Nâng chất phim truyền hình Việt

05/05/2011 23:34 GMT+7

Sau hàng loạt phản ứng được đăng tải trên các phương tiện truyền thông về sự yếu kém của một số phim truyền hình (PTH) VN gần đây, chiều qua 5.5, Báo Phụ nữ TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm: Giải pháp nâng cao chất lượng phim truyền hình VN.

Cùng với các phóng viên văn hóa nghệ thuật của báo đài tại TP.HCM, buổi tọa đàm còn có sự tham gia của đại diện phía Nam  của Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Phòng Khai thác phim truyện (HTV), các kênh có tham gia sản xuất phim truyền hình, các nhà sản xuất, hãng phim, đạo diễn, biên kịch, diễn viên… Sẽ khó có thể nêu hết thực trạng của PTH VN hiện nay, cũng như nói lên hết những vấn đề cần trao đổi trong khuôn khổ cuộc tọa đàm, song điều mà BTC mong muốn khi thực hiện buổi gặp gỡ này không ngoài mục đích: “góp phần nào vào cuộc giải cứu PTH Việt, đưa việc sản xuất PTH vào quỹ đạo: hàng VN chất lượng cao; bởi đây là vấn đề cần có một lộ trình dài để giải quyết, trong đó cần có sự cộng hưởng của nhiều đơn vị”.

 
Các nghệ sĩ tham gia buổi tọa đàm - Ảnh: P.H.N

Phim dở do đâu?

Cao trào của dư luận về độ “nhảm nhí”, “thảm họa” của PTH Việt có lẽ từ Anh chàng vượt thời gian (đã bị VTV ngưng phát sóng). Vì sao bộ phim tệ như thế lại được phát trong giờ vàng của đài quốc gia, và vì sao nhiều phim khác chưa được duyệt (chỉ mới được duyệt đề cương) đã có sóng trên truyền hình? Ngoài nguyên nhân “có lẽ do có quá nhiều phim, đài không thể kiểm soát, kiểm duyệt kỹ lưỡng”, đạo diễn Lê Cung Bắc còn nhấn mạnh lý do khiến phim thiếu chất, đó là “sự tắc trách trong khâu viết kịch bản”. Bởi, từ đề cương sơ bộ đến kịch bản chi tiết là một quá trình, trong khi đội ngũ viết kịch bản chi tiết không nhất quán, thường được viết theo nhóm. “Người này viết vài tập, người khác triển khai tiếp, chắp nối như thế thì khó có sự nhất quán trong câu chuyện, trong tính cách nhân vật”, ông Lê Cung Bắc nhìn nhận.

“Không chỉ là ý thức, mà còn cần phải nâng cao trách nhiệm thẩm định ban biên tập - hội đồng duyệt các đài truyền hình. Vì một khi đội ngũ này chưa chuyên nghiệp, chưa có người trong nghề - đúng nghề thì làm sao có đủ trình độ biên tập, duyệt xét. Phải chấn chỉnh khâu này trước, sau đó mới bàn tới chuyện bếp núc làm phim” - ông Hữu Vinh, đại diện cơ quan phía Nam của Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử nói.

Khi bàn đến vai trò, trách nhiệm của người diễn viên, có phải vì chạy show quá nhiều nên không đảm bảo, không mang lại hiệu quả tốt cho nhân vật của mình, hầu hết diễn viên (NSƯT Kim Xuân, Hạnh Thúy, Kim Phượng, Khương Ngọc, Vân Trang…) đều cho rằng, diễn viên nào cũng muốn có vai diễn để đời, và khi mình cống hiến tất cả tâm huyết cho một bộ phim thì đều mong nhận được sự quan tâm, đối đãi tương xứng từ nhà sản xuất. Nhưng “thực tế không như vậy”, Khương Ngọc cho biết. Bởi là diễn viên, nói nửa đùa nửa thật như Hạnh Thúy: “trước khi có lương tâm thì chúng tôi phải có lương tháng”, và “dù muốn một năm chỉ làm 2, 3 phim để có thời gian đầu tư cho vai diễn, nhưng rất khó để làm điều đó nếu muốn sống được với nghề”.

Sẽ không còn phim dở, nếu…

Nghệ sĩ Phước Sang, Giám đốc Hãng phim Phước Sang cho biết, có thực tế không biết nên vui hay buồn là hiện nay, các nhà làm phim gặp nhau không hỏi “phim ông hay không” mà thường là “phim thu được bao nhiêu quảng cáo”. Anh cho rằng, không nhà sản xuất nào lại không đau đầu về vấn đề doanh thu. Và “trong tình hình hiện nay, người làm nghề sống được bằng nghề đã là đáng mừng”. Bởi khoan vội cho rằng phim Việt đang sa sút, yếu kém, mà “phải có sự so sánh, hiện có bao nhiêu phim VN đang phát trên các đài, trong số ấy có bao nhiêu phim hay, xem được, mấy phim dở, con số có đáng báo động chưa?”, đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo nói thêm.

Rất nhiều ý kiến được đưa ra, song tựu trung lại đều thuộc về ý thức, lương tâm! Đó là ý thức của từng đơn vị, cá nhân liên quan. Sẽ không có phim dở nếu “đạo diễn biết từ chối kịch bản dở, diễn viên biết từ chối vai diễn dở”, đạo diễn Lê Cung Bắc khẳng định.

Nguyên Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.