Phố núi cạn nước sinh hoạt

21/04/2011 00:31 GMT+7

Người dân TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đang lao đao vì thiếu nước sinh hoạt. Dù cố gắng hết sức, công suất cấp nước cho đô thị này chỉ đạt được 60-70%.

Ngày có, ngày không

Lịch cúp nước ở Buôn Ma Thuột đang được người dân hết sức quan tâm, bởi mỗi ngày cúp mỗi địa bàn khác nhau, cúp theo ngày chẵn, ngày lẻ..., phải theo dõi để trữ nước và “kiêng khem” nước. Anh Lê Văn Nguyên ở cuối đường Quang Trung kể khổ: “Nhà tôi đông người mà bồn chứa nước lại ít nên khi cúp là phải sơ tán tìm nơi có nước để tắm giặt, nước trong nhà chỉ để dành ăn uống”. Anh cho biết nhiều gia đình ở khu vực cuối nguồn như nhà anh đều chung cảnh ngộ do ngày nào có nước máy thì chỉ chảy nhỏ giọt, vì ở đầu nguồn mọi nhà đều mở vòi trữ nước. Một cơ quan cấp sở trên đường Phan Bội Châu cũng lâm cảnh “bứt rứt” vì thiếu nước sinh hoạt. Cả cơ quan chỉ có một bể chứa 1m3 nước nên dùng rất nhanh hết, trong khi nước cúp thường xuyên nên có ngày không đủ cho nhu cầu tối thiểu của nhà vệ sinh cơ quan.

 

 Bể thu nước mạch lộ ở trạm bơm Ea Kôtam cạn kiệt - Ảnh: T.N.Q

Từ ngày 15.4.2011, Công ty cấp nước và đầu tư xây dựng Đắk Lắk thông báo cúp nước luân phiên trên địa bàn Buôn Ma Thuột, một ngày có nước, một ngày không. Nhiều khu vực bị cúp nước hơn 3 ngày trong một tuần, sinh hoạt người dân gần như bị đảo lộn vì thiếu nước.

Công ty cấp nước và đầu tư xây dựng Đắk Lắk lập dự án khai thác nước sông Sêrêpốk tại điểm Quỳnh Ngọc, H.Krông Ana, cách Buôn Ma Thuột 20 km với vốn đầu tư 24 triệu USD. Nếu được phê duyệt trong năm nay thì dự án cần thêm 3 năm nữa để thi công và cung cấp bổ sung 35.000 m3/ngày đêm cho nguồn nước sinh hoạt của Buôn Ma Thuột.

Cạn nguồn cung

Khác với nhiều đô thị, Buôn Ma Thuột không có dòng sông nào chảy qua. Nước sinh hoạt cung cấp cho gần nửa triệu dân phố núi này trông chờ vào nguồn nước ngầm từ 27 giếng khoan và 3 trạm bơm nước mạch xuất lộ ở vùng ngoại ô. Ở trạm Ea Kôtam, xã Hòa Đông, H.Krông Pắk, hiện chỉ có một máy bơm đang hoạt động. Ông Nguyễn Viết Lợi, trưởng trạm bơm, cho biết: “Bình thường trạm dùng đến 4 máy bơm, công suất tối đa 12.000 m3/ngày đêm, nay chỉ còn khoảng 4.500 m3/ngày đêm. Do năm ngoái lượng mưa thấp, năm nay lại hạn nặng nên nước ngầm chảy ra từ mạch lộ này ít hơn mọi năm. Hơn nữa, trong phạm vi bán kính 10 km quanh trạm bơm chỉ toàn là cà phê, không còn rừng nên khả năng giữ nước trong đất càng giảm”.

Ở hai trạm bơm Cư Pul và Ea Msen cũng trong tình trạng tương tự, chỉ bơm được từ
40-50% công suất thiết kế. Ông Trần Văn Thiện, Giám đốc Công ty cấp nước và đầu tư xây dựng Đắk Lắk, cho biết: ở 27 giếng khoan, công suất bơm cũng chỉ đạt dưới 70%. Tính chung, khối lượng nước cung cấp của doanh nghiệp này chỉ được khoảng 36.000 m3/ngày đêm, trong khi nhu cầu của cả TP Buôn Ma Thuột là 50.000 m3/ngày đêm.

Theo ông Thiện, nhu cầu nước sinh hoạt ở đô thị Buôn Ma Thuột tăng mỗi năm từ 15-20%, trong khi nguồn nước ngầm lại tụt giảm, không thể khai thác hơn nữa đã khiến doanh nghiệp cấp nước “hụt hơi”. Hiện doanh nghiệp đã trình UBND tỉnh Đắk Lắk phương án bổ sung nguồn nước mặt từ hai hồ thủy lợi Ea Nhái (H.Krông Pắk) và Ea Chu Cáp (Buôn Ma Thuột) để giảm áp lực thiếu nước sinh hoạt; nhưng phải chi phí 70 tỉ đồng và 6 tháng thi công mới có thể đưa được nước từ hai hồ này về thành phố.

Trần Ngọc Quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.