Quy hoạch sau đè quy hoạch trước

28/06/2011 23:25 GMT+7

Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh khẳng định, chưa hề có phương án phá bỏ 3 cây cầu vượt vừa xây dựng với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỉ đồng khi làm đường bộ trên cao tại vành đai 2 và 3, Hà Nội. Tuy nhiên, câu chuyện về thiếu tầm nhìn trong quy hoạch giao thông đô thị Hà Nội là có thật.

Theo các chuyên gia, cây cầu nghìn tỉ này sẽ phải phá bỏ khi Hà Nội làm đường trên cao - ảnh: Ngọc Thắng

Khó giải bài toán cầu vượt

Theo kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông vận tải thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015, ngoài việc hoàn thành các tuyến đường quốc lộ, đường hướng tâm và các trục đô thị, Hà Nội đang tính tới xây dựng các tuyến đường trên cao tại vành đai 2, vành đai 3. Theo kế hoạch đã được UBND thành phố phê duyệt, tại vành đai 2 sẽ xây dựng đường trên cao đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng chiều dài 5,5 km với tổng mức đầu tư 3.400 tỉ đồng (thời gian khởi công - hoàn thành 2012 - 2015), đường trên cao đoạn từ Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở dài 2,3 km, tổng mức đầu tư 2.500 tỉ đồng (khởi công - hoàn thành 2012 - 2015). Tại vành đai 3, xây đường trên cao đoạn Mai Dịch - Bắc Linh Đàm (2010 - 2015), đây là giai đoạn 2 đường trên cao đoạn Mai Dịch - Pháp Vân, tổng mức đầu tư 5.500 tỉ đồng.

Theo các chuyên gia, các tuyến đường trên cao mà thành phố dự kiến xây dựng sẽ đi qua ba cầu vượt lớn là Mai Dịch, Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng, bài toán khó chính là phải giải quyết các cầu vượt như thế nào.

Bộ GTVT chưa có chủ trương về việc phá bỏ ba cầu vượt

Tại cuộc làm việc giữa Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ GTVT sáng 28.6, Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng đã khẳng định, Bộ GTVT chưa có ý kiến và chủ trương gì về việc phá bỏ ba cầu vượt Mai Dịch, Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng.

Cầu vượt Ngã Tư Sở, nguồn vốn ODA Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ VN, tổng mức đầu tư hơn 1.100 tỉ đồng, thông xe năm 2006.

Cầu vượt Ngã Tư Vọng, tổng mức đầu tư hơn 200 tỉ đồng, thông xe năm 2002.

Cầu vượt Mai Dịch, thi công từ 2001, khánh thành năm 2003, là một hạng mục thuộc dự án Vành đai 3 giai đoạn 1.

TS Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý GTVT cho rằng, có nhiều phương án khác nhau như xây đoạn tiếp giáp, vượt lên trên, hoặc đập đi, chủ đầu tư sẽ phải nghiên cứu phương án nào khả thi nhất, tính trên các yếu tố như chi phí đầu tư, mỹ quan đô thị, độ an toàn và ý kiến của các khu dân cư lân cận...

Tại một hội thảo về giao thông mới đây, PGS-TS Nguyễn Quang Đạo, ĐH Xây dựng Hà Nội cho rằng, nếu xây đường bộ vượt trên cầu vượt, chi phí sẽ rất tốn kém, nên biện pháp tiết kiệm hơn cả là phá  đi làm lại. Tuy nhiên, việc phá ba cầu vượt trong khi thời gian sử dụng chưa được bao nhiêu là quá lãng phí.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, thành phố mới chỉ duyệt chủ trương các phương án đường trên cao, và rằng: “Từ chủ trương đến xây dựng dự án cụ thể phải mất nhiều thời gian”.

Ông Linh quả quyết: “Chưa có chủ trương nào là phá cầu vượt, vì đến nay chúng tôi cũng chưa có các dự án cụ thể, nên chưa hề có thiết kế cơ sở lẫn thiết kế chi tiết. Sau khi có dự án cụ thể, thành phố giao cho đơn vị nào làm chủ đầu tư mới có các giải pháp cụ thể sau”.

Ông Phạm Thanh Bình, Phó BQL dự án Thăng Long, đơn vị thi công dự án tuyến đường trên cao đoạn Mai Dịch - Pháp Vân cho biết, phương án xây dựng hiện nay là xây đoạn tiếp nối giữa đường trên cao và cầu vượt Mai Dịch. Tuy nhiên, với cầu vượt Ngã Tư Vọng, theo một chuyên gia, nếu xây đường trên cao có thể phải tính đến phương án phá vì chiều cao của cầu thấp (chỉ khoảng 4,5m).

