Chê sữa mẹ: Dễ thấp còi

05/08/2011 11:12 GMT+7

Ước tính mỗi năm nước ta có khoảng 750.000 trẻ trong số 1,5 triệu trẻ sinh ra không được bú sữa mẹ ngay khi chào đời.


Trẻ rất cần được bú mẹ ngay sau khi sinh 

Các nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng những bé được nuôi bằng sữa mẹ sẽ bắt đầu làm các bài kiểm tra chỉ số thông minh tốt hơn các bé chỉ dùng sữa bột khi bước sang tuổi thứ 6. Thế nhưng, do sữa bột cho trẻ sơ sinh quá phổ biến và được quảng bá tràn lan khiến nhiều bà mẹ “xiêu lòng”. Nhiều bậc cha mẹ luôn khát khao con cái phải thông minh, khỏe mạnh nên đua nhau mua các loại sữa được cho là bổ sung nhiều dưỡng chất.

Giảm sức đề kháng

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nếu quá phụ thuộc vào sữa bột thì cơ thể trẻ sẽ không được bổ sung đủ dưỡng chất hợp lý. Vậy nên có những trẻ dù được uống nhiều sữa công thức thay thế mà vẫn thấp còi hoặc béo phì.

Trung bình mỗi gia đình ở nước ta chi từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/tháng để nuôi trẻ bằng sữa ngoài. Nếu tận dụng nguồn sữa mẹ thì sẽ tiết kiệm gần 600 triệu USD/năm cho những hệ quả do trẻ không được bú sữa mẹ.

Tại một hội thảo mới đây về thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh hiện nay có rất nhiều cơ sở y tế, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm về quảng cáo, ghi nhãn mác các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ. Việc làm đó đã khiến không ít bà mẹ nghĩ rằng để con thông minh và phát triển tốt thì phải cho con uống sữa ngoài bổ sung ngay từ những tháng đầu đời. Vì thế, thay cho sữa mẹ, họ cho con ăn thật nhiều các sản phẩm dinh dưỡng. Kết quả là ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển về thể chất, tinh thần cũng như giảm sức đề kháng, gia tăng bệnh tật ở trẻ.

Quá lãng phí

Bác sĩ Nguyễn Đức Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế), cho biết sữa mẹ cung cấp đầy đủ, toàn diện nhất về dinh dưỡng cho trẻ trong 6 tháng đầu đời và giúp ngăn ngừa đến 13% trường hợp tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi nhưng nhiều phụ nữ Việt Nam đang lãng phí nguồn sữa quý giá này.

Nuôi con bằng sữa mẹ thì bản thân người mẹ cũng sẽ giảm tình trạng loãng xương, giảm nguy cơ ung thư tuyến giáp, mắc bệnh Lupus ban đỏ… Ngoài ra, được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục bú đến ít nhất 2 năm tuổi sẽ giúp trẻ tránh được các bệnh như suy dinh dưỡng, viêm phổi, tiêu chảy cũng như đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng và tăng khả năng thành công của trẻ sau này.

Thế nhưng theo ông Vinh, kết quả điều tra mới nhất cho thấy ở Việt Nam chỉ có 61% trẻ được bú mẹ trong vòng một giờ đầu sau sinh. Ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 750.000 trẻ/1,5 triệu trẻ sinh ra không được bú sữa mẹ ngay khi chào đời. Đáng quan tâm nữa là tỉ lệ trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng rất thấp, chỉ chiếm 19,6%.

Dễ mắc nhiều bệnh

Bác sĩ Lê Thị Hải, Trung tâm Tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia), cho biết trong sữa mẹ chứa các globulin miễn dịch (có nhiều nhất trong sữa non) đối kháng với một số vi khuẩn như: E.coli và virus trong ruột; lactoferin - một protein gắn với chất sắt, sự gắn kết này làm cho một số vi khuẩn có hại không phát triển được. Chất lysozym (một loại men trong sữa mẹ cao hơn sữa bò hàng ngàn lần) có tác dụng tiêu diệt một số vi khuẩn có hại và nhiều loại virus khác.

Khi trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ từ 4-6 tháng tuổi thì không cần phải uống thêm nước vì trong sữa mẹ có đến 90% là nước. Trẻ không được bú sữa mẹ cũng có nguy cơ dễ mắc các bệnh về tai mũi họng, tiêu hóa, ung thư, tim mạch...

Hàng triệu trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi

Theo thống kê của Bộ Y tế, nước ta có khoảng 2,5 triệu trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi và là quốc gia đứng thứ 13 trên thế giới về tỉ lệ này. Các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá mặc dù đời sống đã cải thiện đáng kể nhưng thanh niên nước ta đang thuộc nhóm có tầm vóc thấp nhỏ nhất thế giới. Vì vậy, cải thiện tầm vóc cho trẻ sơ sinh sẽ giúp cải thiện tầm vóc thanh niên trong 20 năm tới.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.