Đà Nẵng "chiêu hiền, đãi sĩ"

16/09/2011 11:15 GMT+7

(TNO) Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu với nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt thu hút nhân tài từ các nơi về làm việc tại thành phố (TP).

Tại sao thu hút được "nhân tài"?

Từ năm 1998 đến nay, số "nhân tài" mà TP thu hút được là 899 đối tượng (tính đến tháng 6.2011), gồm: 10 tiến sĩ, 151 thạc sĩ, 738 cử nhân - kỹ sư loại giỏi. Chỉ riêng năm 2010, số người chọn Đà Nẵng làm điểm đến gồm 91 đối tượng, trong đó có 2 tiến sĩ, 16 thạc sĩ, 64 sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi bố trí làm việc tại các cơ quan hành chính, sự nghiệp trên địa bàn.

Tại sao Đà Nẵng lại thu hút nhiều người đến làm việc? Theo ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, đó là do Đà Nẵng có một chính sách đãi ngộ rõ ràng, đáp ứng cơ bản nhu cầu của người tài. Ông Đặng Công Ngữ chia sẻ: "Chúng tôi không có khái niệm "nhân tài" mà chỉ gọi đó là "nguồn nhân lực chất lượng cao".


4 học sinh Lê Quý Đôn đoạt giải Olympic quốc tế năm 2011 nhận bằng khen và tiền thưởng của UBND TP Đà Nẵng - Ảnh: V.P.Thảo

Cùng là chính sách đãi ngộ, trải thảm đỏ thu hút người tài, nhưng Đà Nẵng, dù không phải là địa phương tiên phong mở ra chính sách trên nhưng TP này là nơi đầu tiên có sự đầu tư, chuẩn bị khá bài bản, chuyên nghiệp. Điều này thể hiện rõ qua việc xây dựng Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của TP.

Theo đó, cơ quan này sẽ là nơi xây dựng các tiêu chí, điều kiện chọn đối tượng, ngành nghề để cử người tham gia học tập; vừa là nơi tìm kiếm, khai thác học bổng từ các nguồn và kiêm luôn chức năng quản lý, theo dõi, đánh giá quá trình học tập của các học viên được cử đi đào tạo.

Bên cạnh việc thu hút nguồn nhân lực các nơi, Đà Nẵng đã kết hợp với việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tại địa phương, bắt đầu từ trường đại học đến các cấp sau đại học. Các học viên sau khi hoàn thành chương trình học tập do thành phố tài trợ phải có buổi báo cáo kết quả trực tiếp với lãnh đạo thành phố cùng các nhà chuyên môn.

Người tài đến từ đâu?

Muốn đặt họ vào một vị trí đúng, đòi hỏi sự mạnh dạn thay đổi trong việc bố trí, sắp xếp để người thực sự có năng lực có được vị trí hợp lý

Theo Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng, gần 80% số đối tượng trên chọn Đà Nẵng làm điểm dừng chân và cống hiến năng lực, hầu hết đều có nguồn gốc Đà Nẵng. "Yếu tố quê hương, gốc gác cùng với những chính sách đãi ngộ mà TP áp dụng đã trở thành động lực để họ đến với Đà Nẵng".

Con số 20% nguồn nhân lực chất lượng cao không có nguồn gốc Đà Nẵng, theo nhiều người, đây là con số thực chất đánh giá mức độ thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng. Những người này khi đến thành phố bên cạnh chính sách đãi ngộ hấp dẫn về vật chất, việc có được chỗ làm phù hợp và được trọng dụng mới là cái họ thực sự cần.

Môi trường làm việc chính là yếu tố quan trọng quyết định sự tỏa sáng của các cá nhân. Và thực sự, khi đến Đà Nẵng, nhiều người đã có cơ hội phát triển. Đơn cử là tại Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng, có Giám đốc Nguyễn Phú Thái cùng cấp phó Nguyễn Đình Thuận. Ông Nguyễn Đình Thuận "đầu quân" ở Đà Nẵng với bằng tốt nghiệp loại giỏi, đã được cử đi học tiến sĩ tại Anh và về làm chuyên viên tại UBND TP Đà Nẵng. Khi trung tâm ra đời, năm 2009, từ chuyên viên, ông Thuận đã được bổ nhiệm làm Phó giám đốc trung tâm, dù thời điểm đó, ông Thuận vẫn chưa là Đảng viên. Lãnh đạo các Viện nghiên cứu kinh tế xã hội TP Đà Nẵng, Trung tâm công nghệ sinh học cùng một số vị trí chủ chốt tại các phòng ban của sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, phường, xã từng là các đối tượng thu hút của chính sách đãi ngộ, nay đã trưởng thành và phát triển.

