Số phận chìm nổi của các bức họa VN nổi tiếng - Kỳ 4: Đằng sau những bức chân dung

25/08/2011 00:18 GMT+7

Nhờ tài năng của người họa sĩ, trải qua thời gian dài, gương mặt, ánh nhìn của người mẫu trong nhiều bức tranh chân dung vẫn sống động, như kể cho hậu thế câu chuyện về số phận, thời thế đã qua.

>> Kỳ 3: Miếng “vá” trên "Người đàn bà hái rau muống"

Nhà nho xứ Bắc

Nhiều học trò của họa sĩ Nam Sơn tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương chưa một lần được nhìn thấy bức tranh Nhà nho xứ Bắc hay Sĩ phu Bắc Hà, dù ông hoàn thành tác phẩm này từ năm 1923.

Năm 1923, bức sơn dầu Nhà nho xứ Bắc đã dự cuộc đấu xảo tại Hà Nội do hội Khai trí Tiến Đức tổ chức. Nam Sơn là một trong những người nhận được giải thưởng tại cuộc đấu xảo. Bức tranh được in trên bìa cuốn sách Nho Phong của nhà văn Nhất Linh sau đó. Với bức Nhà nho xứ Bắc, Nam Sơn càng khẳng định tài năng, khiến Victor Tardieu nể phục.

 
Bức tranh Nhà nho xứ Bắc của họa sĩ Nam Sơn

Cũng trong năm 1923, sau cuộc đấu xảo, Nam Sơn đã có một ý tưởng được cho là ngông cuồng khi đó, là đề xuất với Victor Tardieu về việc thành lập một trường học mỹ thuật cho người dân xứ thuộc địa. Ông đã tự viết bản đề cương xây dựng trường mỹ thuật Việt Nam. Tâm huyết, lòng nhiệt thành của người họa sĩ đất An Nam đã thuyết phục họa sĩ Victor Tardieu. Tardieu đã đề cập vấn đề này trong bản phúc trình gửi lên toàn quyền Đông Dương. Ngày 27.10.1924, toàn quyền Đông Dương Martial Henri Merlin đã phê chuẩn bản nghị định thành lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Đến tháng 10.1925, trường chính thức khai giảng khóa đầu tiên.

Nguyên mẫu nhà nho xứ bắc là ai?

Trong tranh Nhà nho xứ Bắc là người đàn ông có gương mặt cương nghị, vầng trán cao rộng, nhưng trong ánh mắt ẩn sâu nỗi đau buồn. Người đàn ông trong bức chân dung ấy là cụ Nguyễn Sĩ Đức, người cậu và cũng là thầy giáo dạy Hán học và hội họa phương Đông của họa sĩ Nam Sơn. Cụ là nhà nho yêu nước, tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Trường Đông Kinh Nghĩa Thục thành lập vào tháng 3.1907 ở phố Hàng Đào, tới tháng 11 năm đó, thực dân Pháp nhận thấy đây là mối nguy với chế độ thuộc địa nên đã đóng cửa trường và giải tán phong trào. Trong tranh là hình ảnh cụ Nguyễn Sĩ Đức vào năm 1907. Trên đầu cụ chít chiếc khăn trắng để tang vì nước mất, Đông Kinh Nghĩa Thục không còn.

Quay trở lại với bức Nhà nho xứ Bắc, do bọn mật thám Pháp cho rằng bức họa ẩn giấu ý đồ chính trị, ca ngợi sĩ phu Bắc Hà, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục nên họa sĩ Nam Sơn đã phải đem giấu ở trên bàn thờ gia tiên để chúng không tìm thấy. Nhiều người vì thế không được biết tới bức tranh này.

Sau quãng thời gian tới gần 80 năm, vào năm 2000, tức là gần 30 năm sau ngày họa sĩ Nguyễn Nam Sơn qua đời (1890-1973), gia đình ông mới cho công bố rộng rãi bức chân dung sơn dầu Nhà nho xứ Bắc hay còn có cái tên Sĩ phu Bắc Hà.

Thiếu phụ

Là học trò của họa sĩ Nam Sơn, họa sĩ Lương Xuân Nhị (1914 - 2006) nổi danh với các tác phẩm vẽ chân dung thiếu nữ, phong cảnh và tranh lụa. Giới phê bình nhận xét các tác phẩm của ông mang đậm nét, sắc thái Á Đông.

Tranh của Lương Xuân Nhị thanh thoát, mềm mại, bình dị và gần gũi với người Việt. Tài năng của ông còn thể hiện ở việc tạo nên một màu xanh đặc biệt cho cỏ cây, thiên nhiên, tạo cảm giác ấm áp cho người xem. Ông còn được gọi là họa sĩ của màu xanh. Những bức họa về người phụ nữ của Lương Xuân Nhị thì thể hiện rõ nét đẹp tân thời nhưng cũng vừa mang vẻ cổ điển, truyền thống.

Họa sĩ Lương Xuân Nhị là người có duyên với phái đẹp. Ông có rất nhiều bức vẽ chân dung người phụ nữ. Nhiều người bạn đến nhờ ông vẽ cho vợ mình. Cũng có nhiều cô, nhiều bà đến đặt hay nhờ ông vẽ. Không ít bức họa ông được giới chơi tranh đặt mua ngay khi còn đang vẽ. Lương Xuân Nhị đã để cho nhiều tác phẩm ra đi, nhưng có một bức chân dung ông luôn giữ bên mình. Bức vẽ người đàn bà có vẻ đẹp đoan trang, đài các, nhưng đôi mắt lại có chút đượm buồn, như muốn nói về một số phận đáng thương.

 
Bức chân dung Thiếu phụ

Có một người yêu tranh nước ngoài nhiều lần đến xin ông cho mua lại bức tranh với giá cao nhưng ông nhất quyết không bán. Năm nào, người đó cũng đến nhà ông chỉ cốt được ngắm nhìn bức chân dung. Vậy mà, ông cũng không siêu lòng.

Đó là bức Thiếu phụ, vẽ chân dung người vợ của bạn ông vào khoảng những năm 1940. Khi gặp bà, Lương Xuân Nhị linh cảm mình cần phải lưu giữ lại hình ảnh người phụ nữ vào khoảnh khắc này, không thể chậm trễ hơn. Dù trong ánh mắt bà ẩn chứa sự u buồn, nhưng nhìn bà, người ta vẫn thấy sự bình lặng, viên mãn. Một thời gian sau, người thiếu phụ qua đời vì bệnh hiểm nghèo.

Bức chân dung như sự thương cảm với cuộc đời hồng nhan bạc mệnh được ông giữ bên cạnh cho đến tận cuối đời. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, người cháu ruột gọi Lương Xuân Nhị là bác, nói rằng dù lúc cuối đời ông không căn dặn gì, nhưng gia đình hiểu tâm nguyện của ông mong muốn giữ lại bức chân dung Thiếu phụ.

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.