Hát nhép có tội tình gì?

31/08/2011 05:30 GMT+7

Bên cạnh việc đòi hỏi phải có những chương trình hát live (hát giọng thật), cần hiểu rằng có lúc ca sĩ phải hát nhép.

Nhiều ca sĩ phản đối, nói không với hát nhép, nhưng có khi họ bị rơi vào hoàn cảnh không thể hát thật. Ca sĩ Tùng Dương tâm sự, trong một vài chương trình cần sự đảm bảo an toàn về yếu tố kỹ thuật, hay tránh rủi ro do thời tiết, ban tổ chức đã yêu cầu anh hát nhép. Trên thực tế, hát nhép không những không có tội tình gì mà còn góp phần tăng cao chất lượng nghệ thuật, đó là những chương trình mà công chúng đòi hỏi được thưởng thức giọng hát và cả vũ đạo hoặc sự dàn dựng của ca sĩ. Vấn đề còn lại là đơn vị tổ chức biểu diễn cần công khai các tiết mục có hát nhép hay không để khán giả tự quyết định mua hay không mua vé để xem.

 
Hồ Ngọc Hà và vũ công trong một chương trình ca nhạc thời trang - Ảnh: Đ.T

Ông Vương Duy Biên - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết trong dự thảo Nghị định về nghệ thuật biểu diễn chuẩn bị trình lên Chính phủ trong thời gian tới có quy định những chương trình nào cấm và cho phép hát nhép.

Theo ông, tất cả những chương trình bán vé thu tiền, đều cấm các nghệ sĩ biểu diễn bằng các phương tiện kỹ thuật thay cho giọng hát thật. “Khán giả bỏ tiền mua vé, để thưởng thức tài năng thật sự, chứ không phải để xem nghệ sĩ hát đớp” - ông nói. Tuy nhiên, đề xuất này cần thiết phải được xem xét lại. Bên cạnh đó, trong dự thảo có quy định về nhiều trường hợp đặc biệt cho phép hát nhép. Các chương trình có ý nghĩa quan trọng về mặt quảng bá hình ảnh đất nước tới thế giới, kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước..., cần độ an toàn cao, tránh những trục trặc ảnh hưởng bởi các yếu tố kỹ thuật, thời tiết..., sẽ cho phép ca sĩ hát nhép.

Từ trước đến nay, dư luận vẫn lên tiếng về tình trạng ca sĩ hát nhép trong các chương trình truyền hình. Ông Vương Duy Biên cho biết với các chương trình truyền hình trực tiếp có công chúng (trừ những chương trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng), sẽ quy định ca sĩ phải hát thật. Còn với những chương trình phát sóng bình thường, video clip ca nhạc.., ca sĩ được phép hát nhép, miễn là hiệu quả cho người xem. Ông Biên cũng cho biết, trong dự thảo nghị định có điểm mới là đưa đối tượng tổ chức biểu diễn, biểu diễn trên truyền hình vào quản lý, có nghĩa các đài truyền hình sẽ phải chịu trách nhiệm.

Việc quy định các chương trình cho phép hay cấm hát nhép là cần thiết, hợp lý, tuy nhiên phải cụ thể, rạch ròi. Việc xử phạt hành chính với ca sĩ hát nhép đã được quy định từ lâu, nhưng không mang lại hiệu quả. Theo chúng tôi, ca sĩ hát nhép hay không là quyền của họ; việc đưa tiết mục của ca sĩ đến với công chúng là trách nhiệm của đơn vị tổ chức biểu diễn. Hát nhép như đã nói là không có tội tình gì, vấn đề cần nhắc lại là phải công khai cho khán giả biết để chọn lựa mà thôi.

Những điểm mới

Ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, dự thảo Nghị định về nghệ thuật biểu diễn được xây dựng dựa theo tinh thần tiến tới việc cho ra đời luật về nghệ thuật biểu diễn.

Nghị định mới sẽ bao trùm hết mọi lĩnh vực liên quan đến nghệ thuật biểu diễn: ca múa nhạc, sân khấu, thời trang, người mẫu, hoa hậu, nghệ thuật đương đại, ngay cả những loại hình nghệ thuật mới có thể xuất hiện, du nhập vào Việt Nam... Đặc biệt, không chỉ có biểu diễn chuyên nghiệp, nghị định mới sẽ quản lý cả biểu diễn quần chúng. Điều này xuất phát từ thực tế, trong thời gian qua, một số các chương trình biểu diễn nội bộ trong các cơ quan, công ty có phần nhố nhăng, có những hình ảnh phản cảm. Ngoài ra, dự thảo nghị định có nhiều điểm mới như rút ngắn thời gian cấp phép, đơn giản hóa thủ tục xin biểu diễn, quy định số lượng cuộc thi hoa hậu mang tính quốc gia không quá 2 cuộc/năm, cuộc thi hoa khôi vùng, miền, ngành không quá 3 cuộc/năm.

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.