Nhập siêu tăng mạnh

26/05/2011 00:58 GMT+7

Theo Tổng cục Hải quan, hiện có 5 đối tác thương mại mà VN nhập siêu trên 1 tỉ USD, so cùng kỳ năm ngoái chỉ có 3.

Hiện Trung Quốc vẫn dẫn đầu 10 thị trường mà VN nhập siêu lớn nhất với hơn 4 tỉ USD, gấp 1,36 lần xuất khẩu của VN sang nước này.

 

 Từ 1.6, điện thoại về VN chỉ được nhập qua 3 cảng biển - Ảnh: D.Đ.M

Chóng mặt với hàng Trung Quốc

Trong 4 tháng qua, xuất khẩu VN ước đạt 27,25 tỉ USD, tăng 37,2% và nhập khẩu 32,13 tỉ USD, tăng 30,3%; nhập siêu 4,89 tỉ USD, bằng 17,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nguyên nhân khiến kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh, một mặt do lượng tăng, mặt khác do đơn giá nhập khẩu tăng nhanh và đồng USD bị mất giá so với hầu hết các đồng tiền khác. Nhiều mặt hàng tăng giá rất mạnh như bông tăng 99%; sợi tăng 39,2%; xăng dầu tăng 39,3%; khí đốt hóa lỏng tăng 31,4%; sắt thép tăng 28,3%; lúa mì tăng 39,3%...

 

Thị trường nhập siêu “mới nổi” có Hàn Quốc 2,37 tỉ USD, tăng 24,6%; Đài Loan gần 2,3 tỉ USD, tăng 33%; Thái Lan 1,41 tỉ USD, tăng 18,6%; đặc biệt Singapore 1,38 tỉ USD, tăng gần 141%...

Trong đà tăng giá chung đó, nguồn hàng từ Trung Quốc tăng mạnh nhất về cả lượng và giá trị. Đơn cử như máy móc, thiết bị Trung Quốc chiếm 1,6 tỉ USD, tăng 19,8%; nhập gần 567 triệu USD máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, tăng 20,6%. Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp phân bón cho VN với 367 nghìn tấn, chiếm khoảng 46% tổng lượng phân bón cả nước nhập về. Các DN phải nhập một lượng lớn nguyên phụ liệu dệt may, da giày của Trung Quốc, với 1,25 tỉ USD, tăng 52,7%.

Nhiều món hàng vốn không phải là sản phẩm “nhập khẩu truyền thống” từ Trung Quốc nhưng cũng đóng góp lớn vào kim ngạch nhập khẩu của VN. Chẳng hạn ô tô nguyên chiếc, Trung Quốc xuất qua VN tới 2 nghìn chiếc; xe máy nhập khẩu từ Trung Quốc 4,1 nghìn chiếc, chỉ đứng sau Ý. Sắt thép các loại nhập khẩu vào VN đa phần từ Nhật Bản (633 nghìn tấn), nhưng từ Trung Quốc cũng không thua kém với 511 nghìn tấn.

 

Theo các chuyên gia kinh tế, nhập khẩu gia tăng mạnh trong những tháng đầu năm thể hiện nhiều vấn đề đáng lo ngại. Thứ nhất, sản xuất trong nước đang yếu đi đã tạo cơ hội cho hàng nhập khẩu. Lãi suất cao, các biến động mạnh của chi phí đầu vào thời gian gần đây khiến tổng cung trong nước yếu đi và hàng nhập khẩu ngày càng có sức cạnh tranh. Thứ hai, có dấu hiệu của nhập nguyên liệu, hàng hóa để tích trữ nhằm kiếm lợi trước xu hướng tăng giá. Điều này khiến DN chịu sức ép của rủi ro, bởi nếu tiêu thụ không tốt, DN sẽ thiệt hại nặng. Thứ ba, cơ cấu hàng nhập vẫn không mấy thay đổi, nhập siêu chủ yếu do nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng giá mạnh, còn xuất khẩu lại không tăng tương ứng do hàng hóa của ta xuất khẩu chủ yếu dưới dạng thô.

Nhập hàng có thể sản xuất trong nước

Đáng lo ngại trong cơ cấu hàng nhập siêu hiện nay là có nhiều mặt hàng trong nước sản xuất được nhưng kim ngạch nhập khẩu vẫn ngày càng tăng. Đơn cử như trong 4 tháng qua, VN nhập khẩu 126 triệu USD thủy sản, tăng 124,8% so cùng kỳ; 75 triệu USD rau quả, tăng 95%; dầu mỡ động thực vật 273 triệu USD, tăng 136%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu sản xuất loại này 774 triệu USD, tăng gần 100%; phân bón nhập 453 triệu USD, tăng 107% về lượng và 130% về giá trị; nhập 280 triệu USD cao su, tăng 112% về lượng và 143% giá trị; 1,95 tỉ USD sắt thép, tăng 91% về lượng và 117% giá trị.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, muốn giảm nhập siêu, phải giảm nhập khẩu các mặt hàng máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu. Còn các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ hoặc sản phẩm đã sản xuất trong nước nhập về hay không lại là lựa chọn của DN, bởi nếu có thị trường, thì họ vẫn sẽ nhập khẩu. Bà Lan cho rằng tác động của nhập siêu trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu hiện nay và bị dồn nén trong vài năm qua, dĩ nhiên, sẽ gây ra nhiều hệ lụy nặng nề hơn. “Nhập khẩu để sản xuất sản phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Còn nếu nhập khẩu nhiều trong khi thị trường khó khăn, niềm tin nhà đầu tư không cao, thì sẽ nảy sinh nhân tố rủi ro. Đó là khi hàng hóa không tiêu thụ được, khiến tồn kho nhiều”, bà Lan lo ngại. 

TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội, nói rằng lo lắng nhất hiện nay nằm ở chỗ không phải nhập khẩu cái gì mà nhập khẩu để làm gì. Nhiều mặt hàng VN sản xuất được nhưng vẫn nhập chủ yếu do sản phẩm trong nước kém sức cạnh tranh, về mẫu mã, tiếp thị, đặc biệt hệ thống phân phối; hơn nữa thị trường đã mở cửa. “Đáng quan tâm trong thời gian qua, lãi suất cao càng khiến DN kém sức cạnh tranh hơn và ảnh hưởng lâu dài. Khi đó, khoảng trống cho hàng nhập khẩu sẽ càng được nới rộng và nhập siêu sẽ càng cao”, ông Phong đánh giá.

Theo các chuyên gia kinh tế, chống nhập siêu trước hết phải cải thiện quan hệ thương mại với Trung Quốc, vì gần 90% nhập siêu từ nước này, với sản phẩm nhập khẩu chủ lực là nguyên phụ liệu, máy móc, thiết bị. Do đó, giải pháp căn cơ phải là phát triển công nghiệp phụ trợ chứ không phải các biện pháp thương mại.

 

 (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.