Chim cổ chung số phận với khủng long

24/09/2011 18:19 GMT+7

Một nghiên cứu mới đã chấm dứt tranh cãi lâu nay về việc các loài chim cổ đã bị tuyệt chủng như thế nào.

Theo đó, chúng gần như bị xóa sổ bởi tác động của chính thiên thạch đã chấm dứt sự tồn tại của khủng long cách đây 65 triệu năm.

Trong nhiều thập niên qua, các nhà khoa học đã tranh luận về việc liệu các loài chim thuộc kỷ Bạch phấn, vốn rất khác so với các loài chim hiện đại, chết dần chết mòn hay bị thiên thạch Chicxulub tiêu diệt bất thình lình. Tình trạng không rõ ràng này một phần xuất phát từ việc có quá ít chim hóa thạch thuộc kỷ nguyên này được tìm thấy.

Nay một nhóm chuyên gia cổ sinh vật học do tiến sĩ Nicholas Longrich thuộc Đại học Yale (Mỹ) chủ trì đã cung cấp bằng chứng rõ ràng rằng nhiều loài chim cổ đã sống sót đến tận thời điểm xảy ra vụ tấn công của thiên thạch. Họ đã xác định niên đại của một bộ sưu tập hóa thạch chim đại diện cho hàng loạt loài khác nhau, nhiều loài trong số này sống sót khoảng 300.000 năm trước khi Chicxulub “thăm” trái đất. “Điều này cho thấy các loài chim này bị tuyệt chủng rất bất ngờ, xét theo thang thời gian địa chất”, ông Longrich cho biết.

 
Những mẩu xương hóa thạch hiếm hoi của các loài chim cổ  - Ảnh: Đại học Yale

Theo báo cáo nghiên cứu được công bố trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences số mới nhất, Longrich và các cộng sự đã xem xét một bộ sưu tập lớn gồm khoảng 20 hóa thạch chim được tìm thấy ở Bắc Mỹ, đại diện cho một loạt loài đã tồn tại trong suốt kỷ Bạch phấn. Longrich cho biết chim hóa thạch thuộc kỷ Bạch phấn cực kỳ hiếm, do xương của chúng nhẹ và giòn nên dễ bị hủy hoại hoặc bị sông suối cuốn đi.

Theo tiến sĩ Longrich, đây không phải là nghiên cứu đầu tiên cho thấy chim cổ bị tuyệt chủng bất thình lình. “Đã có nhiều bằng chứng cho thấy chúng bị xóa sổ cùng lúc với khủng long. Và, bằng chứng mới trên thực tế đã khép lại cuộc tranh luận về vấn đề này”, ông khẳng định.

Khang Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.