Thiếu tầm nhìn

Theo TS Khuất Việt Hùng, việc xây một số tuyến đường trên cao như đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở khả thi hơn so với việc mở rộng đường, vì đây là đoạn thắt cổ chai của tuyến đường vành đai 2. “Với vành đai 3 đã thi công được một hợp phần, rất nhiều khu đô thị liền kề đã được xây dựng xung quanh, đường vành đai 3 sẽ rất nhanh thành đường đô thị, giao thông tránh Hà Nội sẽ phải đi qua đường trên cao. Phương án này buộc phải làm vì đường vành đai đang trở thành đường đô thị. Tuy nhiên, đây cũng là kết quả của việc quy hoạch có vấn đề, nên thực chất đường trên cao cũng chỉ là giải pháp chữa cháy”, ông Hùng phân tích.

Cũng theo TS Hùng, quy hoạch giao thông sở dĩ bị chồng chéo do quy hoạch giao thông đang bị bó buộc bởi quy hoạch xây dựng. Nhưng những nhà làm quy hoạch xây dựng lại không phân tích, dự báo được nhu cầu giao thông giai đoạn tới, trên cơ sở phương án sử dụng đất, phát triển đô thị mà quy hoạch đưa ra. Tức là quy hoạch hết tất cả các phương án đất đai, sau đó mới đặt mạng lưới giao thông đi sau, nên giữa nhu cầu giao thông và năng lực cơ sở hạ tầng luôn lệch nhau.

TS Khuất Việt Hùng cho rằng, cũng bởi quy hoạch kiểu này, nên khi làm 3 cầu vượt trên chỉ để phục vụ nhu cầu giao thông trong một giai đoạn nhất định, mà không tính đến phương án khác như làm đường trên cao.

Mặt khác, trong việc vẽ đề án, các nhà lập quy hoạch cũng “quên” tình trạng chậm tiến độ thường niên của các dự án giao thông đô thị Hà Nội. Ông Phạm Thanh Bình cho biết, hiện giai đoạn 1 đoạn trên cao Mai Dịch - Pháp Vân vẫn đang triển khai, việc khó giải phóng mặt bằng khiến đoạn qua nút Thanh Xuân tới tháng 9.2010 mới hoàn thiện xong khâu mặt bằng. Các chuyên gia, dự định giải ngân tới hơn 153.000 tỉ đồng vốn cho cơ sở hạ tầng trong 5 năm của Hà Nội rất khó khả thi nếu nhìn vào tốc độ “rùa bò” của các dự án hạ tầng giao thông thời gian qua của thành phố.

TP.HCM cũng sẽ có 4 tuyến đường trên cao

Theo quy hoạch do Thủ tướng phê duyệt, dự kiến đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020, TP.HCM sẽ có 4 tuyến đường trên cao liên thông với nhau để giải quyết nhu cầu ở các trục có lưu lượng xe cộ lớn, gồm:

+ Tuyến 1: từ nút giao Cộng Hòa theo đường Cộng Hòa - Bùi Thị Xuân - kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và tiếp đất tại đường Nguyễn Hữu Cảnh.

+ Tuyến 2: từ điểm giao với tuyến số 1 tại đường Tô Hiến Thành nối dài theo đường Tô Hiến Thành - Lữ Gia - Bình Thới - Lạc Long Quân - đường số 3 - đường vành đai 2.

+ Tuyến 3: từ điểm giao với tuyến số 2 tại đường Tô Hiến Thành theo đường Lê Hồng Phong nối dài - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Văn Cừ nối dài - Lê Văn Lương - Nguyễn Văn Linh.

+ Tuyến 4: từ nút giao thông Bình Phước theo quốc lộ 13 vượt sông Sài Gòn - đường Vườn Lài - Nguyễn Xí - Đinh Bộ Lĩnh - Điện Biên Phủ nối vào tuyến số 1.

Trong đó, tuyến số 2 và 4 đang đề xuất thay đổi hướng tuyến để tránh ảnh hưởng đến quy hoạch chung của các quận và giảm chi phí giải tỏa. Do hệ thống đường trên cao liên thông với nhau, nên khi tuyến số 2 và 4 thay đổi thì tuyến số 1 và 3 cũng phải điều chỉnh theo cho phù hợp.

Tuy được phê duyệt từ năm 2007 nhưng đến nay các dự án vẫn còn nằm trên giấy. Mới đây, Tổng công ty xây dựng số 1 đề xuất đầu tư đường trên cao số 4 và dự kiến hoàn thành vào năm 2015 nếu sớm được thông qua.

Tuấn Đạt

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.