Vỡ đê

29/09/2011 00:37 GMT+7

Sau nhiều ngày cầm cự, đến hôm qua, hàng loạt đê tại 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã không còn chịu nổi áp lực ngày càng gia tăng của lũ. * Bão số 5 sẽ đổ bộ vào Bắc Bộ * Thêm một cơn bão đang di chuyển vào biển Đông

Hàng chục ngàn héc-ta lúa bị đe dọa

Cả 3 cơn bão đều ập vào Việt Nam thì quá hiếm gặp, nếu không muốn nói là chưa từng xảy ra hiện tượng tương tự

Ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm DBKTTV T.Ư

Từ đêm 27 đến rạng sáng 28.9, hàng loạt điểm đê xung yếu tại các huyện: Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới... (An Giang) đã bị vỡ, hàng ngàn héc-ta lúa thu đông chìm trong nước. Toàn tỉnh có 11.000 ha lúa vụ 3 bị nước lũ đe dọa trực tiếp; trong đó có trên 4.000 ha lúa bị ngập sau các vụ vỡ đê, tràn đê. Theo ông Huỳnh Thế Năng - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh An Giang, dự tính tối đa chỉ có thể cứu được 2.000 ha.

Tiếp theo vụ vỡ đê trên địa bàn xã Vĩnh Phước (H.Tri Tôn), vụ vỡ đập số 2 ở tiểu vùng Tân Vọng (xã Vọng Thê, H.Thoại Sơn), vụ vỡ đê kinh Phước Điền (xã Văn Giáo, Tịnh Biên)..., hôm qua, dồn dập các vụ vỡ đê đập tại xã Mỹ Hội Đông (H.Chợ Mới), đê xã Vĩnh Hanh (H.Châu Thành), đê bao tại Kinh 8 (xã Thạnh Mỹ Tây, H.Châu Phú)... Nghiêm trọng nhất là vụ vỡ đê tại Kinh 7 (xã Ô Long Vĩ, H.Châu Phú), vào tối 27.9.

Bão số 4 làm 4 người chết

Tại nhiều địa phương ở tỉnh An Giang, lũ dâng cao gây ngập trên 1.000 ngôi nhà, nhiều tuyến sông bị sạt lở với tổng chiều dài khoảng 30 km..

Tính đến 28.9, toàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 10.000 học sinh các cấp phải nghỉ học tránh lũ; 2 trẻ em bị chết đuối.

Báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư cho biết, bão số 4 đã cướp đi sinh mạng của 4 người và làm 4 người khác bị thương. Trong đó, Quảng Trị và Phú Yên mỗi tỉnh có 1 người và Thừa Thiên - Huế có 2 người chết. 128 ngôi nhà bị hư hại , 5.167 ha lúa và hoa màu của nông dân Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế bị ngập.

T.Trình - Thanh Dũng - Q.Duẩn

Vỡ đê ở TP.HCM, 100 căn nhà bị ngập nước

Sáng qua 28.9, tuyến đê bao nằm ven sông Sài Gòn đoạn KP5, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức (TP. HCM) bị vỡ, nước tràn vào gây ngập trên diện rộng, khiến gần 100 căn nhà của người dân bị ngập sâu trong nước, nhiều vật dụng sinh hoạt, vườn cây ăn trái, hoa màu bị nước dìm.

Ngọc Thọ

Sáng 28.9, PV Thanh Niên đã có mặt tại hiện trường điểm vỡ đê trên Kinh 7, xã Ô Long Vĩ. Chính quyền và người dân địa phương ở đây cho biết, điểm đê này bị vỡ hoàn toàn vào lúc 21 giờ 30, cuốn trôi toàn bộ nhà cửa, tài sản của gia đình ông Phạm Văn Hùng (ấp Long Hưng). Rất may, ông Hùng chỉ bị thương ở chân, những người còn lại đều được người dân và lực lượng địa phương đưa đến nơi an toàn. Đến hôm qua, điểm đê trên đã bị vỡ với chiều dài trên 30m. Một diện tích lớn lúa của người dân nhanh chóng chìm trong biển nước.

Ngay từ khi vụ việc xảy ra, Quân khu 9 đã điều động khẩn cấp trên 1.000 người; tỉnh An Giang huy động  2.500 nhân lực... để chung sức với người dân địa phương khắc phục sự cố. Ông Vương Hữu Tiến - Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang cho biết, trước mắt địa phương tập trung vá điểm vỡ tại bờ tây Kinh 7 và gia cố các con đập ngăn với tiểu vùng Kinh 9 và Kinh 10 để cứu 1.000 ha lúa còn lại. Đã tiến hành đắp đập ngăn 2 đầu Kinh 7 để làm giảm áp lực của lũ thượng nguồn đổ về. Sau đó sẽ xốc cừ, tấn bao cát vá điểm đê bị vỡ.

