Hồ Kiểng - người không bị lãng quên

29/05/2011 22:39 GMT+7

Dù đã 86 tuổi đời, 67 năm tuổi nghề, nhưng ông làm việc như không hề mệt mỏi.

Người đa năng

Ông là gương mặt nổi tiếng trong làng văn nghệ với 207 phim đã đóng, 48 vở kịch sân khấu, 304 vở kịch phát thanh, 12 tuồng cải lương, lồng tiếng 16 phim múa rối, vẽ 6 phim hoạt hình, viết 200 bài vọng cổ, cộng tác với 16 tờ báo và tập san, chưa kể mấy trăm bài thơ dài ngắn.


Hồ Kiểng (phải) trong phim Tiếng sóng - Ảnh: T.L

Ông đếm chính xác những tác phẩm của mình là do ông có mấy chục quyển sổ ghi lại tỉ mỉ và cẩn thận những tác phẩm đó bằng nét chữ rất đẹp. Có quyển, mỗi trang dành cho một tên phim, có cả tên đạo diễn, năm sản xuất, bên dưới là mấy câu thơ tóm tắt nội dung, tính cách của nhân vật do ông đảm trách. Thí dụ vai Tchir trong phim Loubov Iarovaia do Nga sản xuất năm 1997, ông viết:  “Con người hai mặt đáng chê khinh - Ngã lại ngã qua mất lý tình - Chẳng biết bên nào là chánh nghĩa - Quay đầu phản lại nước non mình”.

…một người thầy Liên Xô đã dạy rằng nghệ sĩ không được “bán” nghệ thuật. Bây giờ mình kỳ kèo giá cả thấy ngại quá. Cho nên, lớp trẻ không hiểu, nói tôi khùng. Có người còn ghét, nói tôi phá giá
Nói chuyện tới đâu, ông dẫn chứng tới đó, lấy đúng y quyển sổ có tư liệu cần thiết. Nhiều quyển ông ép luôn những trang báo đăng bài của ông, có những bài thơ ngộ nghĩnh. Ông minh mẫn lạ lùng, và giọng nói vẫn khỏe mạnh, dù cái dáng đi đã rút lại nhỏ xíu như một cái dấu phẩy. Còn sống với ông đã là một kỳ tích, sau những tai nạn nghề nghiệp. Một lần bị con rắn “diễn viên” sơ suất truyền nọc, ông bất tỉnh đúng 3 ngày 3 đêm, rồi tỉnh dậy nhờ chai nước biển mua từ Nhật Bản, chiết xuất từ ngựa là thứ hóa giải được nọc rắn. Một lần ông bị ngựa đá khi đang diễn, gãy xương sống, giờ vẫn mang 3 đốt sống giả. Lần khác, bạn diễn hăng quá, xô ông té, chấn thương sọ não, phải phẫu thuật khoan 2 lỗ trên sọ. Và trái tim nhỏ bé 7 năm nay phải đeo máy trợ giúp. Ông cười hà hà: “Đeo máy này là kiêng cữ đủ thứ nha! Không được có bạn gái, không vui quá, không buồn quá, không giận hờn sân si. Lại không được đi ra trời mưa vì máy biến thành cột thu lôi. Không gần ti vi vì sóng ti vi sẽ hút hết điện của máy. Điện thoại di động thì để túi bên phải và bên dưới, chỉ nghe nói ngắn gọn, không được “tám”. Không được ăn thịt bò, thịt đỏ...”.

Cánh chim giang hồ

Tính ông thảnh thơi, an lạc vô cùng. 20 năm ở trong ngôi nhà 5B Cao Thắng (quận 3, TP.HCM), ông như một người khổ hạnh. Căn phòng 17 mét vuông, thực chất là cái kho chứa máy phát điện của khu chung cư, nên không có toa-lét. Ông được Nhà nước tạm phân bổ cho căn phòng đó, gọi là “nhà tập thể”, và dường như người ta quên lãng luôn. Tối tăm, ẩm thấp, ồn ào vây quanh. Vậy mà ông tỉnh bơ sống và sáng tác. Ông nói ông thích nhất cái cửa sổ mở ra vỉa hè, có quán cà phê và những con người bụi bặm thường xuyên ghé qua, ngồi nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, và chính đó là chất liệu, vốn sống cho ông đem vào phim, kịch, thơ, nhạc… Ông chẳng thèm đất đai, nhà cửa, cũng không mấy quan tâm tiền bạc. Ai mời đi diễn, ông cứ đi, không bao giờ hỏi giá, họ muốn đưa bao nhiêu thì đưa. Ông bảo: “Hồi tôi học trường điện ảnh ở Hà Nội, một người thầy Liên Xô đã dạy rằng nghệ sĩ không được “bán” nghệ thuật. Bây giờ mình kỳ kèo giá cả thấy ngại quá. Cho nên, lớp trẻ không hiểu, nói tôi khùng. Có người còn ghét, nói tôi phá giá”. Nói tới đây thì nét mặt ông buồn buồn. Dường như thời thế thay đổi, những lý tưởng mà ông tôn thờ đã bị dạt ra, và ông cảm thấy cô đơn ngay trong ngôi nhà nghệ thuật của mình.

Thật sự, ông chỉ biết nghệ thuật là tất cả, đôi khi trở nên lạc lõng giữa cuộc sống đời thường. 4 bà vợ đều ly hôn, và ông nhận trách nhiệm về mình. Ông bảo làm sao phụ nữ sống nổi trong căn nhà nhỏ bé tồi tàn đó, làm sao họ chờ đợi nổi với những lần ông đóng phim đi xa hàng mấy tháng trời liên tiếp. Cánh chim giang hồ bay khắp trời cao đất rộng, luôn có niềm vui, còn người ở lại đối mặt với bốn bức tường cô đơn, họ bỏ ông ra đi là phải.

Nhưng bây giờ ông đã dừng bước ở một căn hộ mới rất xinh đẹp. Nhà nước vừa cho ông thuê căn hộ trong khu chung cư 1AB Cao Thắng, 47 mét vuông, với giá hỗ trợ chỉ hơn 600.000 đồng mỗi tháng, bằng 1/10 giá thị trường. Ông mới dọn nhà hôm 19.5. Và ông không còn được “quyền” cô đơn nữa rồi, bởi vợ và con gái, con rể cùng về sống chung. Ông vui vì nhà sạch sẽ, nhưng buồn vì vắng những người bạn vỉa hè. Chung cư kín cổng cao tường, nhà ai nấy ở, thế nên ông cứ đi thang máy xuống đất tìm ra mấy quán cà phê. Đó mới thật là thế giới của ông. Khi trở lên nhà, ông cũng chỉ có chiếc giường 1 mét để ngả lưng, bên cạnh là cái tủ cũ kỹ nhỏ xíu và một cái vali đựng quần áo. Gia tài đích thực là bấy nhiêu đó. Nhưng căn nhà rộng hơn cũng giúp ông kê được một bàn thờ Phật và bàn thờ cha mẹ khá khang trang.

Ông khoe mới nhận một vai trong bộ phim nhựa của Nhật Bản, đóng hai buổi thôi mà được 1.000 USD. Lâu lâu “trúng mánh” so với 300.000 đồng một phân đoạn của phim Việt Nam. Ông chẳng những tự nuôi thân mình, lại còn giúp được con cháu khi khó khăn.

Niềm ưu tư cuối cùng của ông là được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân trước khi nhắm mắt. Đối với ông, danh hiệu đó không phải là hình thức, mà là niềm hạnh phúc vì được công nhận những nỗ lực phục vụ cho khán giả. 

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.