Cây dứa dại và cây mận gai làng tôi

16/07/2011 20:23 GMT+7

Theo lời ghi trong hương phả của làng thì từ thuở mới lập làng, Cảnh Dương quê tôi, một làng thuần ngư nằm bên cửa lạch của một con sông nhỏ ở miền Trung, thường bị giặc cướp từ biển vào, từ các vùng quê khác đến quấy phá…

Để ngăn chặn giặc giã, để chống lại giông bão, nắng nôi khi đông đến, hè về, người làng tôi đã đi tìm kiếm nhiều loại cây đem về trồng trong sân vườn, ngoài đường sá và nhất là trồng quanh làng để lập thành bờ lũy bảo vệ hương thôn. Nhưng trồng loại cây gì cho phù hợp với đất đai và nắng gió của một vùng quê ven biển miền Trung là điều khiến bà con dân làng phải suy nghĩ, cân nhắc. Theo lời các cụ ông, cụ bà thuở xưa kể lại, thì sau nhiều lần hội họp, bàn bạc, người làng tôi đã chọn cây dứa dại và cây mận gai để trồng dọc bờ biển, trồng trên các động cát sau làng.

Dứa dại là loại cây rất dễ trồng. Chỉ cần trồng dăm ba cây ban đầu là ít năm sau nó đã mọc dày thành bờ, thành bụi, với nhiều dạng cao thấp khác nhau. Lá cây có cái dài đến nửa sải tay và đặc biệt trên cánh lá có rất nhiều gai, vì vậy đụng vào cành dứa không phải là việc dễ dàng. Dứa dại trồng dọc bờ biển vừa ngăn được gió cát, vừa chống được sự xâm thực của sóng biển mỗi khi triều dâng hoặc biển khơi có bão tố. Nó cũng là bờ lũy, là cái áo giáp chở che cho dân quân du kích đánh giặc giữ làng.

Khác với cây dứa dại, cây mận gai lại là loại cây bò lan trên mặt đất. Lá của nó nhỏ như đồng tiền xu màu xanh bạc chứ không xanh thẫm như màu lá dứa, lá mận quân. Dọc thân, dọc cành của cây mận gai, gai mọc tua tủa và cái nào cũng nhọn, cũng sắc. Mận gai mọc dày từng đám to trên động cát, cả người và trâu bò cũng không ai dám bước vào. Mùa mận chín quả nhiều vô kể. Quả mận chỉ to bằng ngón tay, sắc đỏ sắc vàng rất đẹp, ăn rất ngọt. Lũ trẻ chúng tôi sau những giờ đùa nghịch thỏa thuê trên sóng biển lại kéo nhau lên động cát đi hái mận ăn. Mùa mận chín nhiều, các bà, các chị cũng thường mang rổ lên động hái mận về bán mua gạo nuôi con… Những gia đình có người mới mất, 3 ngày sau khi chôn cất xuống mộ làm lễ và đắp đất cho mộ thêm to, thêm cao. Công việc ấy được kết thúc bằng việc phủ cây mận gai lên cho kín mộ để giữ đất và không cho trâu bò đến giẫm phá. Hẳn vì vậy mà dân làng tôi đã gọi lễ “mở cửa mả” là “lễ rào gai” chăng?

Có cây dứa dại rào ven biển, cây mận gai phủ lên các bãi cát ven làng, dân làng tôi yên ổn lưới chài, muối cá, làm mắm, bán buôn chợ xa, chợ gần… Làng ngày một đông vui, giàu có. Đình chùa, am miếu, trường học được xây dựng. Làng tôi trở thành một trong “bát danh hương” nổi tiếng của châu Bố Chính xưa. Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, bom đạn dội xuống làng tôi có đến hàng trăm tấn. Nhưng dân làng tôi vẫn bám biển, bám làng. Lũy tre, bờ dứa, bụi mận gai, bức tường san hô là chiến lũy giúp cho dân làng tôi trụ vững trong lửa đạn của giặc ngoại xâm.

Giờ đây, mỗi lần về thăm quê, ra bãi biển ngồi dưới bóng râm của cây dứa dại, nhìn ra biển khơi, lòng tôi thật nhẹ nhàng, thanh thản và trào dâng bao niềm biết ơn ông bà, tổ tiên thuở xưa. Họ đã bám biển, bám làng, đã sáng tạo nên bao cách đánh giặc, bao cách giữ cho làng luôn mượt mà một màu xanh trước những cơn gió Lào khô khốc, trước những trận bão dữ dằn năm nào cũng có… Họ như những cây tre, cây dứa, cây mận bình thường, giản dị nhưng luôn vững vàng trước mọi thử thách, khó khăn.

Trần Hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.