Sống trong khói lò gạch

22/08/2011 09:28 GMT+7

Có đến gần 800 lò gạch thủ công đang ngày đêm nhả khói “hun” các làng quê ở tỉnh Nam Định.

Phủ khắp làng Nam Nghĩa, Nghĩa An, huyện Nam Trực, Nam Định là bầu không khí đục đục, nhờ nhờ, khét lẹt, khiến chúng tôi phải vào một nhà dân xin nước dấp ướt khẩu trang đỡ bị sặc khói...

Ông Phạm Văn Thu ở xóm 4, Nam Nghĩa bức xúc: “Chúng tôi ở trong nhà cũng phải đeo khẩu trang. Không biết trong đó có những gì độc hại nhưng cứ 10 nhà quanh vùng thì có tới 8, 9 nhà có người bị các bệnh về hô hấp như ho, xoang, phổi…”.

Cùng tâm trạng này, ông Lê Văn Thụ ở thôn Vân Đồn, Nghĩa An gần đó chỉ ra vườn: “Cây cỏ cũng không sống được. Cứ ngày nào người ta đốt gạch là lúa má, hoa màu rũ ngọn, bạc thân, chăm bón thế nào cũng không hồi lại được”.

Nghĩa An là xã giáp ranh thành phố Nam Định, là điểm khởi đầu của chuỗi lò gạch thủ công nằm ven sông Đáy, một nhánh sông Hồng. Từ đây xuôi theo triền sông, các lò gạch càng dày đặc, bức xúc của người dân cũng lớn thêm. Bên sông Ninh Cơ, một nhánh khác của sông Hồng, cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Chúng tôi ở trong nhà cũng phải đeo khẩu trang. Không biết trong đó có những gì độc hại nhưng cứ 10 nhà quanh vùng thì có tới 8, 9 nhà có người bị các bệnh về hô hấp

Ông Phạm Văn Thu xóm 4, xã Nam Nghĩa

Tính riêng xã Trực Đại (H.Trực Ninh) đã có tới 30 lò gạch thủ công. Vào mùa xây dựng, các lò mở hết công suất đốt gạch. Làng trên, xóm dưới của xã Trực Đại là một “đại công trường” sản xuất gạch với xe tải rầm rập suốt đêm ngày. Từ sáng tới đêm, khói lò phủ trắng xóm làng.

Đến các xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Lạc… (H.Nghĩa Hưng), chỉ cần nhìn lên là thấy ống khói lò gạch san sát, đây cũng là nơi có mật độ lò gạch cao nhất.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Nam Định, toàn tỉnh có gần 800 lò gạch thủ công. Không chỉ gây ảnh hưởng toàn diện môi trường sống, các lò gạch đang khoét sâu, băm nát các triền bãi phù sa màu mỡ ven sông lấy đất làm gạch.

Theo quan sát của chúng tôi, do đất làm gạch ngày càng cạn kiệt, nhiều chủ lò đào luôn vào chân đê. Trên mặt đê, xe chở gạch quá tải chạy suốt ngày đêm khiến nhiều tuyến đê xung yếu đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 115/2001/QĐ-TTg yêu cầu xóa bỏ lò gạch thủ công trước năm 2010. Nhưng 10 năm sau khi quyết định nói trên ban hành, lò gạch thủ công ở Nam Định không giảm mà lại tăng do nhu cầu gạch xây dựng lên cao, trong khi tỉnh Nam Định chưa có cơ chế hỗ trợ phát triển lò gạch hiện đại và sản xuất vật liệu xây dựng thay gạch nung thủ công. Vì thế, có địa phương không xóa mà còn "làm ngơ" cho xây thêm lò mới.

Tuy nhiên, do bức xúc của người dân cộng với nguy cơ mất an toàn đê điều, đầu tháng 8.2011, UBND tỉnh Nam Định đã có lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công gồm 2 giai đoạn. Theo đó, từ nay đến năm 2015, sẽ đầu tư xây dựng mới 5 nhà máy gạch tunel với công suất 20 triệu viên/nhà máy/năm; chuyển đổi các lò thủ công sang công nghệ lò đứng cải tiến.

Tuy nhiên, để “khai tử” lò gạch thủ công đúng tiến độ, việc quan trọng nhất đối với UBND tỉnh Nam Định và các ngành chức năng là phải kiên quyết xóa sổ những lò gạch thủ công xuống cấp, xử phạt hành vi gây ô nhiễm môi trường, vi phạm quy định bảo vệ đê điều.

Đồng thời, chính quyền cấp tỉnh cần xử lý trách nhiệm một cách nghiêm khắc đối với các địa phương để phát sinh thêm lò gạch thủ công nhằm chặn đứng sự gia tăng của mô hình sản xuất tiêu cực này.

Văn Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.