Nhiều ca mắc liên cầu lợn

16/05/2011 17:51 GMT+7

(TNO) Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đang điều trị cho ba ca mắc bệnh liên cầu lợn. Trong khi đó, các bác sĩ cho biết, bệnh thường tập trung cao điểm vào tháng 5, 6, 7.

>> Hai bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn nặng

Bệnh có thể "vào mùa"

Thạc sĩ - bác sĩ Lê Thanh Nhàn, Trưởng khoa Nhiễm C, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết bệnh nhân N.T.B. (57 tuổi, ở Ninh Thuận), nhập viện ngày 4.5 vẫn đang được điều trị tại bệnh viện.

 
Bệnh nhân đang điều trị bệnh liên cầu lợn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - Ảnh: Nguyên Mi

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, sốt, đau đầu và ói. Theo lời khai của bệnh nhân, trước khi có những triệu chứng trên, bệnh nhân có ăn tiết canh heo.

Trong khi đó, Khoa Nhiễm Việt - Anh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cũng hiện có hai bệnh nhân ngụ ở TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu nhập viện với biểu hiện sốt cao, viêm màng não, hôn mê… Bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây ra các triệu chứng trên là do vi khuẩn liên cầu lợn tấn công.

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã tiếp nhận 10 trường hợp nhiễm liên cầu lợn. Theo bác sĩ Hồ Đặng Trung Nghĩa, giảng viên bộ môn nhiễm Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nghiên cứu sinh Khoa Nhiễm Việt - Anh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cao điểm của bệnh thường rơi vào mùa nắng nóng tháng 5, 6, 7. Đặc biệt, ở khu vực miền Trung và miền Bắc, số ca mắc bệnh thường cao; tại khu vực phía Nam, hầu như địa phương nào cũng có ca bệnh liên cầu lợn nhưng số lượng không tập trung.

Mỗi năm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM nhận nhập viện khoảng 30-40 trường hợp mắc liên cầu lợn. Nhưng trong năm 2010, tổng số ca bệnh đã tăng thêm 10 ca.

Ăn thịt heo nấu chín kỹ

Trước thời gian bệnh liên cầu lợn có thể “vào mùa”, thạc sĩ - bác sĩ Lê Thanh Nhàn cảnh báo người dân: bệnh liên cầu lợn là do vi khuẩn ở heo (thường trú ở cổ họng, đường tiêu hóa, đường hô hấp và bộ phận sinh dục heo) xâm nhập cơ thể con người qua các vết thương, trầy xước, lở niêm mạc chân răng… Bệnh có nguy cơ mắc cao ở những người chăn nuôi heo, tiếp xúc với heo như giết mổ hay ăn thịt heo mà không nấu chín kỹ, thường là lòng heo, tiết canh.


Tiếp xúc với heo bệnh là con đường lây nhiễm liên cầu lợn - Ảnh: Nguyên Mi 

Vì vậy, người dân nên giữ vệ sinh sạch sẽ; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với heo bệnh. Người giết mổ, chế biến, mua bán thịt heo phải đeo khẩu trang, găng tay khi làm việc. Người dân nên mua thịt heo có nguồn gốc, kiểm dịch; đặc biệt ăn thịt heo đã nấu chín kỹ.

Bệnh liên cầu lợn có những triệu chứng điển hình của viêm màng não như sốt, nhức đầu, nôn ói, nặng hơn là rối loạn tri giác, trong đó điển hình là điếc.

Người bệnh nên sớm đến bệnh viện khi có các triệu chứng này để được điều trị kịp thời. Vì bệnh liên cầu lợn có thể để lại di chứng nặng nề và gây tử vong nếu không được điều trị sớm.

Nguyên Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.