Lớp học ngày càng quá tải

20/07/2011 00:03 GMT+7

Điều lệ trường mầm non (MN), trường tiểu học (TH) từ rất nhiều năm nay đều quy định rất rõ về sĩ số học sinh/lớp. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các trường đều chưa thể thực hiện được quy định này.

 

 Trường MN công lập ở các thành phố lớn luôn trong tình trạng quá tải - Ảnh: Ngọc Thắng

Khắp nơi "vượt rào"

Theo Điều lệ trường MN do Bộ GD-ĐT ban hành, mỗi lớp MN công lập phải đảm bảo dưới 35 cháu/lớp/2 cô. Từ các mức này trở lên, cứ thêm 10 cháu, phải thêm một cô giáo. Diện tích dành cho mỗi học sinh tại các lớp MN phải đạt tối thiểu 1,5m2. Tuy nhiên, số lượng học sinh các lớp MN ở các TP lớn đều vượt quy định, thậm chí có lớp từ 65 - 70 trẻ.

Trong số 6 phường trên địa bàn Hà Nội chưa có trường MN công lập thì riêng Q.Đống Đa đã chiếm tới 4 phường. Chính vì vậy, tình trạng quá tải xảy ra hầu hết ở các trường MN công lập của quận này. Tại trường MN công lập Kim Liên, theo phản ảnh của một số phụ huynh, có lớp ở đây cũng xấp xỉ 70 cháu. Tương tự, các trường MN Họa My, Tuổi Thơ (Q.Ba Đình) cũng luôn trong tình trạng quá tải. Sĩ số trung bình là hơn 50 trẻ/lớp.

Bà Lưu Tường Vân - Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Ba Đình cho biết: “Quy mô trường lớp không thay đổi trong khi số trẻ trong độ tuổi có hộ khẩu ngày càng tăng chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng quá tải”.

Theo bà Bùi Thị Vân Anh, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Cầu Giấy, sĩ số trung bình của các trường công lập trên toàn quận cũng lên tới khoảng 60 cháu/lớp.

Nếu cứ theo quy định, đối với những lớp tới 60 cháu, ít nhất phải có 6 cô giáo, song các trường cũng chỉ có thể bố trí tối đa 3 cô. Điều này đương nhiên không chỉ thiệt thòi cho trẻ mà còn gây  quá tải và áp lực với các cô. Một giáo viên của trường MN Đống Đa tâm sự: “Lớp quá đông nên lúc nào chúng tôi cũng nơm nớp lo xảy ra tai nạn với trẻ, nhất là vào giờ ăn, giờ chơi tự do của các con”.

Thiếu cả... không khí

Để sĩ số vượt quá quy định là hành vi vi phạm quyền lợi của trẻ em, lẽ ra các em xứng đáng được hưởng một môi trường chăm sóc, học tập tốt hơn theo đúng quy định

Đặng Huỳnh Mai Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em

Tương tự trường MN, theo điều lệ trường TH, sĩ số chuẩn của bậc học này cũng là 35 học sinh/lớp. Tuy nhiên, tình trạng vượt sĩ số thậm chí gần gấp đôi so với quy định cũng xảy ra khắp nơi.

Để bù đắp, các trường trang bị hệ thống... loa và âm-li để hỗ trợ về âm thanh cho giáo viên. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hàng loạt các trường TH được xem là trường “điểm” của Hà Nội như: Kim Liên, Trung Tự, Cát Linh, Nam Thành Công, Kim Đồng, Hoàng Diệu, Quang Trung, Thăng Long... đều có sĩ số lên tới hơn 50 học sinh/lớp, có những trường hơn 60 học sinh/lớp.

Diện tích lớp học được thiết kế chỉ đủ cho số học sinh theo quy định của Bộ nên khi sĩ số vượt rào tới gần gấp đôi thì các trường phải xoay xở bằng cách kê bàn học san sát vào nhau và gần sát tới bục giảng của giáo viên để tận dụng từng tấc đất trong phòng học. Một bàn học được thiết kế cho hai học sinh thì phải chấp nhận 3 học sinh cùng ngồi.

Chị T.N.H có con học tại trường TH Kim Liên buồn rầu cho biết: “Sau năm học lớp 1, cháu nhà tôi sút mất 2 kg, áp lực học tập một phần, phần lớn là do lớp học quá đông. Tôi có cảm giác là lớp học chật chội đến mức các cháu thiếu cả không khí để thở”...

Sĩ số quá đông khiến cho giáo viên vất vả hơn nhiều so một giờ dạy thông thường và vì thế sự quan tâm đến từng học sinh cũng không thể thực hiện được. Một giáo viên trường TH Nam Thành Công thừa nhận: “Biết là đối với đối tượng học sinh khác nhau thì phải có cách giảng dạy, quan tâm khác nhau nhưng với sĩ số như vậy thì hầu như giáo viên phải “nhắm mắt làm ngơ” trước nhiều tình huống và áp dụng phương pháp giáo dục duy nhất: giáo viên là người đưa ra yêu cầu và tất cả học sinh có trách nhiệm làm theo, chỉ những trường hợp rất đặc biệt thì chúng tôi mới có cách giải quyết riêng”.

Không thể chấp nhận

Cần thêm hàng ngàn trường học

Tại cuộc họp HĐND TP mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo thừa nhận: các quận trung tâm thủ đô, diện tích trường học không tăng cùng với dân số đã gây nên quá tải.

Theo ông Thảo, dự báo dân số TP đến 2020 là 7,4 triệu; 2030 là 9,5 triệu. "Với yêu cầu diện tích tối thiểu 8m2 mỗi học sinh nội thành và ngoại thành là 15m2 thì đến 2030, TP cần xây thêm 1.014 trường MN, 310 trường TH...".

Sở GD-ĐT Hà Nội nhiều năm vừa qua đã áp dụng biện pháp “3 giảm”, trong đó hô hào chú trọng giảm số học sinh trái tuyến nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Thái độ không dứt khoát của cán bộ quản lý giáo dục các cấp trong việc hạn chế học sinh xin học trái tuyến đã khiến cho tình trạng quá tải ở rất nhiều trường TH ngày càng trầm trọng.

Dư luận cho rằng, sở dĩ việc giảm sĩ số học sinh chưa được thực hiện quyết liệt vì hầu như chưa thấy nơi nào vi phạm sĩ số học sinh mà lãnh đạo chính quyền hoặc ngành GD-ĐT ở đó bị xử lý, kỷ luật. Có chăng, cũng chỉ kiểm tra, nhắc nhở và yêu cầu... rút kinh nghiệm và rồi “điệp khúc” quá tải cứ lặp lại hết năm này sang năm khác và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Trước thực trạng này, bà Đặng Huỳnh Mai, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em, thẳng thắn: “Nếu sĩ số một lớp gấp đôi so với quy định nhưng chỉ là giải pháp tình thế trong khi chờ xây trường, mở rộng quy mô trường lớp thì có thể chấp nhận được. Còn nếu cứ kéo dài hết năm này qua năm khác mà không có câu trả lời bao giờ sẽ chấm dứt tình trạng ấy thì tôi cho rằng không thể chấp nhận được. Chúng ta phải thẳng thắn nói với nhau rằng, rõ ràng để sĩ số vượt quá quy định là hành vi vi phạm quyền lợi của trẻ em, lẽ ra các em xứng đáng được hưởng một môi trường chăm sóc, học tập tốt hơn theo đúng quy định”.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.