Chung một khát vọng cống hiến sức trẻ

14/10/2011 08:10 GMT+7

(TNO) Nhân kỷ niệm 55 ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam, có 55 thanh niên tiêu biểu được trao Giải thưởng "15 tháng 10". Mỗi người có một công việc, đến từ các tỉnh thành khác nhau nhưng tất cả đều chung một khác vọng cống hiến sức trẻ cho đất nước.

Thanh Niên Online đã có cuộc gặp gỡ bốn gương mặt đạt Giải thưởng "15 tháng 10" để hiểu thêm...

Lý A Sử: Nhận bằng cử nhân về quê làm… nông dân


Ảnh: Phan Hậu 

Cầm trên tay tấm bằng cử nhân nhưng Lý A Sử (ảnh) (sinh năm 1985) từ chối cơ hội “đi làm cán bộ”. Anh quyết định trở về quê hương, giúp đỡ người dân thay đổi phong tục tập quán canh tác, tạo đà vươn lên thoát nghèo.

Trước đây, bà con xã La Pán Tẩn chỉ canh tác một vụ lúa. Thu hoạch xong, chẳng làm thêm gì nên bà con cứ chơi dài chờ đến vụ sang năm. Vào mùa giáp hạt, nhiều hộ gia đình rơi vào tình cảnh đứt bữa vì hết cái ăn.

Thấy thế, ngay khi còn là sinh viên, Sử tìm cách đem kiến thức sau mỗi bài học, thực hành trên mảnh đất quê hương với các gia đình trong họ tộc. Ngay vụ đầu tiên, nhiều gia đình đã có tiền dư từ bán nông sản. Thành quả ấy là bằng chứng thuyết phục nhất để Sử vận động người dân trong xã thay đổi tập quán canh tác.

Chỉ sau hai năm, gần như toàn bộ diện tích đất nông nghiệp trong xã đều canh tác thêm vụ đông xuân. Người dân La Pán Tẩn bước đầu thoát khỏi tình trạng thiếu lương thực trong mùa giáp hạt.

Sau đó, Sử tiếp tục nghiên cứu hiện thực hóa ước mơ làm trang trại kinh tế đầu tiên trong xã và đang sở hữu trang trại nuôi nhiều nhím nhất xã, cùng hàng trăm con gia súc, gia cầm. Cộng cả số tiền thu hoạch từ 3 hecta thảo quả, mỗi năm mô hình kinh tế của Sử cho thu nhập gần trăm triệu đồng.

Từ thành công của mình và là Ủy viên thư ký, Hội LHTN VN xã La Pán Tẩn, Sử tiếp cận, thuyết phục thanh niên làm theo mình để phát triển kinh tế.

Chia sẻ với Thanh Niên Online, Sử trải lòng, có tận mắt chứng kiến cuộc sống người dân từng bước đi lên, mới thấy quyết định của mình hoàn toàn đúng đắn. “Tôi vẫn chia sẻ với các bạn thanh niên rằng, chẳng cần tìm việc ở đâu xa, nếu cần cù chịu khó, biết tính toán thì hoàn toàn có thể thoát nghèo thậm chí làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”, Lý A Sử chia sẻ. (Hoàng Phan)

Phan Văn Minh: Đến với thanh niên bằng cái tâm

 
Phan Văn Minh phát động phong trào thanh niên tại địa phương - Ảnh do nhân vật cung cấp

Đó là phương châm trong hoạt động công tác Đoàn - Hội của Phan Văn Minh (sinh năm 1979), Chủ tịch Hội LHTN VN Q.Phú Nhuận (TP.HCM).

Mười một năm gắn bó với công tác Đoàn - Hội là chừng ấy năm anh Minh được hầu như các bạn trẻ ở Q.Phú Nhuận biết đến. Bước chân anh đã đi khắp các khu phố, đến tận nhà để vận động thanh niên tham gia vào Hội.

