Rác chờ phân loại

24/04/2011 00:07 GMT+7

Từ năm 2004, TP.HCM đã thực hiện thí điểm chương trình phân loại chất thải rắn (CTR) tại nguồn đối với 6 quận - huyện là Q.1, 4, 5, 6, 10 và H.Củ Chi. Theo đó, mỗi hộ gia đình tham gia chương trình này đều có 2 thùng đựng rác: một thùng đựng rác hữu cơ chủ yếu thực phẩm bỏ ra từ nhà bếp và một thùng đựng rác vô cơ.

Việc này đã được các hộ dân trong khuôn khổ chương trình hưởng ứng và thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, các đơn vị khi thu gom rác đã gom chung tất cả các loại rác vào cùng một xe do chưa có phương tiện chở rác 2 ngăn và thời điểm đó cũng chưa có nhà máy phân loại tái chế rác và sản xuất phân compost như bây giờ, khiến cho chương trình thí điểm không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Mới rục rịch triển khai

Phân loại CTR theo quy định của Chính phủ phải được kiểm soát, phân loại ngay tại nguồn và phải được lưu giữ trong các túi hoặc thùng được phân biệt bằng màu sắc theo quy định. Các CTR nguy hại phải được phân loại tại nguồn và lưu giữ riêng theo quy định, không được để lẫn CTR thông thường. Nếu để lẫn CTR nguy hại vào CTR thông thường thì hỗn hợp CTR đó phải được xử lý như CTR nguy hại.

 
Rác hữu cơ, vô cơ đều cho vào cùng một xe - Ảnh: Diệp Đức Minh

Để chương trình phân loại CTR tại nguồn có thể mang lại thành công, theo ông David Dương (Tổng giám đốc VWS) có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước. Như ở Mỹ, luật quy định mỗi nhà phải có 2 thùng rác, phân loại rác hữu cơ riêng và rác vô cơ riêng. Nếu để lẫn lộn, hộ đó sẽ bị phạt tiền và đơn vị thu gom rác sẽ từ chối nhận rác từ các thùng để rác lẫn lộn đó. Những hộ thực hiện nghiêm túc và giao rác đủ 2 thùng sẽ được giảm 50% tiền rác hằng tháng như là tiền trả công cho người phân loại. Trường hợp hộ chỉ giao cho đơn vị thu gom 1 thùng rác hữu cơ hoặc vô cơ, sẽ không được giảm 50% tiền rác.

Tại Philippines, một nước có mức phát triển tương đương VN, việc bảo vệ môi trường và ý thức của người dân cũng rất cao. Các điểm đổ rác ở cửa hàng, quán ăn hay trụ sở, văn phòng công ty đều được bố trí 3 thùng rác với màu sắc khác nhau để phân loại rác. Chỉ cần nhìn vào màu sắc là người vứt rác có thể phân biệt được nên bỏ rác vào thùng nào. Tại Nhật Bản, rác trong gia đình được chia thành sáu loại chủ yếu: rác đốt được; rác không đốt được; rác tài nguyên; rác có hại; rác lớn cồng kềnh và rác không thể thu gom. Rác đốt được (các món ăn nấu vụn, cơm thừa, vỏ trái cây, tã giấy…) được quy định khá nghiêm ngặt, như: rác nhà bếp phải được vắt hết nước rồi dùng giấy báo gói lại; gỗ vụn, cành cây phải được cắt ngắn nhỏ, rồi dùng dây cột lại trước khi bỏ đi. Rác tài nguyên (các loại giấy, lon rỗng, chai lọ...) cũng phải được xếp gọn gàng hoặc rửa sạch trước đã. Vật độc hại (pin, bóng đèn huỳnh quang) hay nguy hiểm (thủy tinh) thì phải gói lại bằng giấy báo và ghi chú rõ bên ngoài.

TP.HCM đang trong quá trình tổ chức và thực hiện phân loại CTR tại nguồn trên phạm vi toàn TP. Để triển khai thực hiện chương trình này, TP sẽ ban hành quyết định với những quy định về yêu cầu kỹ thuật từ việc phân loại CTR tại từng hộ gia đình đến việc thu gom và vận chuyển CTR sinh hoạt sau khi được phân loại.

