Huyền thoại đường trên biển - Kỳ 1: 50 năm con đường bí ẩn

14/09/2011 17:47 GMT+7

Nhà thơ Ngô Minh ở Huế vừa gửi đến Báo Thanh Niên loạt bài về đường Hồ Chí Minh trên biển với nhiều thông tin, tư liệu mới được tác giả khai thác qua ông Vĩnh Mẫn, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Đoàn tàu không số D759 xưa, cùng nhiều nguồn tư liệu khác.

Loạt bài hé mở nhiều chi tiết còn ít biết đến về con đường huyền thoại và những con tàu không số một thời oanh liệt trên biển Đông. Thanh Niên xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, dân tộc ta đã lập nên 2 kỳ tích. Đó là đường Hồ Chí Minh Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh trên biển Đông. Đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn thì sách báo, phim ảnh đã nói nhiều. Còn đường Hồ Chí Minh trên biển thì luôn trong vòng bí mật cho đến 20 năm sau 1975. Mãi đến năm 2000 mới có vài cuốn sách mỏng của Nguyên Ngọc, Nguyễn Tư Đương nói tới con đường huyền thoại này. 

Cuối năm 2010 sang đầu 2011, trong thời gian xây lăng mộ Phùng Quán ở Huế, tôi có cơ may quen biết ông Vĩnh Mẫn, người bạn trinh sát thuở thiếu niên với Phùng Quán ở Huế năm 1946, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Đoàn tàu không số D759. Ông Vĩnh Mẫn đã cho tôi đọc rất nhiều tài liệu, thư từ về những người thuyền trưởng và những con tàu không số, đặc biệt là cuốn Lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển mới biên soạn, chuẩn bị đưa in.

Đọc những tài liệu đó, tôi xúc động và rất kinh ngạc. Dù đã nghe kể về những con tàu không số, nhưng tôi vẫn thấy quá ư kỳ lạ, vượt qua sự tưởng tượng thông thường của con người, mang nhiều nét cổ tích, huyền thoại. Từ đó tôi bị hút theo những chuyến tàu...


Tập thể thủy thủ tàu 41 ( Phương Đông 1) - con tàu đầu tiên cập cảng Cà Mau - Ảnh tư liệu của ông Vinh Mẫn 

Chưa từng có trong lịch sử hàng hải

Đường  Hồ Chí Minh trên biển là con đường vận tải chiến lược lớn, tồn tại  suốt 14 năm ròng. Nó được tổ chức vô cùng  bí mật và chặt chẽ từ việc đóng tàu, lựa chọn thủy thủ, thuyền trưởng, tàu vượt biển, đến bến bãi đổ hàng, người bốc hàng, dưới  sự chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Trung ương Cục miền Nam. Nói là tàu không số, nhưng thật ra mỗi con tàu đều mang một số  hiệu đăng ký tại chỉ huy sở. Từ tàu buồm, tàu gỗ nhỏ, đến tàu sắt trọng tải trên 50 tấn, 100 tấn, 200 tấn, từ đi gần bờ đến đi xa bờ trên hải phận quốc tế...

Đi trên những con tàu không số là những cảm tử quân. Vượt biển Đông vào Nam là đi vào nơi tử địa, vượt qua vòng vây dày đặc tàu chiến và máy bay địch. Tàu  nhỏ chỉ  50 - 100 tấn mà dám vượt  tuyến biển ba bốn ngàn hải lý để vận tải vũ khí chi viện cho miền Nam suốt 14 năm trời là chuyện chưa từng có trong lịch sử hàng hải thế giới. Họ là những người anh hùng đích thực. Từ chỗ miền Nam phải đánh giặc bằng hầm chông, súng kíp, súng ngựa trời, nhờ có những chuyến hàng từ tàu không số mà  bộ đội chủ lực, dân quân của ta có nhiều loại vũ khí hiện đại như DKZ, B40, B41, đại liên 6,7 li, AK47, thuốc nổ TNT, súng phòng không 12,7 li, cả thủy lôi sừng chạm của Liên Xô mỗi quả nặng đến 1.070 kg. Chính những quả thủy lôi này đã đánh chìm tàu vận tải quân sự Baton Rouge Victory của hải quân Mỹ trên sông Lòng Tàu ngày 23.8.1966, mang theo cả  trăm  thiết giáp M113, 3 máy bay chiến đấu và rất nhiều hàng.

“Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”

Thực hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, ngày 19.5.1959, “Đoàn quân sự đặc biệt” (Đoàn 559) được thành lập. Đó là khởi nguồn của đường Trường Sơn lịch sử. Tháng 7.1959, Bộ Tổng tư lệnh thành lập Tiểu đoàn vận tải thủy 603, chi viện cho miền Nam bằng đường biển. Tiểu đoàn được mang tên “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”. Tiểu đoàn 603 chuyến ra quân đầu tiên vận chuyển 5 tấn vũ khí và thuốc men vào Nam. Nơi đổ hàng là bến Hồ Chuối ở chân đèo Hải Vân. Con tàu ra đi và mất tích cùng 5 thủy thủ do thuyền trưởng Nguyễn Bắc chỉ huy. Sau thất bại này, Quân ủy  thành lập đơn vị vận tải thủy mới với mật danh là Đoàn 759 (tức tháng 7.1959). Đoàn 759 đi tìm người gốc Nam Bộ và Liên khu 5 có kinh nghiệm đi biển ở các bộ, điều động về. Đồng thời Quân ủy chỉ thị cho Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo các tỉnh ven biển miền Trung và Nam Bộ chuẩn bị bến bãi và tổ chức tàu thuyền vượt biển ra Bắc nhận vũ khí. Đến tháng 8.1961, đã có 5 chiếc thuyền vượt biển từ miền Nam ra Bắc. Bến Tre 2 thuyền, Cà Mau, Trà Vinh và Bà Rịa 1. Đó là những chiếc thuyền gỗ thô sơ, giả thuyền đánh cá. Việc vượt biển ra Bắc thành công của những con thuyền miền Nam đã tạo ra hướng  mới vận chuyển vũ khí bằng đường biển.

Để chuẩn bị thật kỹ phương  án mới, các thủy thủ trên thuyền Cà Mau được đưa xuống thuyền trở lại miền Nam để nghiên cứu tình hình hoạt động của địch trên biển, tìm bến bãi để “xuống hàng”. Con tàu trinh sát rời bến Nhật Lệ đêm 10.4.1962. Sau 4 tháng vào Nam trinh sát các bến đỗ Phú Quốc, đảo Thổ Chu, Hòn Chuối, Hòn Ông, Hòn Bà... cuối cùng khẳng định Vàm Lũng (rạch Kiến Vàng, Tân An, Cà Mau) là địa điểm làm bến tốt nhất, rừng đước mênh mông đảm bảo cho việc cất giấu tàu tốt, bốc dỡ hàng kín đáo.

Tất cả số thủy thủ miền Nam ra đều bổ sung vào Đoàn 759, tổng cộng có 38 người, trong đó có 20 người vừa từ miền Nam ra. Ông Đoàn Hồng Phước, Tham mưu trưởng Sư đoàn 330, được bổ nhiệm làm đoàn trưởng. Từ đây, ngày 23.10 trở thành dấu mốc lịch sử, là ngày truyền thống của Đoàn 759 - đoàn tàu không số.

Sau hơn một năm chuẩn bị, ta bí mật đóng mới được 4 tàu gỗ hai đáy, trọng tải 30 tấn trở lên. Và 22 giờ ngày 11.10.1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên được gọi là “Phương Đông 1” cùng với 13 chiến sĩ do thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy, chở hơn 30 tấn hàng hóa rời bến Vạ Sét, Đồ Sơn lên đường đi Cà Mau. Sau 9 ngày đêm vượt biển, tàu Phương Đông 1 đã vào đến bến Vàm Lũng, Cà Mau. Ngày 19.10, ông Phạm Thế Bường, Bí thư Khu ủy Khu 9, điện cho Quân ủy Trung ương: “Tàu Lê Văn Một - Bông Văn Dĩa đã về đến nơi an toàn...”.  Nhận được điện báo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mắt nhòa lệ: “Thôi cho nghỉ họp để ăn mừng thắng lợi đầu tiên này...”.

Ngô Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.