Ít người chịu tố cáo bán hàng đa cấp bất chính

12/05/2011 18:26 GMT+7

(TNO) Dù đã có quy định khá rõ ràng về quản lý với bán hàng đa cấp nhưng cái khó trong xử lý với các công ty phạm luật là do không có người chịu đứng ra tố cáo, làm chứng.

>> Oằn mình trong cơn “bão” đa cấp - Bài 1: Đi gặp "ngôi sao" thiên niên kỷ
>> Oằn mình trong cơn “bão” đa cấp - Bài 2: Dự hội thảo của "sao đa cấp"

Ông Trần Anh Sơn, Cục phó Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cho biết, theo số liệu thống kê từ các địa phương, có khoảng 40 công ty bán hàng đa cấp (BHĐC) đã được cấp phép và hoạt động trên cả nước, tập trung tại ba địa phương là Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương. 

Việc quản lý với các công ty BHĐC đã được giao về cho Sở Công thương các tỉnh.

Theo thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh, tính từ năm 2008, Cục đã tiến hành điều tra và xử phạt với số tiền trên 2 tỷ đồng đối với những doanh nghiệp đã thực hiện hành vi BHĐC bất chính. 

Trong năm 2010, Sở Công thương Hà Nội phối hợp với các cơ quan như Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm nhiều công ty hoạt động kinh doanh đa cấp sai quy định. 

Các vi phạm chủ yếu là ký hợp đồng với người tham gia không đúng luật, không có giấy phép kinh doanh đa cấp trên địa bàn, không có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm…

Dù đã có quy định khá rõ ràng về quản lý với BHĐC, nhưng theo ông Sơn, cái khó trong xử lý với các công ty phạm luật, là do không có người chịu đứng ra tố cáo, làm chứng.

Sai phạm phổ biến hiện nay của các công ty BHĐC là “ép” người tham gia bằng nhiều hình thức phải mua sản phẩm của công ty với giá đắt. 

Theo quy định của Nghị định 120 về BHĐC, DN sẽ bị phạt từ 50 – 70 triệu đồng nếu vi phạm các hành vi như: yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc để được quyền tham gia mạng lưới, hoặc yêu cầu người tham gia phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu hoặc trả một khoản tiền bất kỳ nào để tham gia khóa học, khóa đào tạo…

Ngoài ra, nhân viên môi giới của các công ty BHĐC thường xuyên quảng cáo sai sự thật với khách hàng về sản phẩm, hay đưa ra lời hứa viển vông về mức lương, thưởng nếu được nhận vào mạng lưới để thuyết phục người tham gia cũng vi phạm quy định của Nghị định 120. 

Nhưng theo ông Sơn, nếu không có bằng chứng hoặc người đứng ra tố cáo, các công ty BHĐC dễ dàng chối tội, cho rằng đấy là trách nhiệm của nhân viên môi giới. 

“Để xử lý, phải có bằng chứng rằng những quảng cáo sai sự thật trên là do công ty quy định, yêu cầu nhân viên này giới thiệu với khách hàng. Có thể qua văn bản (ít công ty BHĐC sử dụng văn bản) hoặc qua ghi âm, nhân chứng”, ông Sơn cho biết.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.