Ở một số cơ quan, đơn vị vẫn còn tâm lý kỳ thị, khiến cán bộ thuộc nguồn nhân lực cao được trên cử về dễ rơi vào tình trạng bị cô lập, yếm thế
Đà Nẵng đã tạo nên một bước đột phá trong việc tổ chức thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Sau 5 năm triển khai, trong số 214 người tham gia ứng tuyển (trẻ nhất 25 tuổi, già nhất 45 tuổi), có 70 người trúng tuyển các vị trí chức danh. Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan tổ chức và thực hiện thành công mô hình này. Giám đốc sở hiện tại, ông Lê Trung Chinh chính là người trong lớp ứng cử viên đầu tiên của mô hình thi tuyển chức danh, đã trúng tuyển vị trí Hiệu trưởng trường THPT Thái Phiên khi đang là một chuyên viên của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Người tài vẫn còn bị "cô lập"

Thực tế, trong các đối tượng về Đà Nẵng theo chính sách đãi ngộ, vẫn có người ra đi, chuyển công tác. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có môi trường làm việc cũng như sự nhận thức, mục tiêu của mỗi cá nhân. Khó khăn nhất, theo lãnh đạo TP Đà Nẵng, là đến hiện tại, thành phố vẫn chưa xác định được mình cần người tài ở những vị trí công tác cụ thể nào? Bởi, việc sắp xếp vị trí cho những người này được thực hiện trên một cơ cấu đã có sẵn... Vì thế, muốn đặt họ vào một vị trí đúng, đòi hỏi sự mạnh dạn thay đổi trong việc bố trí, sắp xếp để người thực sự có năng lực có được vị trí hợp lý - một vấn đề không đơn giản.

Trong quá trình tiếp nhận đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao này, vẫn có những trường hợp các lãnh đạo cơ sở không thực sự quan tâm trong việc tiếp nhận và sử dụng họ. Thậm chí, có đơn vị đăng ký nhu cầu nhưng không đồng ý tiếp nhận đối tượng thu hút khi cơ quan có thẩm quyền phân bổ về đơn vị. Ở một số cơ quan, đơn vị vẫn còn tâm lý kỳ thị, khiến cán bộ thuộc nguồn nhân lực cao được trên cử về dễ rơi vào tình trạng bị cô lập, yếm thế.

Chính vì vậy, việc công bằng trong chính sách đối xử giữa chất xám thu hút và chất xám tại chỗ đòi hỏi người lãnh đạo, sử dụng chất xám phải dung hòa, làm sao để có thể vừa chiêu hiền nhưng cũng vừa đãi sĩ để có thể tích hợp, phát huy được nguồn chất xám. Vấn đề này ở Đà Nẵng, theo ông Bùi Văn Tiếng, bên cạnh việc áp dụng đãi ngộ cho các đối tượng thu hút thì TP vẫn áp dụng song song chính sách ưu đãi áp dụng cho các đối tượng tại chỗ với điều kiện họ có kết quả, điều kiện ngang bằng với đối tượng được thu hút.

Ưu tiên bằng cấp vì hệ số an toàn

Dù thừa nhận những tồn tại trong vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, như chọn người tài bắt nguồn từ "đại học cuộc sống" (thực tế) còn chưa được chú trọng, nhưng thành phố chấp nhận sự tồn tại này để tập trung vào việc đầu tư, sàng lọc yếu tố đầu vào là bằng cấp. Nhưng, bằng cấp như thế nào, có tương xứng với khả năng thực tế hay không thì khi tuyển dụng sẽ có đánh giá, thẩm định mà theo cách nói của một cán bộ Đà Nẵng là: "Phải biết chìa tay với những người có tài nhưng cũng phải biết chia tay với những người không thực sự xứng đáng".

Vũ Phương Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.