“Xé rào” xét tuyển NV2

30/08/2011 23:46 GMT+7

Qua 6 ngày xét tuyển nguyện vọng (NV) 2, nhiều trường ĐH vẫn tiếp tục “xé rào” trong quá trình xét tuyển, bỏ qua quy định của Bộ GD-ĐT.

Biết kết quả trong ngày!

Ngày 30.8, khi chúng tôi gọi điện đến ban tuyển sinh của trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) để nộp hồ sơ xét tuyển cho người nhà thì được một nhân viên tư vấn như sau: “Thí sinh (TS) cứ nộp hồ sơ trực tuyến, sau này bổ sung phiếu điểm sau. Thông thường, ngay khi nhận được thông tin đăng ký của TS qua mạng, chúng tôi sẽ chủ động liên lạc với TS để thông báo kết quả và hướng dẫn thủ tục cần thiết. Tuy nhiên, trường xử lý hồ sơ xét tuyển rất nhanh, TS nộp hồ sơ vào thì có thể tra cứu trong ngày về kết quả trúng tuyển hay không trên trang web của trường”. Trong khi đó, theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường nhận hồ sơ từ 25.8 đến 15.9, và chỉ công bố kết quả trúng tuyển sau ngày 15.9. Website của trường cũng quy định rõ lệ phí xét tuyển NV2 vào trường là 35.000 đồng/hồ sơ, trong khi theo quy định của Bộ GD-ĐT lệ phí này là 15.000 đồng/bộ.

 

TS nộp hồ sơ xét tuyển NV2 vào trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Công khai thông tin, mỗi trường mỗi kiểu

Đã qua 6 ngày nhận hồ sơ xét tuyển NV2 nhưng việc cập nhật và cách thức công khai thông tin của các trường lại rất khác nhau, không theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT đưa ra. Theo quy định, các thông tin của TS cần được công khai gồm: họ và tên, ngày tháng năm sinh, số báo danh, đối tượng, khu vực, điểm thi từng môn và tổng điểm 3 môn, số thứ tự hồ sơ, mã ngành đăng ký xét tuyển, ngày nhận và trả hồ sơ.

Đến sáng 30.8, website trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TP.HCM cập nhật tổng số hồ sơ nộp vào các ngành đến 17 giờ ngày 29.8 nhưng trường chỉ công khai danh sách TS cụ thể đến ngày 26.8 với 100 hồ sơ. Trường ĐH Kinh tế công nghiệp Long An cũng mới cập nhật danh sách đến ngày 25, 26.8, TS muốn xem được danh sách này phải cài đặt thêm chương trình Foxit Reader (?). Trường ĐH Đồng Nai cũng cập nhật tổng số hồ sơ đến ngày 29.8 nhưng không thể tra cứu cụ thể về mức điểm của từng TS. Trên website một số trường như ĐH Phan Thiết, ĐH Quốc tế Hồng Bàng… vẫn chưa thấy có thông tin gì về xét tuyển.

Các trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) thống kê rất khoa học theo khối, ngành và mức điểm từ cao xuống thấp, nhưng lại thiếu mục thông tin về TS rút hồ sơ; Viện ĐH Mở Hà Nội công khai danh sách khá kịp thời nhưng danh sách rất rối, không có mục thống kê riêng hồ sơ của TS ĐH và CĐ cũng như theo ngành học, không theo mức điểm từ cao xuống thấp khiến TS nhìn vào danh sách này không thể hình dung về cơ hội trúng tuyển của mình. Còn trường ĐH Công nghiệp Hà Nội thì yêu cầu TS phải nhập ký hiệu trường, khối thi, sau đó chọn tìm kiếm để kiểm tra thông tin đăng ký xét tuyển và biết số thứ tự xét tuyển của ngành đăng ký. Cuối ngày 30.8, nhiều trường chỉ mới cập nhật thông tin đến 27.8.

Phải làm đơn mới nhận giấy báo điểm

Mặc dù đã qua 5 ngày nhận hồ sơ xét tuyển NV2 nhưng vẫn có không ít TS trượt NV1 đang hoang mang lo lắng vì chưa nhận được giấy báo điểm thi để tham gia xét tuyển NV2.

