ta còn là bé con”.

Một lẽ khác, về phía người dịch: Bùi Giáng - đã không ngần ngại hạ bút xác định: “Le Petit Prince là tác phẩm thơ mộng nhất và u uẩn nhất trong những tác phẩm của Saint Exupéry” viết về một thiên thần đi về trần gian để “dấn thân” và sau đó “chia tay bụi hồng không một lời oán hận”. Vậy tác phẩm có gì lạ mà Bùi Giáng dịch và giới thiệu trân trọng như thế. Lạ vì, trong tập sách mỏng chỉ chừng 125 trang mà đã chuyển đến bạn đọc cả “một thế giới ở ngoài trái đất”. Lạ nữa, thế giới “ở ngoài” ấy lại được kể và thể hiện bởi một hoàng tử đang “ở trong” mặt đất, trên sa mạc Sahara. Chú hoàng tử cô độc đến từ một tinh cầu xa thẳm đã gặp một phi công cũng một thân một mình đáp xuống sa mạc khi máy bay của ông ta gặp nạn, bị hỏng hóc. Thế là họ, một người lớn và một chú bé hoàng tử, đã “sống” bên nhau những thời khắc tuyệt vời và tâm cảm, nhất là chuyện chú bé thao thức vì một con cừu nào đó đã ăn mất của chú một đóa hoa hồng: “Cái điều xui ta cảm động nhất nơi Hoàng tử bé đang ngủ này, ấy là sự trung thành của chú đối với một đóa hoa, ấy là một hình ảnh một đóa hoa hồng vẫn sáng ngời ở trong người chú như một ngọn đèn, ngay cả khi chú ngủ... Và tôi nhận thấy chú còn mỏng manh hơn nữa. Phải bảo vệ những ngọn đèn: Một cơn gió có thể làm cho tắt mất”. Tắt mất đây không chỉ “tắt” sự sống ngoài thể xác, mà là “tắt” nguồn ánh sáng ban sơ trong tâm hồn của những người đang hiện diện trên “mặt đất trầm trọng và đau thương” này.

Lần tái bản này có in kèm những ký họa màu nước của tác giả Saint Exupéry và các chú thích của dịch giả Bùi Giáng.

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.