Được mùa vẫn trăn trở

16/09/2011 07:07 GMT+7

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (BNNVPTNT), trong 8 tháng đầu năm qua, khối lượng xuất khẩu phần lớn các mặt hàng nông sản tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch vẫn tăng trưởng khá. Tuy vậy, bản thân các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này vẫn đang đối đầu với không ít những khó khăn và trăn trở.

Những tín hiệu vui từ gạo và điều

Ước tính trong tháng 6, Việt Nam đã xuất khẩu 610 ngàn tấn gạo, thu về 300 triệu USD, đưa tổng lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm lên gần 4 triệu tấn, kim ngạch xấp xỉ 2 tỷ USD. Theo thông tin từ BNNVPTNT thì với những yếu tố thuận lợi về thị trường và chủ trương tăng cường sản xuất lúa vụ ba, khối lượng xuất khẩu gạo trong năm 2011 có thể đạt mức 7,1-7,4 triệu tấn, tăng khoảng 200-500 nghìn tấn so với năm 2010.
 
Bên cạnh đó, điều cũng là mặt hàng được đánh giá tăng mạnh về giá trị mặc dù lượng xuất khẩu giảm. Tháng 8, xuất khẩu điều ước đạt 20 ngàn tấn với giá trị 170 triệu USD, đưa tổng lượng xuất khẩu 8 tháng đầu năm ở mức 108 ngàn tấn với trị giá 865 triệu USD. Kim ngạch tăng 29% so với cùng kỳ năm 2010. Giá xuất khẩu tăng mạnh, trung bình 7 tháng đạt 7.887 USD/tấn, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm ngoái và tháng 8 tăng gần 300 USD/tấn so với tháng 7/2011.

Nỗi lo thiếu vốn

Dù đã có những tín hiệu khả quan như trên trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản nhưng một điều dễ nhận thấy là các doanh nghiệp trong lĩnh vực này rất dễ chao đảo khi thị trường truyền thống có biến động. Chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng, việc sản xuất và xuất khẩu nông sản chưa đạt giá trị gia tăng như mong muốn là do chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng sản phẩm, mức độ áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến trong sản xuất thấp, tổn thất sau thu hoạch lớn; giao dịch mua bán theo phương thức truyền thống "mua xô - bán xô"; chủng loại hàng nông sản đơn điệu, thiếu bền vững, giá cả phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu…

Nguyên nhân chính của vấn nạn này là … thiếu vốn. Vì thiếu vốn mà việc bao tiêu với từng hộ nông dân nói riêng và vùng nguyên liệu nói chung là hết sức bấp bênh. Doanh nghiệp không đủ sức giữ hàng, không đủ lực bao tiêu, đành chấp nhận vào mùa thu hoạch mới tung người thu gom và thương lượng với nông dân. Dù doanh nghiệp nào cũng lo nhưng đành bó tay vì nguồn vốn khan hiếm.

Và giải pháp…

Trước thực trạng đó, mục tiêu chung của Chính phủ thời gian tới sẽ hướng vào các hoạt động phát triển nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu nhằm góp phần giảm áp lực nhập siêu. Đồng thời, Chính phủ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội để hoàn thành định hướng kinh doanh trong năm bằng chính sách tiền tệ.

Các ngân hàng đã được bật đèn xanh để đưa ra chính sách hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp, trong đó nổi bật là Techcombank. Ngân hàng này đã có những chính sách hỗ trợ vốn với nguồn vay không giới hạn. Các sản phẩm cũng được thiết kế phù hợp với đặc thù chuỗi cung ứng ngành và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đi vay.

Kể từ tháng 9 vừa qua, Techcombank đã đưa ra thị trường một sản phẩm mới dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói chung và ngành điều và gạo nói riêng. Theo đó, quy trình phê duyệt rõ ràng, điều kiện giải ngân minh bạch, thời gian từ phê duyệt hồ sơ đến giải ngân được rút ngắn. Điều kiện cho vay cũng linh hoạt hơn, đi sâu vào giải quyết các vướng mắc của ngành như chấp nhận tài sản đảm bảo (TSĐB) là hàng tồn kho luân chuyển, hỗ trợ khách hàng trong giao dịch hàng hóa,... Với nhóm khách hàng uy tín, đã giao dịch lâu năm, ngân hàng này chấp nhận cho vay không cần TSĐB hoặc TSĐB là quyền đòi nợ trong tương lai và nhiều ưu đãi về lãi suất khác.

Ông Đặng Thành Tuân – Phó Giám đốc Trung tâm phát triển kinh doanh khối khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ Ngân hàng Techcombank đã chia sẻ “Trong thời kỳ kinh tế khó khăn, việc luôn sẵn có một nguồn vốn ổn định với lãi suất hợp lý là một trong những nhân tố quan trọng giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định và thuận lợi hơn. Chúng tôi luôn chú trọng hợp tác và sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu về nguồn vốn của doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xuất khẩu các mặt hàng nông sản."

Nhờ những động thái tích cực từ chính phủ và các ngân hàng, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản sẽ được hỗ trợ hết mình để vượt qua những biến động trong tiến trình phát triển và hội nhập. (Mai Thụy)

THÔNG TIN DỊCH VỤ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.