Nhiều phụ huynh có con thi vào trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) bức xúc về việc trường không gửi kết quả thi cho TS dự thi khối V không trúng tuyển vào trường. Ông N.Đ.L (ở Biên Hòa, Đồng Nai) nói: “Theo điểm chuẩn trường thông báo, chúng tôi biết con mình không đậu vào trường do điểm môn năng khiếu dưới 5. Chúng tôi chờ mãi không thấy trường gửi kết quả về, đến khi gọi điện lên trường thì mới được biết muốn nhận kết quả thi phải lên trường làm đơn xin cấp giấy báo điểm”. Trao đổi với PV Thanh Niên, một cán bộ phòng đào tạo nhà trường cho biết: “Các TS dự thi khối V mà không trúng tuyển vào trường, trường không chủ động gửi kết quả vì đây là khối thi đặc thù, rất ít trường xét tuyển ngành có khối thi năng khiếu này. Do vậy, nếu muốn nhận kết quả, TS có thể làm đơn nộp về trường hoặc qua bưu điện để trường giải quyết”.

Bên cạnh đó, nhiều TS lại bị gọi trúng tuyển vào trường mình không thích. Trong ngày thi tuyển sinh, trường ĐH Bách khoa Hà Nội có phát phiếu NV bổ sung để TS đăng ký, nếu không đỗ ĐH sẽ tham gia xét tuyển vào hệ CĐ của trường. Do không nắm rõ thông tin về hình thức xét tuyển nên nhiều TS điền vào. Sau khi trượt NV1, TS đã nhận được giấy báo nhập học vào hệ CĐ của trường. Giải thích về việc  này, đại diện nhà trường cho biết: “TS không thích học hệ CĐ như đã đăng ký thì phải làm đơn và mang giấy triệu tập nhập học của bậc CĐ ĐH Bách khoa tới phòng đào tạo của nhà trường để xin cấp lại giấy báo điểm”. TS và cả phụ huynh đều bức xúc trước cách giải thích này và cho rằng dù có muốn đề nghị TS vào học bậc CĐ của trường thì vẫn buộc phải gửi giấy báo điểm kèm theo cho TS chứ nhà trường không có quyền giữ lại như vậy.

Trong khi đó, theo quy định, các trường phải gửi giấy chứng nhận kết quả thi ĐH cho những TS có kết quả thi từ điểm sàn CĐ trở lên, phiếu báo điểm cho TS có kết quả thi dưới điểm sàn CĐ, kể cả TS thi năng khiếu. 

Phải công khai thông tin đúng yêu cầu của Bộ

“Các trường cần phải công bố danh sách TS nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 vào trường mình theo đúng mẫu mà Bộ GD-ĐT quy định và đã gửi phần mềm về các trường. Những hiện tượng giữ giấy báo điểm của TS, không cập nhật thông tin hằng ngày, không công khai danh sách một cách rõ ràng, dễ cập nhật... đều là sai so với quy định và yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Bộ GD-ĐT sẽ kiểm tra và nếu đúng như vậy sẽ yêu cầu các trường điều chỉnh kịp thời” - Ông NGUYỄN THANH DUY, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT)

Chỉ có lợi cho TS nếu thông tin trung thực

“Đến thời điểm này, chưa thể khẳng định việc cho phép TS rút và nộp hồ sơ nhiều lần khi xét tuyển NV2, 3 là tốt hay không. Bởi lẽ, có thể xảy ra trường hợp TS nhìn thấy lượng hồ sơ vào trường, ngành này ban đầu nhiều nên rút ra rồi đổ dồn vào trường hoặc ngành ít hồ sơ, nhưng cuối cùng có khi kết quả ngược lại. Thêm nữa, việc công khai hồ sơ của TS trên website của trường chỉ thực sự có lợi cho TS nếu các trường làm đúng, đủ và trung thực. Nếu không làm được như vậy, TS có thể sẽ mất cơ hội vì thông tin không chính xác. Nhất là khi các trường vừa nhận hồ sơ trực tiếp tại trường, vừa nhận qua bưu điện” - Phó giáo sư, tiến sĩ  HUỲNH THANH HÙNG, Phó hiệu trưởng trường ĐH Nông lâm TP.HCM

Tuệ Nguyễn - Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.