Ngân hàng chưa dám hạ lãi suất vì “thăm dò” nhau

08/07/2011 00:00 GMT+7

Tín hiệu giảm lãi suất đã có nhưng các ngân hàng (NH) thương mại vẫn còn đang “thăm dò” nhau vì chưa ai dám đi tiên phong.

 

Các NH còn “nhìn nhau” để giảm lãi suất - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lãi suất liên ngân hàng trong vòng 2 tuần qua giảm so với trước, chứng tỏ thanh khoản của các NH thương mại tốt hơn rất nhiều. Nếu cứ đà này và NH Nhà nước giữ được thấp hơn trần lãi suất huy động, sẽ tạo đà cho lãi suất cho vay có thể giảm xuống. Còn thông tin mới nhất từ một số ngân hàng, lãi suất cho vay qua đêm trong ngày hôm qua chỉ còn khoảng 11%/năm, lãi suất kỳ hạn 1 tuần và 1 tháng dao động từ 13-13,5%/năm.

Tín hiệu càng rõ nét hơn, khi lãi suất trái phiếu chính phủ vốn được các quốc gia lấy làm thước đo chuẩn lãi suất trên thị trường đã giảm khoảng 2% trong vòng gần 1 tháng qua. TS Nghĩa nhận định, đó là dấu hiệu nhận thấy thanh khoản của các ngân hàng lớn đã phục hồi, dù chưa thật mạnh, nhưng khi tín dụng đầu ra bị hạn chế nhiều ngân hàng đã dùng vốn huy động được mua trái phiếu, chấp nhận lãi suất vừa phải. Cũng theo tính toán của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, 6 tháng đầu năm trong tổng số 62.000 tỉ đồng cung ứng ra thị trường qua tổng phương tiện thanh toán, có khoảng 30.000 tỉ đồng các NH thương mại dùng mua trái phiếu chính phủ.

Những động thái của NH Nhà nước và NH thương mại, cho thấy cơ hội giảm lãi suất đang tới gần. Việc giảm chỉ còn là vấn đề thời gian, vì theo ông Nghĩa, NH Nhà nước còn phải thận trọng, muốn giảm từ từ do lạm phát cả năm vẫn còn khá cao.

Trên thị trường, từ đầu tháng 7 đến nay, đã lác đác có thông tin các NHTM bắt đầu giảm lãi suất huy động. Cụ thể, khoản tiền nhỏ dưới 100 triệu đồng chỉ được hưởng lãi suất 14%/năm, khoản tiền lớn trên 1 tỉ đồng mới được ưu ái lãi suất chui 18%/năm. Còn thực tế, lãi suất niêm yết tại NH xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã bắt đầu điều chỉnh giảm chút ít nhưng không đáng kể. Lãi suất tiền gửi cao nhất chỉ còn 13,97% một năm (kỳ hạn 1, 2, 3 tháng), áp dụng cho chương trình khuyến mãi "5 ưu đãi lớn cùng chứng chỉ tiền gửi Eximbank" và với loại tiết kiệm thông thường, mức cao nhất chỉ khoảng 13,85% một năm.

NH Á Châu (ACB) cũng đưa mức lãi suất niêm yết các kỳ hạn về 13,88%/năm, và chỉ còn kỳ hạn 12 tháng 14%/năm. Tuy nhiên, trên thực tế theo lãnh đạo một NH thương mại cổ phần tại Hà Nội, bản thân ngân hàng cũng thấy được lạm phát còn khá cao, hạ lãi suất tiền gửi cũng đồng nghĩa với việc tước đi quyền lợi của người gửi tiền. “Ngân hàng nâng lên đặt xuống lãi suất, chứ lỡ mình hạ mà ngân hàng khác không hạ thì mất khách ngay” - lãnh đạo này nói.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, việc hạ lúc nào còn phải chờ phản ứng của chính các NH thương mại. Nhớ lại năm 2008, với khả năng thanh khoản dồi dào, BIDV đi tiên phong hạ lãi suất huy động, kéo lãi suất cho vay thị trường xuống, nhưng nay thanh khoản của các NH lớn chỉ mới phục hồi, chưa ngân hàng nào thực sự “nổi trội” để nổ phát súng đầu tiên.

Trong khi đó, lãnh đạo Hiệp hội NH tỏ ra không lạc quan lắm về việc sẽ có NH lớn đứng ra tiên phong kéo lãi suất xuống. "Câu chuyện đồng thuận lãi suất trong 2010 bị quy kết cái tội vi phạm luật cạnh tranh. Nên giờ chúng tôi cũng không dám làm nữa” - lãnh đạo này nói.

Lãi suất đã có cơ hội để giảm, việc giảm hay không và giảm khi nào vẫn đang chờ phản ứng chính thức từ các NH thương mại và NH Nhà nước.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.