Làm gì để du lịch phát triển? - Kỳ 5: Mấu chốt là liên kết

18/09/2011 01:51 GMT+7

Du lịch được tạo thành từ những mắt xích, như giao thông vận chuyển, thương mại, dịch vụ… Bản thân ngành du lịch không thể đứng một mình để phát triển mà cần liên kết với các ngành khác nhằm tạo ra sức cạnh tranh. Đây chính là điểm mà du lịch VN chưa làm được.

Kỳ 4: Chất lượng quảng bá kém

Tour nước ngoài rẻ hơn trong nước

Dịp lễ 2.9 vừa qua, khách VN ùn ùn kéo ra nước ngoài vui chơi. Nhiều hãng lữ hành thừa nhận, khách Việt chọn tour nước ngoài đông hơn tour trong nước. Đơn cử như tại Fiditour, khách mua tour lễ đi chơi nước ngoài đạt con số 2.500 khách, trong khi khách đi trong nước dừng ở mức 2.000. Còn tại Công ty du lịch Việt, 8 tháng đầu năm phục vụ 30.000 khách đi tour nước ngoài, trong khi khách mua tour trong nước chỉ khoảng 15.000. Khách Việt chọn tour nước ngoài đồng nghĩa với một khoản ngoại tệ lớn đi theo.


Nạn hàng rong đeo bám du khách không được giải quyết dứt điểm do ngành du lịch thiếu liên kết với các ngành khác - Ảnh: H.Việt

Theo phân tích của các hãng lữ hành VN, gần đây, tour nước ngoài áp dụng chính sách giảm giá trực tiếp lên tour và miễn phí gián tiếp lên các lựa chọn cộng thêm nên càng thu hút thêm khách. Chẳng hạn, Thái Lan không tính tiền một số show diễn hoặc vào vườn trái cây (trước đây tính phí); Singapore tặng luôn phí du thuyền… Tour Thái 6 ngày 5 đêm mùa hè rồi giảm xuống còn 7,1 triệu đồng, nhưng vẫn đảm bảo dịch vụ, khách sạn 4 - 5 sao, rẻ hơn tour từ TP.HCM - Hà Nội đến khoảng 3 triệu đồng. Với khoản tiền này, khách Việt có rất nhiều lựa chọn cho tour nước ngoài. Thành ra, các công ty du lịch VN luôn bận rộn với các tour đi Thái Lan, Singapore, Malaysia…

Nguyên nhân giá tour nội cao có nhiều nhưng trực tiếp có thể nhìn thấy các tuyến du lịch trọng điểm ở VN đều dựa vào vận chuyển đường bộ, như từ TPHCM đi Đà Lạt, Mũi Né, Cần Thơ...; hay tuyến Hà Nội đến Hạ Long, Ninh Bình… cũng vậy. Nên khi giá xăng tăng, chi phí cũng tăng theo. Bên cạnh đó, giá vé máy bay đã nới trần hồi tháng 4 (tăng hơn 20%) và sắp tới đây có thể sẽ tiếp tục tăng giá trần các trục bay nội địa cũng ảnh hưởng tới cơ cấu giá tour. Đó là chưa kể, lạm phát ở VN tăng cao, giá cả hầu hết các dịch vụ ở điểm đến được điều chỉnh nhiều lần. Tuy nhiên, các vấn đề khách quan này sẽ được hạn chế tác động tiêu cực nếu ngành du lịch chủ động hơn trong các liên kết, kết nối.

Kết nối yếu

Chuyên gia du lịch người Singapore Robert Tan cho rằng, các vấn đề mà Báo Thanh Niên đề cập trong loạt bài Làm gì để du lịch phát triển? là cần thiết trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt hiện nay của nền kinh tế du lịch trong khu vực. Du lịch VN không chỉ cạnh tranh với các nước để có nguồn khách quốc tế, mà còn cạnh tranh để giữ chân khách nội địa. Có vẻ như ngành du lịch VN đang đối mặt với rất nhiều khó khăn từ bên trong cuộc cạnh tranh này. Theo chuyên gia này, du lịch được tạo thành bởi các mắt xích khác nhau, chứ bản thân du lịch không thể tự phát triển mà cần liên kết. Ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất, tạo sự liên kết, kết nối chặt chẽ các ngành (giao thông, thương mại, văn hóa, an ninh trật tự…) là mấu chốt đem lại sự đột phá cho du lịch VN. Thứ hai, liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch. Đối với liên kết ngành, ông Tan lấy ví dụ về điểm yếu này: Tết là lễ hội lớn của người VN với rất nhiều chương trình vui chơi giải trí hấp dẫn trên khắp cả nước; mọi thứ đều đặc biệt trong những ngày tết. Thế nhưng, ngành du lịch đã không liên kết với những ngành khác văn hóa để phát triển lễ hội này thành một sản phẩm du lịch độc đáo như Thái Lan đã làm với tết truyền thống của họ. Một ví dụ khác, dịp lễ 2.9 các siêu thị điện máy ở TP.HCM đều có chương trình khuyến mãi. Thế nhưng, chưa bao giờ các hãng lữ hành thấy một việc rất đơn giản là ngành du lịch kết nối các siêu thị này lại để quảng bá cho du khách một chương trình mua sắm!

Theo ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Viet Circle, nhiều nước nhìn nhận du lịch là ngành đem lại thu nhập và việc làm cho các ngành khác nên các khoản thuế đánh vào hoạt động du lịch thường là thấp hơn. Nhưng ở VN, du lịch được xem là nguồn thu cho ngân sách nên các khoản thuế không có sự khác biệt. “Chính quan điểm này đã dẫn tới sự phối hợp giữa các ngành và ngành du lịch khác không tốt. Đây là lỗi của ngành du lịch, vì Tổng cục Du lịch phải là đầu mối, cầu nối để có sự kết nối chứ không thể chờ đợi. Hơn nữa, các định hướng phát triển du lịch VN cũng cần được xây dựng dựa trên chiến lược dài hơi, để các kết nối đó có sự bền chặt hơn”, ông Huê bình luận.

Các hãng lữ hành thừa nhận, ngoài sự liên kết kém giữa các ngành, bản thân doanh nghiệp cũng yếu trong khâu quan trọng này. “Trước đây, Tổng cục Du lịch triển khai chương trình kích cầu đã lập ra nhóm khuyến mãi kích cầu, có sự tham gia của hãng lữ hành lớn nhỏ khác nhau. Nhưng sau thời gian, nhóm khuyến mãi còn vài người và cuối cùng chuyện ai nấy lo. Các doanh nghiệp lớn không có nhu cầu với hãng nhỏ; công ty nhỏ thì sợ hãng lớn thâu tóm. Trong khi để khai thác một thị trường du khách lớn và tiềm năng, các hãng lữ hành trong nước cần thiết phải kết hợp để cùng khai thác thế mạnh của mỗi đơn vị. Nhưng do cách nhìn nhận này, khách quốc tế đáng lý sẽ vào VN đã chuyển qua thị trường khác có đối tác chuyên nghiệp hơn”, đại diện một công ty du lịch phát biểu.

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.