Địa bàn Q.Phú Nhuận có hơn 30.000 thanh niên. Trong đó, có khoảng 15.000 thanh niên là hội viên của Hội LHTN VN Q.Phú Nhuận. Đó là con số không nhỏ hội viên tại một địa bàn dân cư, với rất nhiều đối tượng từ học sinh - sinh viên, công nhân lao động và cả những thanh niên đã từng hoặc có nguy cơ “nhúng chàm” bởi những tệ nạn xã hội.
 
Để kéo thanh niên về với Đoàn - Hội thì “bí quyết” hàng đầu của Minh là chỉ có bảo vệ quyền lợi của anh em, đặc biệt là về mặt pháp luật, đến với thanh niên phải bằng cái tâm để tổ chức những hoạt động thiết thực thì thanh niên mới đến với mình.

Vì vậy mà với từng đối tượng thanh niên trên địa bàn, Hội LHTN VN Q.Phú Nhuận đều tìm ra những hoạt động riêng, phù hợp. Trong đó, phong trào thanh niên của Q.Phú Nhuận mạnh nhất là các hoạt động gắn với tay nghề chuyên môn của thanh niên lao động, giải quyết việc làm, hỗ trợ thanh niên vay vốn lập nghiệp, sân chơi cuối tháng cho thanh niên công nhân lao động…


Hàng ngàn thanh niên đến với Ngày hội việc làm do Hội LHTN VN Q.Phú Nhuận tổ chức - Ảnh: Hội LHTN VN Q.Phú Nhuận cung cấp

“Một người làm tốt công tác Đoàn, phong trào thanh niên, cần có cái tâm. Đó là sự nhiệt tình, sôi nổi, chịu khó tìm hiểu, đến với từng đối tượng bạn trẻ. Đồng thời phải có cái tầm để tổ chức phong trào hiệu quả, phù hợp với nhu cầu của các đối tượng thanh niên”, anh Minh đúc kết. (Nguyên Mi)

Nguyễn Văn Hoạt: Người thầy thuốc hết lòng vì bệnh nhân

 
Bác sĩ Nguyễn Văn Hoạt hăng hái tham gia hoạt động Hội ở tuổi U40 - Ảnh: Thu Hằng

Ở tuổi U.40, bác sĩ Nguyễn Văn Hoạt, Phó trưởng khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viên đa khoa tỉnh Bắc Giang mới bắt đầu đến với hoạt động Hội. Tuy nhiên, với tinh thần, nhiệt huyết, người bác sĩ thanh niên này đã có nhiều sáng kiến cho phong trào Hội thầy thuốc trẻ Bắc Giang.

Khi được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ, bác sĩ Nguyễn Văn Hoạt không khỏi bỡ ngỡ: “Trước đây, chỉ tiếp xúc với bệnh nhân đến khám, công việc bộn bề nên đôi khi bác sĩ chưa hiểu hết khó khăn của người bệnh. Khi đi làm công tác từ thiện xã hội, tôi mới nhận ra rằng, còn rất nhiều người nghèo, đặc biệt là những người miền núi, còn chưa biết thế nào là tuyến y tế. Thậm chí có trong tay bảo hiểm, cũng không biết tìm đến đâu để chữa bệnh. Là một bác sĩ, tôi tâm niệm mình phải làm gì đó để càng có nhiều người bệnh được giúp đỡ, chữa bệnh”.

Hai năm trên cương vị Chủ tịch Hội thầy thuốc trẻ tỉnh Bắc Giang, bác sĩ Nguyễn Văn Hoạt đã chủ động đề xuất với các bệnh viện tổ chức chương trình khám chữa bệnh cho trẻ em nghèo bị tim bẩm sinh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Hội thầy thuốc trẻ cũng tham gia khám bệnh, tư vấn sức khỏe, phát thuốc miễn phí cho 3.000 đối tượng là người nghèo, gia đình chính sách; mổ mắt miễn phí cho 50 người già có hoàn cảnh khó khăn; tập huấn các phương pháp sơ cấp cứu và tư vấn dinh dưỡng cho 2.000 người tại các trường học trên địa bàn tỉnh; vận động y, bác sĩ hiến máu tình nguyện.

