Tàu hàng biến thành “thùng rác” khổng lồ

06/10/2011 07:20 GMT+7

Mỗi ngày có hàng tấn rác thải dân sinh đang được cư dân hai bên đường ném lên tàu hỏa chở hàng tuyến Hà Nội - Hải Phòng.

Chỉ tay vào dãy túi được tập kết chạy dọc 2 bên đường ray, chị Nguyễn Thị Thúy, tổ khách vận, ga Hải Phòng cho biết đây đều là rác thải mà chị và các nhân viên trong tổ vừa dọn xuống từ một đoàn tàu hàng đi từ Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) về, trong số ấy, nhiều chiếc túi đã bốc lên mùi hôi thối.

Chị Thúy chọn ngẫu nhiên một túi rác màu đen khá to để dỡ ra kiểm tra. Thật rùng mình khi nằm chình ình bên trong là xác một con mèo đang bắt đầu phân hủy. “Khi là mèo, chuột, khi là chó. Thậm chí có hôm, mấy người chúng tôi phải hợp nhau lại mới lôi được một chiếc bao nặng dễ chừng 50 ký xuống đất. Mở ra thì bên trong là nguyên một con lợn chết”, chị Thúy ngao ngán. Anh Phạm Hồng Sơn, một nhân viên khác nói: “Mặc dù là nhân viên của tổ khách vận, nhưng hơn 10 năm nay, chúng tôi vẫn phải làm công việc của nhân viên... môi trường đô thị là đi thu gom rác thải”.

Theo anh Sơn, khi xuất phát từ ga Hải Phòng, toa tàu nào cũng sạch sẽ, thoáng đãng. Nhưng khi quay trở lại sân ga, các toa tàu chở hàng lúc nào cũng ngập tràn rác thải dân sinh. “Thay vì đổ lên xe rác của công ty vệ sinh môi trường, nhiều người dân ở hai bên đường ray cứ chờ khi tàu đến nơi rồi tiện tay... ném thẳng lên toa”, anh Sơn bức xúc.

Cũng làm công tác thu gom rác bất đắc dĩ, chị Vũ Thị Hoa chia sẻ: “Nhân viên thu gom rác của công ty môi trường đô thị còn được làm việc theo ca, chứ anh chị em chúng tôi thì bất kể giờ giấc. Vì tàu hàng không đi theo lịch cố định mà chạy khi chuyến hàng đã đủ tấn số. Cứ mỗi khi tàu về là anh chị em huy động nhau lao vào... dọn rác và vệ sinh toa hàng đến cả tiếng đồng hồ, bất kể đêm ngày, mưa nắng. Vì nếu không vệ sinh toa tàu, tàu sẽ không được cho vào cảng nhận hàng vì nguy cơ ô nhiễm môi trường cảng”.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Văn Nam, Trưởng ga Hải Phòng cho biết: Hàng ngày, tuyến Hải Phòng - Yên Viên có 10 chuyến tàu (5 lượt đi và 5 lượt về) chở hàng từ Cảng Hải Phòng lên khu vực Hà Nội. Trung bình 1 ngày, tổ thu gom rác của nhà ga gom được khoảng 1 tấn rác thải người dân ném lên tàu.

Theo ông Nam, tàu càng đi vào khu đông dân cư, rác càng nhiều. Các cung đường sắt từ Thượng Lý đến cầu Tam Bạc, từ cầu Tam Bạc đến cổng 3 cảng Hải Phòng là tâm điểm của... rác.

“Những đoàn tàu hàng phải hứng rác nhiều nhất vì toa chở hàng thường là toa hở. Những kiện hàng đóng gói vuông vức hoặc các container bằng phẳng luôn là “bến đáp” lý tưởng của các gói rác.

Hơn nữa, tàu hàng thường chạy với tốc độ chậm hơn tàu khách nên thậm chí, người dân còn ra sát đoàn tàu để... treo rác vào các móc hàng”, ông Nam phân tích. Theo ông Nam, tình trạng tàu hàng bị biến thành thùng rác di động khổng lồ đã kéo dài từ hàng chục năm nay và không hề có dấu hiệu giảm bớt.

“Chúng tôi đã thành lập cả ban an ninh để làm việc với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng. Nhưng không đem lại hiệu quả đáng kể. Nguyên nhân là chưa có một chế tài nào đủ mạnh để xử phạt hành vi ném rác này của người dân. Hơn nữa, việc ném rác chỉ xảy ra chớp nhoáng, trong lúc tàu vẫn chạy nên rất khó bắt quả tang để xử phạt. Chúng tôi cũng đã có đề xuất xây dựng hành lang an toàn giao thông đường sắt và thực hiện việc cắm mốc chỉ giới cách đường ray 15m. Tuy nhiên, việc này lại vướng vào việc giải tỏa và quy hoạch tại các thành phố lớn. Vì vậy, biện pháp trước mắt vẫn là tuyên truyền và vận động để nâng cao nhận thức, ý thức của người dân”, ông Nam nói.

Bích Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.