Giàu như hải tặc Somalia

18/04/2011 23:59 GMT+7

Tội phạm trên biển đang bành trướng bất chấp nỗ lực kiểm soát của cộng đồng thế giới do lợi nhuận khổng lồ của “nghề” này.

Chưa bao giờ hải tặc kiếm được nhiều tiền đến vậy. Báo Independent hôm qua dẫn báo cáo mới nhất của hãng tư vấn quản lý quốc tế Geopolicity cho thấy bình quân mỗi tên cướp biển hoạt động ngoài khơi Somalia bỏ túi gần 80.000 USD trong năm 2010, gấp 160 lần thu nhập trung bình tại quốc gia Đông Phi này là 500 USD/người/năm. Nếu so sánh thì 2 nước dẫn đầu thế giới về thu nhập bình quân đầu người vào năm ngoái là Qatar và Luxembourg lần lượt ở mức 88.559 USD và 81.383 USD, theo thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế. Thu nhập bình quân đầu người của Mỹ vào năm 2010 chỉ ở mức 48.821 USD.

 
Bóng ma cướp biển Somalia ám ảnh trên khắp các đại dương - Ảnh: AFP

Siêu lợi nhuận

Cướp biển là một phần trong đường dây tội phạm phức tạp, được phân cấp từ những kẻ hỗ trợ tài chính đến bộ phận kế toán và bọn buôn lậu vũ khí. Thực tế cho thấy hải tặc Somalia không chỉ là những tên chuyên xách súng nã lung tung mà còn là bộ phận cấu thành của mô hình kinh doanh đang nở rộ với những mắt xích tinh vi. Đài truyền hình CNN-IBN của Ấn Độ đã cất công điều tra bộ máy đằng sau nạn cướp biển tại Somalia. Theo đó, những thành viên lớn tuổi trong gia đình hải tặc đóng vai trò là bộ não chỉ huy, hay nói cách khác là “hội đồng bô lão”. Vai trò của họ là điều đình cũng như móc nối hoạt động với thế giới bên ngoài. Kẻ cầm đầu băng nhóm vũ trang trực tiếp ra tay, được gọi là tư lệnh, sẽ chịu trách nhiệm lên kế hoạch hành động. Tư lệnh sẽ quyết định mục tiêu dựa trên kiểu dáng tàu thuyền và hàng hóa, cũng như chủ sở hữu và cảng xuất phát. Tất cả những thông tin này đều được tay trong cấp báo từ hệ thống cảng toàn cầu. Do vai trò quan trọng như vậy nên tư lệnh được bảo vệ hết sức kỹ lưỡng, với đội an ninh hàng chục thành viên. Nhóm này cũng đảm nhiệm luôn việc cung cấp tàu mẹ đưa rước hải tặc đến đúng mục tiêu đã định.

CNN-IBN dẫn lời chuyên gia S.Venkiteswaran của Công ty môi giới hàng hải Senior International Maritime Advocate cho biết, 50% tiền chuộc sẽ được chuyển cho “nhà đầu tư”, 30% thuộc về tư lệnh và tên này chịu trách nhiệm chia cho thủy thủ đoàn của tàu mẹ và đội tấn công, hội đồng bô lão nhận được 10% và đội bảo vệ tư lệnh được 10% còn lại.

Ngày càng khát máu

Thiệt hại khủng khiếp

Cướp biển Somalia có doanh thu 238 triệu USD trong năm ngoái và ước tính con số này sẽ tăng đến 400 triệu USD vào năm 2015. Trong khi đó, thế giới đối mặt với thiệt hại tăng gấp đôi, từ 8,3 tỉ USD vào năm 2010 lên đến hơn 15 tỉ USD vào năm 2015. Sự tăng trưởng liên tục của “nghề” cướp biển thể hiện qua số lượng thành viên của các băng đảng được vũ trang tận răng. Hiện có ít nhất 1.500 tên đầu quân cho các băng đảng cướp biển, tăng khoảng 400 tên/năm.

Bọn hải tặc Somalia đang trở nên khát máu hơn, liều lĩnh hơn trong vài tháng gần đây. Không chỉ mở rộng phạm vi hoạt động ra khỏi vùng biển vịnh Aden, chúng liên tục sát hại con tin cũng như tăng cường cướp bóc, nhất là sau khi hải quân một số nước quyết định dùng vũ lực triệt hạ hải tặc và giải cứu con tin.

Tờ Times of India dẫn lời giới chuyên gia cho hay mức độ bạo lực và dã man của bọn cướp biển ngày càng tăng trong 6 tháng qua. Mới nhất là vụ một nhóm thủy thủ Ấn Độ bị lột trần truồng và đẩy vào phòng lạnh có nhiệt độ -160C. Bọn hải tặc làm vậy để trả đũa việc Hải quân Ấn Độ đã truy đuổi đồng bọn của chúng, phá được 29 âm mưu tấn công tàu thuyền và vô hiệu hóa 3 tàu mẹ của hải tặc tính từ tháng 10.2008 đến nay. Hải tặc Somalia còn đang giam giữ 7 thủy thủ của tàu MV Asphalt Venture của Ấn Độ, bị bắt từ tháng 9.2010, dù đã nhận được một số tiền chuộc không được tiết lộ. Hãng tin IANS dẫn lời các chuyên gia cho rằng bọn chúng muốn gây áp lực buộc chính quyền Ấn Độ thả 120 tên đồng bọn đang bị giam giữ. Một số nguồn tin từ Hải quân Ấn hôm qua cho hay, một tàu chiến lớp Talwar đã được gửi đến vùng biển Somalia để chuẩn bị tấn công giải cứu con tin.

Nạn cướp biển đã tăng mạnh trong 5 năm qua, từ 276 vụ vào năm 2005 lên đến 445 vụ vào năm 2010. Những vụ tấn công trong quý đầu năm 2011 cũng đạt “kỷ lục” cao nhất từ trước đến nay, theo thống kê của Cục Hàng hải quốc tế. Tổng cộng có 142 vụ diễn ra từ tháng 1 đến tháng 3, trong đó 97 vụ ngoài khơi bờ biển Somalia, cao hơn 35 vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Bọn cướp biển đang giữ trong tay 18 tàu trên toàn thế giới, khống chế hơn 340 con tin và giết chết 7 người cũng như làm bị thương 34 người khác. Trước tình hình trên, các liên đoàn hàng hải đe dọa sẽ tẩy chay một số tuyến đường chính hoặc buộc phải trang bị vũ khí cho các tàu thuyền để chống lại cướp biển.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.