Bác sĩ Hoạt tâm sự: “Khi chưa có tổ chức Hội thầy thuốc trẻ, nhiều bác sĩ mong muốn làm từ thiện cũng không có cơ hội vì thiếu kinh phí. Nay, Hội đã vận động các nhà hảo tham gia đồng hành. Nhờ đó, ngày càng có nhiều người nghèo được tiếp cận với bệnh viện, được khám, chữa bệnh. Còn những người thầy thuốc cảm thấy vui lây vì đóng góp nhỏ nhoi của mình. Nhưng điều mà nhiều y, bác sĩ trẻ thấm thía hơn cả là cần phải học hỏi nâng cao tay nghề và trau dồi y đức”. (Thu Hằng)

Trần Phước Nguyên: Công tác Đoàn - Hội giúp tôi trưởng thành

“Nếu chọn lại, tôi vẫn hoạt động thanh niên, làm công tác Đoàn - Hội”, chàng trai 27 tuổi Trần Phước Nguyên khẳng khái với quyết định và con đường đi mình đã chọn.

Khi còn là học sinh phổ thông, trong khi các bạn luôn tranh thủ thời gian ngoài giờ học chính khóa để “chạy sô” học thêm thì Nguyên lại chọn cách sử dụng thời gian khác. Cậu học sinh ngày ấy tham gia vào đội công tác xã hội của trường, đến những vùng dân cư khó khăn, giúp đỡ trẻ em cơ nhỡ hay làm vệ sinh khu phố trên địa bàn mình sinh sống.

“Khi đó, do còn ở lứa tuổi học sinh nên hoạt động xã hội chỉ ở địa bàn cư trú. Nhưng bấy nhiêu đó cũng đủ cho mình thấy rằng, xung quanh còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, cần được giúp đỡ và có những việc làm nhỏ nhưng sẽ góp sức giảm bớt vất vả và đem lại niềm vui cho người khác”, Nguyên tâm sự. Thế là dần dà, Nguyên gắn bó với các hoạt động thanh niên, Đoàn - Hội tại phường, quận và trở thành Phó chủ tịch Hội LHTN VN Q.10.


Các hoạt động Đoàn - Hội thanh niên giúp nhiều bạn trẻ tự tin, trưởng thành - Ảnh: Đào Ngọc Thạch 

Cũng là một bạn trẻ 8x nên Nguyên thấy rõ thực tế hoạt động của thanh niên rất phong phú vì vậy Đoàn - Hội LHTN cần có nhiều nội dung và môi trường tập hợp thanh niên. “Để các bạn đến với mình trước hết mình phải đến với các hoạt động hiện có của các bạn, đến với những sở thích, nguyện vọng của các bạn”, Nguyên lý giải.

Hiện nay, Q.10 có rất nhiều câu lạc bộ tự phát, tập hợp các bạn trẻ có cùng sở thích như các hội: hip-hop, quay viết, vespa, chơi xe cổ… Thay vì để các hoạt động này tự phát thì Hội LHTN Q.10 đã tạo điều kiện, hướng hoạt động của các đội nhóm này vào quy củ và tham gia vào chuỗi hoạt động của Hội.

Ngoài ra, Hội LHTN Q.10 còn thực hiện các mô hình chi hội ngành nghề như: ngành nghề điện tử Nguyễn Kiêm, pha chế nước uống (ở khu vực cư xá Bắc Hải, là “phố” cà phê của Q.10), ngành tóc, dán đề can. Đây là nơi thanh niên trau dồi nghề nghiệp và bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Nguyên chia sẻ: “Hoạt động Đoàn - Hội và phong trào thanh niên đã cho tôi cơ hội tiếp xúc, hiểu thêm về nhiều người làm cho tôi năng động hơn, mở mang kiến thức và trưởng thành”. (Nguyên Mi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.