Tội phạm đang trẻ hóa

10/09/2011 00:58 GMT+7

“Tội phạm đang trẻ hóa” không còn là lời cảnh báo, mà đã là tiếng kêu thét của cả xã hội.

Có nhiều nguyên nhân để người trẻ bây giờ phạm những tội ác nặng nề một cách nhẹ nhàng, rẻ rúng mạng sống của người khác cũng như của chính mình, nhưng theo tôi, nguyên nhân đầu tiên và lớn nhất lại thuộc về... người lớn.

Một khi người lớn, ở đây trước hết là cha mẹ của tội phạm, sống thiếu lý tưởng hướng thiện, thiếu lòng nhân ái và sự quan tâm đến người khác, sống vô cảm, thì thật khó để dạy con em mình những điều tốt đẹp về cách sống. Tội phạm trẻ cũng thường có ở những gia đình thiếu hạnh phúc, những gia đình mà hôn nhân tan vỡ, và con trẻ trở thành nạn nhân của lối sống ích kỷ, trở nên bơ vơ, lạc lõng và nuôi thù hận với cuộc đời.

Nhưng không chỉ cha mẹ tội phạm trẻ tuổi phải chịu toàn bộ trách nhiệm về hành vi phạm tội của con em họ, mà chính chúng ta, chính cộng đồng cũng phải đồng chịu trách nhiệm về sự tồi tệ này. Vì không ít người trong chúng ta cũng đang sống, hoặc là giả dối, hoặc là vô cảm, hoặc là vị kỷ. Không có bàn tay nào chìa ra cho những đứa trẻ đang phải sống thiếu tình thương, đang mất phương hướng trong cuộc đời. Ngược lại, ở một số người lớn lại có những hành động khuyến khích hay lợi dụng sự bồng bột thiếu suy nghĩ, lối hành xử kiểu “bốc hỏa” của một số người trẻ tuổi, đẩy họ tới những hành vi phạm tội theo kiểu “người hùng”. Một số đông người lớn khác, là phụ huynh của những người trẻ lại mê mải với công việc, với kiếm tiền, với khát vọng thăng quan tiến chức, giàu sang vinh hiển mà lãng quên ngay chính con em mình. Cứ nghĩ, với trẻ vị thành niên hay thành niên, chỉ cần cung cấp đủ tiền và các phương tiện vật chất cho chúng là đã làm tròn bổn phận. Cách nghĩ đơn giản ấy thường phải bị trả giá, vì trẻ vị thành niên hay cả thành niên còn cần nhiều hơn thế, mà nhiều khi không phải cần tiền bạc hay tiện nghi vật chất.

Cần được sống có lý tưởng là một nhu cầu vô hình, có vẻ lý thuyết, nhưng nhiều khi lại là cái cần lớn nhất ở một người mới lớn. Khi cần sống có lý tưởng, người trẻ phải nhìn lên những tấm gương từ những người đi trước, từ cha mẹ mình. Nếu các “đáng bậc” kia sống một cách hoàn toàn vô lý tưởng, hoặc chạy theo những thứ phù hoa phù du vụ lợi mà cứ ngỡ là đang có lý tưởng, thì người mới lớn tất sẽ thất vọng và mất phương hướng. Khi ấy, phạm tội với họ nhiều khi là một cách giải tỏa bế tắc hay ẩn ức.

Tội phạm đang trẻ hóa còn vì kinh tế khó khăn, nạn thất nghiệp tràn lan, những cám dỗ vật chất thường xuyên phơi bày trước những cặp mắt thèm khát của những người trẻ thiếu suy nghĩ.

Và cuối cùng, tội phạm đang trẻ hóa vì tinh thần thượng tôn pháp luật trong xã hội đang ở “điểm sàn”. Khi chính một số người làm công việc bảo vệ, thực thi lại không coi pháp luật ra gì, thì làm sao lớp trẻ không được giáo dục tốt lại có thể thượng tôn pháp luật được?

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.