Việt Nam làm gì để thoát bẫy thu nhập trung bình?

04/05/2011 01:00 GMT+7

Không thể tăng trưởng chạy theo số lượng, dựa vào vốn vay, nguồn tài trợ ODA... mà quên đi sự bền vững dựa vào năng suất, chất lượng. VN cần thay đổi mạnh mẽ cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và thể chế kinh tế mới có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Đây là một trong những vấn đề chủ đạo được các chuyên gia, nhà kinh tế trong và ngoài nước cùng nhau chia sẻ tại Hội nghị Cấp cao về kinh doanh diễn ra hôm qua (3.5) trong khuôn khổ Hội nghị Thường niên ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á) lần 44 tại Hà Nội.

 

 Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị Cấp cao về kinh doanh  ngày 3.5 - Ảnh: TTXVN

Phải đầu tư vào nhân lực

Chủ trì hội nghị, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết trong giai đoạn phát triển kinh tế từ 2001 đến 2010, ngoài cố gắng và lợi thế từ nguồn tài nguyên, nội lực, VN còn nhận được nhiều sự hỗ trợ từ bên ngoài thông qua các nguồn vốn vay, viện trợ của các tổ chức. Đặc biệt từ năm 1993 đến tháng 3.2011, ADB đã phê duyệt 105 khoản vay trị giá gần 9,4 tỉ USD, một khoản bảo lãnh trị giá 325 triệu USD, 246 dự án (DA) hỗ trợ kỹ thuật tương đương 202 triệu USD... Trong năm 2010, Việt Nam nhận được nguồn vốn ODA kỷ lục gần 8 tỉ USD để tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế xã hội.

Thời gian tới phải đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, nguồn nhân lực để đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nghề ưu tiên. Nếu mục tiêu này không thành công thì không thể đạt được các mục tiêu khác - Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải

Theo Phó thủ tướng, nhờ nguồn lực trên, từ năm 2008 VN đã thoát khỏi nước có thu nhập thấp, bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình - đây là thành tựu nổi bật nhất trong phát triển kinh tế giai đoạn 2001-2010, tốc độ tăng trưởng bình quân 7,2%/năm. Tuy nhiên, bất cập lớn của nền kinh tế là chất lượng tăng trưởng không cao, năng suất thấp, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu, các cân đối vĩ mô chưa vững chắc, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng trở thành điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Bên cạnh đó, những thách thức thu hẹp dần về khoảng cách và trình độ phát triển so với các nước trong khu vực đang được ra, đặc biệt là thách thức vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Giáo sư Kenichi Ohno - Đại học Nghiên cứu chính sách của Nhật Bản - cho biết, bẫy thu nhập trung bình xảy ra khi một nước bị mắc kẹt tại mức thu nhập đạt được nhờ có nguồn tài nguyên và những lợi thế ban đầu. Sau đó, các quốc gia này không vượt qua được ngưỡng đó. Vì vậy, theo ông Kenichi Ohno, tăng trưởng không thể dựa mãi vào FDI, ODA, tài nguyên thiên nhiên, các dự án lớn, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản… Nguồn lực thực sự cho tăng trưởng phải là giá trị do người dân và doanh nghiệp trong nước tạo ra.

Kiểm soát lạm phát xấp xỉ 11,75%

Bàn về mục tiêu kiểm soát lạm phát 7% đã thất bại và chính sách kiểm soát lạm phát trong thời gian còn lại, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết hiện tại Chính phủ chưa điều chỉnh mục tiêu kiểm soát lạm phát. Nguyên nhân vỡ mục tiêu do tại thời điểm đặt ra chỉ tiêu trên, nền kinh tế thế giới chưa xuất hiện các nhân tố khó lượng như giá cả tăng cao, bất ổn chính trị Trung Đông và Bắc Phi, thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản...

