Đột phá nguồn nhân lực bắt đầu từ chính sách nhân tài

14/05/2011 00:01 GMT+7

TS Nguyễn Văn Thanh (ảnh), Giám đốc Trung tâm Thông tin tư liệu thư viện (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) cho rằng, muốn đột phá về nguồn nhân lực (một trong ba khâu đột phá trong Chiến lược phát triển KTXH 2011 - 2020 được thông qua tại ĐH Đảng XI), đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ, trước hết cần khắc phục tư duy lối mòn và rập khuôn từ lâu đời.

Sự rập khuôn này dẫn tới hạn chế sự sáng tạo trong tất cả các lĩnh vực. Sáng tạo ở đây không phải chỉ là làm khác đi mà là sáng tạo đó phải đem lại hiệu quả cao hơn cách làm thông thường, cách tư duy theo lối mòn và phải lấy hiệu quả tổng hợp (kinh tế, xã hội, môi sinh) làm thước đo kết quả sáng tạo đó. Đặc biệt, phải hướng thanh niên đột phá, sáng tạo vào lĩnh vực khoa học công nghệ then chốt. Phải xác định đâu là điểm Nhà nước cần đột phá để phát động phong trào sáng tạo trong thanh niên về lĩnh vực đó.

 
Ảnh: N.Minh

Để khuyến khích các tài năng, khuyến khích sáng tạo, Nhà nước cần có chính sách ghi nhận những sáng tạo lớn. Chẳng hạn, với các học sinh, sinh viên, những em có khả năng sáng tạo lớn, thay vì bắt buộc thi cử mệt mỏi như vừa qua có thể tuyển thẳng vào trường chuyên, trường đại học, thậm chí đưa ra nước ngoài đào tạo. Với các nhà khoa học, những người có sáng tạo lớn làm lợi cho Nhà nước rất nhiều, nên áp dụng cách thưởng sáng kiến lớn như Mỹ và các nước phát triển đang áp dụng lý thuyết giá trị kỹ thuật (Value Engineering). Ví dụ, công trình này công năng 3 tỉ USD nhưng nhờ sáng tạo của cá nhân, tập thể nào đó, chỉ chi hết 2 tỉ USD, 1 tỉ USD còn lại sẽ chia 50% cho người sáng kiến, 50% là của chủ đầu tư. Ta hiện nay tính giá trị thiết kế theo tổng giá trị công trình mức 5% nên công trình càng vẽ ra hoành tráng bao nhiêu thì 5% của người thiết kế càng lớn bấy nhiêu. Hệ quả là công trình nào cũng hoành tráng nhưng hiệu quả sử dụng rất hạn chế.

Bên cạnh việc hoạch định mô hình phát triển chuẩn hơn cho tương lai theo hướng đón đầu các công nghệ tiên tiến của thời đại thay vì đi sau các nước, rập khuôn theo những gì họ làm, cần  phải có chính sách đầu tư, dịch chuyển nguồn nhân lực, ví như thay vì đầu tư vào nhân lực xây dựng, vận hành nhà máy điện nguyên tử (công nghệ sẽ lạc hậu trong tương lai không xa) thì cần đầu tư nhân lực cho hướng cấu trúc năng lượng tổng hợp sạch trong đó lấy các nhà máy điện nhiệt hạch làm cơ sở. Hoạch định nhân lực chính xác, đi tắt đón đầu thì sẽ tránh được lãng phí vì đầu tư không cần thiết. Cũng phải huy động doanh nghiệp vào đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo phải gắn với địa chỉ sử dụng, để giảm thiểu gánh nặng chi phí đào tạo cho ngân sách nhà nước cũng như gánh nặng chi trả của các hộ gia đình như lâu nay.

Điều quan trọng hơn cả, muốn đột phá nhân lực, đầu tiên cần bắt đầu từ đột phá chính sách nhân tài, bởi đầu tư vào người tài mang lại hiệu quả cao nhất, ví dụ cần có chính sách thưởng hậu cho những người có sáng tạo lớn, thực hiện phân phối theo hiệu quả lao động, thành tích sáng tạo. Đây chính là động lực quan trọng để thu hút được người tài, đột phá nguồn nhân lực.

Bảo Cầm (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.