Nhà máy chờ rác

Hiện nay, bình quân mỗi ngày TP.HCM thải ra khoảng 6.000 tấn rác. Lượng rác này được chia đều cho 2 khu liên hợp xử lý CTR là Đa Phước (H.Bình Chánh) và Phước Hiệp (H.Củ Chi). Do chưa có phân loại CTR tại nguồn, nên phần lớn lượng rác thải hiện nay của TP đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp.

Nhà máy liên hợp xử lý và tái chế chất thải Vietstar tại H.Củ Chi đã khánh thành và đi vào hoạt động từ cuối năm 2009, với công suất tiếp nhận 600 tấn rác/ngày, nếu vận hành đủ, công suất của nhà máy này lên đến 1.200 tấn rác ngày. Nhà máy thực hiện phân loại và xử lý sơ bộ rác đầu vào; sản xuất phân compost từ rác hữu cơ và tái chế nhựa phế thải thành hạt nhựa HDPE. Các loại rác trơ không tái chế được sẽ đưa đi chôn lấp.

 
TP.HCM đang chuẩn bị triển khai phân loại rác tại nguồn trên toàn TP - Ảnh: Diệp Đức Minh

Công ty TNHH xử lý CTR VN (VWS) đã đầu tư trên 100 triệu USD để xây dựng và vận hành Khu liên hợp xử lý CTR Đa Phước với các nhà máy phân loại rác tái chế và sản xuất phân compost. Tại khu liên hợp này, VWS đã xây dựng nhà máy phân loại rác tái chế công suất 500 tấn/ngày, đang đợi CTR phân loại tại nguồn của TP giao đến để các chuyên gia nước ngoài vận hành chạy thử và đưa vào hoạt động.

VWS cho rằng, việc TP chậm giao CRT tái chế được phân loại tại nguồn làm tổn thất lớn cho VWS trong việc đầu tư vào nhà máy và bị thất thu trong việc không bán được nguyên liệu chất thải tái chế sau khi phân loại.

Trong khi đó, nhà máy sản xuất phân compost của VWS công suất tiếp nhận 1.000 tấn rác/ngày cũng chỉ vận hành cầm chừng do chưa có rác hữu cơ. VWS đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP giao lượng rác này để công ty tiến hành việc sản xuất phân compost. Trong văn bản gửi VWS ngày 15.4.2011, Sở TN-MT TP.HCM cho biết, đã triển khai phân loại CTR tại nguồn ở chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền, trong đó ưu tiên chuyển giao các nguồn phát sinh chất thải hữu cơ cho các đơn vị xử lý chất thải thành phân compost. Sở TN-MT đề nghị VWS từ ngày 15.4.2011 tiếp nhận lượng CTR hữu cơ được phân loại do Công ty TNHH một thành viên dịch vụ công ích H.Bình Chánh thu gom và vận chuyển đến Khu liên hợp xử lý CTR Đa Phước. Tuy nhiên, theo bà Huỳnh Thị Lan Phương (Phó tổng giám đốc VWS), hiện nay công ty chưa tiếp nhận được lượng CTR hữu cơ nào từ Công ty TNHH một thành viên dịch vụ công ích H.Bình Chánh. Trong thời gian qua, VWS tự phân loại, thấy những xe rác nào chở CTR có nhiều rác hữu cơ thì mang đi sản xuất phân compost.

Theo Sở TN-MT, chương trình phân loại CTR tại nguồn ở chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền được triển khai chính thức từ đầu tháng 5.2011 và Công ty TNHH một thành viên dịch vụ công ích H.Bình Chánh sẽ có thêm lượng CTR hữu cơ đã được phân loại lên Khu liên hợp xử lý CTR Đa Phước. Đối với CTR vô cơ, Sở TN-MT đề nghị VWS phân loại và chuyển giao cho các đơn vị tái chế phù hợp với từng loại chất thải. Những chất thải còn lại được chôn lấp hợp vệ sinh.

M.Vọng - Q.Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.