Chơi xe ba bánh

03/09/2011 14:47 GMT+7

Chơi xe Xi-đờ-ca (Sidecar) - hay còn gọi là mô tô thuyền (cũng là loại mô tô ba bánh đặc chủng của lực lượng vũ trang) - hiện là mốt của dân chơi xe cổ Sài Gòn.

Cơ sở sửa chữa của hội "Anh em Sài Gòn Sidecar" nằm trong con hẻm nhỏ số 42 Hồ Đắc Di, Q.Tân Bình, TP.HCM. Đây được xem là đại bản doanh, nơi quy tụ các "đại ca" của làng chơi xe Sidecar Sài Gòn.


Hội xe Sidecar Sài Gòn trong hành trình ra miền Bắc - Ảnh: Hạ Mi 

Chủ cơ sở là anh Nguyễn Văn Hùng, nguyên là vận động viên bóng chuyền, yêu thích chơi xe mô tô ba bánh từ năm 1989. Dần dần, anh mở cơ sở này để phục chế các loại xe thanh lý. Nhiều xe từ miền Bắc, miền Trung cũng gửi vào đây để sửa chữa. Đa số là xe có phân khối từ 650 đến 750, do Nga, Đức, Trung Quốc… sản xuất. Trong nhà anh hiện có cả chiếc Royal Enfield, mẫu xe Sidecar đầu tiên sản xuất năm 1938. Anh Hùng cho biết để làm lại một chiếc ngon lành, người chơi bỏ ra thêm từ 80 đến 100 triệu đồng. Bánh xe được thay bằng loại bánh của xe ba gác máy, dày nên ít bị cán đinh. Phụ kiện phải mua từ nước ngoài. Được cái đây là loại xe "nồi đồng cối đá" nên khung sườn rất tốt, có thể chịu được trọng lượng 8 người ngồi trên.

 
Người đi xe Sidecar thích nhất ngồi trên "thuyền" xe

Anh Nguyễn Thanh Bình được xem là lão làng chia sẻ: Điểm yếu trước đây của xe Sidecar là hệ thống điện, khi nóng máy dễ bị cháy bugi. Cho nên loại xe này chỉ chạy đoạn đường ngắn ở địa hình rừng núi. Sau này, người chơi chế tạo sang hệ thống điện bán dẫn, nên xe chạy Bắc - Nam thoải mái.

Muốn điều khiển xe này, người chơi phải có bằng lái A3. Thú chơi xe này không phải là tốc độ mà là sức mạnh chinh phục địa hình, đòi hỏi sự tỉnh táo và khéo léo. Anh Phạm Quang Phiên, một người từng chơi qua 28 đời xe Sidecar ở Hà Nội cho biết, điều khiển khó nhất là quẹo phải, bởi trọng lực khiến xe dễ bị nghiêng và lật. Chính vì vậy, đi đường xa hay địa hình, phải có người ngồi bên "thuyền" xe hoặc chở theo nhiều đồ đạc để cân bằng.

Hội "Anh em Sài Gòn Sidecar" hiện có khoảng 30 chiếc, với khoảng 80 thành viên chủ yếu là thanh niên. Mỗi năm, hội đều tổ chức vài chuyến lữ hành chinh phục rừng núi. Chuyến xa nhất là ra đến địa đầu Tổ quốc dưới cột cờ Lũng Cú ở tỉnh Hà Giang. Ấn tượng nhất là chuyến đi xuyên tâm bão ở tỉnh Quảng Bình năm 2010 để làm công tác từ thiện. Hành trình với xe này, không ai thích ngủ khách sạn, thay vào đó mọi người đem theo võng mùng hoặc ngủ nhà dân, thậm chí mang cả nồi niêu xoong chảo tự nấu ăn. 

Hạ Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.