Tại Đồng Tháp, khoảng 4 giờ sáng ngày 28.9, nước lũ đã đánh sập một đoạn dài hơn 30m trên tuyến đê bao Cả Mũi (ấp Chiến Thắng, xã Tân Thành A, H.Tân Hồng), tràn  băng băng vào đồng nhấn chìm gần 500 ha lúa sắp thu hoạch, thiệt hại ước tính trên chục tỉ đồng. Trước đó vào tối 27.9,  đê bao ở ấp Đuôi Tôm (xã Tân Hội Cơ, H.Tân Hồng) bị nước lũ đánh vỡ một đoạn dài hơn 4m. Hơn 600 chiến sĩ công an, bộ đội, biên phòng... đã phải thức suốt đêm gia cố, bảo vệ  đê. Cùng thời gian này, tuyến đê bao ở cánh đồng ấp Gò Bối (xã Tân Hội Cơ, H.Tân Hồng) bị nứt, nước tràn vào đe dọa hàng trăm ha lúa, nhưng đã được lực lượng tại chỗ bảo vệ kịp thời.

Tại TX Hồng Ngự, do nhiều tuyến đê bao bị nước lũ tràn qua nên địa phương đã phá một số tuyến đê khu vực còn ít lúa, nhằm chia tải nước lũ. 

Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN- PTNT Đồng Tháp, cho biết hiện tỉnh này còn trên 25.000 ha lúa thu đông chưa thu hoạch và đang bị nước lũ đe dọa. Nhiều tuyến đê đang đứng trước nguy cơ bị vỡ bất cứ lúc nào.

Bão số 5 sẽ đổ bộ vào Bắc Bộ

Chiều tối qua 28.9, bão số 5 mạnh cấp 12 - 13 (118 - 149 km/giờ), giật cấp 14 - 15, tâm bão chỉ còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 350 km về phía đông đông bắc.

Đỉnh lũ vào đầu tháng 10

Trung tâm DBKTTVT.Ư cho biết, trong 1 - 3 ngày tới, lũ tại vùng đầu nguồn sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên tiếp tục lên nhanh, sau đó lên chậm dần. Đỉnh lũ cao nhất năm tại các trạm đầu nguồn sông Cửu Long sẽ xuất hiện vào những ngày đầu tháng 10. Dự báo, ngày 2.10, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu lên mức 4,9 m (trên báo động - BĐ3), trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 4,3m (trên BĐ3). Tại các trạm chính vùng đầu nguồn Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên lên trên mức BĐ3. Mực nước trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa lên mức 2,3m (dưới BĐ3).

Q.D - M.V

Ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn (DBKTTV) T.Ư cho biết, trong 24 - 36 giờ tới, bão số 5 di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ khoảng 15 - 20 km/giờ. Như vậy, đêm nay 29.9, bão sẽ vượt qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) và sáng sớm ngày mai 30.9 sẽ đi vào vịnh Bắc Bộ, sau đó đổ bộ trực tiếp vào Bắc Bộ vào khoảng chiều và đêm cùng ngày.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc và giữa biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão cấp 12 - 13, giật cấp 14 - 15. Biển động dữ dội rất nguy hiểm. Từ chiều tối 29.9, trên vịnh Bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão cấp 11 - 12, giật cấp 13 - 14, biển động mạnh. “Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to trong các ngày 30.9 và 1.10”, ông Tăng cảnh báo.

Trong khi đó, hiện ở ngoài khơi Thái Bình Dương đã xuất hiện một cơn bão có tên quốc tế là Nalgae, đang di chuyển nhanh theo hướng tây và khoảng ngày 2.10 sẽ vào biển Đông, trở thành cơn bão số 6. Nhiều khả năng cũng sẽ đổ bộ vào nước ta.

Như vậy, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, liên tiếp 3 cơn bão xuất hiện, trong đó đã tồn tại hai “bão đôi”. Ông Tăng cho rằng, đây là hiện tượng bất thường. “Cả 3 cơn bão đều ập vào VN thì quá hiếm gặp, nếu không muốn nói là chưa từng xảy ra hiện tượng tương tự”, ông Tăng nói.

Hôm qua, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp khẩn bàn và triển khai các biện pháp phòng chống cơn bão số 5. Ngay sau khi cuộc họp kết thúc, Thủ tướng Chính phủ đã phát công điện khẩn cho các tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên.

 

Bản đồ dự báo đường đi của bão số 5 - Nguồn: Trung tâm DBKTTV T.Ư

Tập trung lực lượng hộ đê trước áp lực lũ - ảnh: Tiến Trình - Thanh Dũng

Đê bờ Tây Kinh 7 (xã Ô Long Vĩ, Châu Phú, An Giang) dìm 1.500ha lúa đông xuân của người dân chìm trong biển nước - Ảnh: Tiến Trình

 

Đê bao Cả Mũi bị vỡ, lúa chìm vào biển nước - ảnh: Thanh Dũng

Tiến Trình - Thanh Dũng - Quang Duẩn - Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.