Còn theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc, mục tiêu hàng đầu của Chính phủ hiện nay vẫn là chống lạm phát. Hiện mới là tháng 4.2011, nhưng chỉ số CPI tăng 9,64%, năm nay Chính phủ phấn đấu chỉ số lạm phát xấp xỉ năm 2010 (vào khoảng 11,75%). "Dĩ nhiên, 8 tháng còn lại rất căng thẳng, Chính phủ phải có nhiều nỗ lực mới có thể đạt được mục tiêu này” - Bộ trưởng Phúc cho biết.

Trước kiến nghị của các chuyên gia, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải thẳng thắn cho biết điểm yếu của VN hiện tại là thiếu lao động có kỹ năng, có năng suất, hiệu quả, và thiếu cả lực lượng quản lý. "Vì vậy thời gian tới phải đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, nguồn nhân lực để đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nghề ưu tiên. Nếu mục tiêu này không thành công thì không thể đạt được các mục tiêu khác" - Phó thủ tướng khẳng định.

Không chạy theo tăng trưởng

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết không thể mãi trông chờ vào các nguồn vốn viện trợ, vốn vay... khi đã bước vào các nước có thu nhập trung bình. Vì vậy, nền kinh tế đã và sẽ tiếp tục tạo ra nhiều hình thức đầu tư mới, bước đầu có kết quả như BOT, PPP... phối hợp công - tư, giữa Nhà nước và tư nhân.

Ngoài những thay đổi trên, theo ông Wiliam Pesek - Tổng giám đốc Bloomberg tại VN, việc hoàn thiện thể chế tài chính, thông qua hình thành phát triển thị trường vốn đóng vai trò quan trọng để đưa nền kinh tế phát triển, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Trong những năm qua tăng trưởng VN khá cao, nhưng nền kinh tế chủ yếu dựa vào nguồn vốn đầu tư từ ngân hàng, trong khi các kênh khác trên thị trường vốn như chứng khoán, trái phiếu còn chậm phát triển. Tăng trưởng tín dụng tại các quốc gia thường chỉ bằng 0,6-0,7 lần GDP nhưng tại VN con số này đã là 1,2 lần GDP, cần phải giảm xuống và tái cấu trúc lại thị trường vốn, tiền tệ.

 Ghi nhận đề xuất trên, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh nói:  "Sẽ tập trung cấu trúc lại nền kinh tế, đặt ra chiến lược sử dụng nguồn lực tài chính, trong đó nguồn lực trong nước với mục tiêu huy động từ trong nước thông qua chính sách thuế, mở rộng diện huy động. Sử dụng chiến lược nợ công bền vững, hạn chế sử dụng vay kém ưu đãi, vay thương mại cho đầu tư vào hạ tầng, lựa chọn các DA đầu tư có hiệu quả".

Biến đổi khí hậu đe dọa an ninh lương thực và nguồn nước

Biến đổi khí hậu sẽ tạo ra những thách thức chưa từng thấy tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong những năm tới, làm gia tăng thêm những áp lực đang tồn tại lên nguồn nước và lương thực, các thảm họa thời tiết. Đây là thông điệp được nhấn mạnh tại hội thảo “Rủi ro biến đổi khí hậu và khả năng ứng phó: bảo đảm tương lai khu vực”, hoạt động diễn ra hôm qua 3.5 trong chương trình nghị sự của Hội nghị Thường niên lần thứ 44 của ADB.

Theo ADB, ước tính giá lương thực trong nước tại các quốc gia đang phát triển thuộc châu Á tăng khoảng 10%. Giá cả gia tăng có thể đẩy thêm 64 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực. Lạm phát lương thực trong nước tại nhiều quốc gia ở châu Á là khoảng 10% trong đầu năm 2011. 

Hội thảo cũng ghi nhận rằng nhiều quốc gia châu Á đã bắt đầu phải đối mặt với nạn thiếu nước thường xuyên. Vào năm 2030, nhu cầu về nước ở châu Á sẽ cao hơn mức cung tới 40%. Do gần 80% nguồn nước của khu vực được dành cho sản xuất nông nghiệp, bởi vậy việc thiếu nước sẽ góp phần tạo ra sự thiếu hụt về lương thực.

Nguyên Phong

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.