Áp lực tỷ giá cuối năm

21/08/2011 23:51 GMT+7

Tỷ giá USD tại VN đã duy trì ổn định dưới 21.000 đồng trong vòng 3 tháng qua. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo, áp lực tăng giá của ngoại tệ này trong những tháng cuối năm rất lớn.

Cầu tăng, giá tăng

Tính đến hết tháng 6, tín dụng ngoại tệ tăng hơn 23% so với cuối năm 2010 trong khi tín dụng tiền đồng tăng chưa tới 3%. Đây là kết quả tất yếu khi lãi suất cho vay tiền đồng vẫn ở mức cao ngất ngưởng trong thời gian qua đã khiến hàng loạt doanh nghiệp (DN) có xu hướng vay vốn bằng ngoại tệ. Nhưng cũng vì thế, những con sóng ngầm trên thị trường ngoại tệ là hoàn toàn có thật. Theo TS Hoàng Công Gia Khánh - Trưởng khoa Ngân hàng, ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, việc chuyển sang vay vốn bằng ngoại tệ, nhất là USD của DN thời gian qua khá lớn sẽ dẫn đến áp lực trả nợ tại một thời điểm khá cao.

 
Nhiều dấu hiệu đang cho thấy áp lực lên tỷ giá USD về cuối năm càng gia tăng - Ảnh: D.Đ.M

Thông thường khoảng thời gian 3-6 tháng sau khi vay. Khi đó nhu cầu về USD tăng lên và đây là một trong những áp lực làm cho giá USD có thể biến động theo chiều hướng gia tăng. Đồng quan điểm trên, ông  Huỳnh Thế Du - giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng bản chất của nền kinh tế VN là luôn thiếu USD do tình trạng nhập siêu kéo dài. Do đó việc giữ tỷ giá USD ổn định trong thời gian qua chỉ mang tính tạm thời. Từ nay đến cuối năm khả năng tăng giá USD là tất yếu vì áp lực về cầu ngoại tệ này đang tăng lên. Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) muốn giảm lãi suất thì phải bơm tiền đồng và điều đó cũng sẽ tạo thêm áp lực cho tỷ giá.

Nên chấp nhận biến động tỷ giá linh hoạt theo sát cung cầu của thị trường và không nên xem tỷ giá như một cái neo cố định

TS Hoàng Công Gia Khánh

Trong báo cáo triển vọng thị trường tiền tệ số ra tháng 8.2011 vừa qua, Tập đoàn HSBC cũng dự báo tỷ giá USD tại VN sẽ tăng lên 21.500 đồng từ quý 3/2011 và sẽ duy trì mức tỷ giá này đến hết quý 2/2012. VND cũng là đồng tiền duy nhất tại khu vực Nam Á (mà HSBC đưa vào so sánh) sẽ giảm giá so với USD trong khi đồng tiền của các nước như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan,... đều được dự báo sẽ tăng giá so với USD trong cùng thời gian này.

Cần linh hoạt hơn

Theo NHNN, dự trữ ngoại hối đã gia tăng thêm được 5 tỉ USD trong thời gian qua. Dựa trên số liệu của IMF công bố, ước tính dự trữ ngoại hối của VN hiện tại vào khoảng 16 - 17 tỉ USD. Mức dự trữ ngoại hối này tuy không phải quá lớn nhưng cũng có thể giúp NHNN can thiệp vào thị trường ngoại hối trong ngắn hạn. Thế nhưng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa luôn gia tăng vào những tháng cuối năm dẫn đến nhu cầu về thanh toán của DN tăng; lạm phát cao... nên cuối năm luôn là thời điểm nhạy cảm biến động về vấn đề tỷ giá. Vì vậy, giảm áp lực tăng giá USD hoặc tránh cho thị trường những cú sốc đột ngột là bài toán mà NHNN phải thực hiện. TS Hoàng Công Gia Khánh cho rằng NHNN nên chấp nhận biến động tỷ giá linh hoạt theo sát cung cầu của thị trường và không nên xem tỷ giá như một cái neo cố định. NHNN phải xác định tỷ giá mục tiêu đến cuối năm và có lộ trình để thị trường thích nghi. Đặc biệt NHNN cần mạnh dạn phát đi thông điệp rõ ràng về vấn đề này để người dân tránh kỳ vọng vào việc tăng giá USD trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu giá USD biến động thì sẽ càng khó có cơ hội để kéo giảm lãi suất VND như mong muốn. Nếu cứ áp dụng cứng ngắc chính sách hành chính để neo giữ tỷ giá USD cố định thì sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng hai giá trong giao dịch USD như trước đây. Vì vậy theo ông Huỳnh Thế Du, chính sách tỷ giá cần linh hoạt hơn trong từng thời điểm. Ngoài ra, vẫn phải tiếp tục kiên trì chính sách tiền tệ chặt chẽ, giảm việc in thêm tiền hay nguồn vốn đưa vào những khu vực không hiệu quả càng thêm bất lợi trong việc kiểm soát lạm phát và tỷ giá. TS Lê Thẩm Dương - ĐH Ngân hàng TP.HCM, nhấn mạnh: NHNN phải nhanh chóng có ngay các giải pháp công bố trong tháng 8 để tạo niềm tin cho người dân vì các tín hiệu căng thẳng lên tỷ giá USD đã quá rõ. Bởi càng để chậm, việc kỳ vọng vào tỷ giá USD tăng hay giảm đều nguy hiểm như nhau vì nó sẽ khiến cho thị trường tiền tệ không ổn định và sẽ dẫn theo nhiều hệ lụy khác.

TS Lê Thẩm Dương cho rằng điều quan trọng hiện nay là các cơ quan điều hành của Chính phủ phải rõ ràng về quan điểm điều hành để các chính sách về tiền tệ có sự nhất quán, bám sát theo Nghị quyết 11 của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát. Thậm chí mạnh dạn công bố các dự báo về kinh tế cũng như tỷ giá ngoại tệ hay dự trữ ngoại hối với các kịch bản tốt lẫn xấu vì những tác động của thế giới có thể xảy ra. NHNN cũng phải tăng cường kiểm tra kiểm soát không để NH huy động vượt trần lãi suất USD; giảm dư nợ USD. Đồng thời, các cơ quan khác phải kiểm soát chặt chẽ vấn đề nhập khẩu; không buông lỏng việc cắt giảm đầu tư công...

  

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.