Làng lâm tặc trả nợ rừng

15/04/2011 19:27 GMT+7

(TNTS) Cả làng ấy đã từng tàn phá hàng ngàn héc-ta rừng và sản sinh ra những "lâm tặc" khét tiếng chốn rừng xanh. Thế nhưng bây giờ chính họ lại trở thành những người bảo vệ rừng mẫu mực, góp phần mang lại ấm no cho làng.

Ngôi làng này được mang tên: thôn kinh tế mới (KTM) Châu Sơn, thuộc xã Lạc Xuân, huyện Đơn (Lâm Đồng) - nơi giáp ranh với huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận). Thôn được hình thành từ năm 1977 với trên dưới 450 nhân khẩu và nhanh chóng trở thành lãnh địa hãi hùng đối với những người giữ rừng ở xã và huyện này lúc bấy giờ.

 
Người dân thôn KTM Châu Sơn thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng - Ảnh: Hồ Thanh Bình 

Ký ức kinh hoàng về tàn sát rừng

Đã hơn 15 năm kể từ ngày xa rời tên gọi "lâm tặc", nhưng những người dân ở thôn KTM Châu Sơn này vẫn chưa thoát khỏi những ám ảnh trong ký ức về sự tàn phá, tiêu diệt rừng của dân làng mình trong suốt 20 năm dài trước đó. Trưởng thôn KTM Châu Sơn, ông Phan Ngọc Sơn kể lại: Sau khi lập làng, đất đai để sản xuất không đủ, khoa học kỹ thuật không có, không một ai trong làng có hiểu biết gì về nông nghiệp và cũng chẳng có nhận thức gì về sản xuất cả. Trên vùng đất "nắng không ưa, mưa không chịu" này, bà con chỉ biết trồng cây bắp và lúa nước, nhưng lúa thì chết khô, bắp chỉ lên được một vài gang tay… Thu nhập đã không có, mà đau ốm, bệnh tật lại hoành hành liên tục, đời sống bà con rơi vào cảnh đói khổ, khốn cùng và chỉ biết "làm qua ngày, chờ qua đời". Trước tình cảnh đó, bà con trong làng bỏ ruộng vườn, lũ lượt "túa" vào rừng để kiếm sống. Ban đầu họ chỉ săn bắt thú và chặt củi, xẻ gỗ, rồi dần dần chuyển sang đốt than. Chính vì sự đốt than này đã làm cho nhiều cánh rừng quanh Châu Sơn bị triệt hạ khi mỗi ngày có đến hàng trăm người tham gia phá rừng đốt than.

Với dáng người cao cao, hơi gầy và nước da sậm màu, ăn nói hiền lành, chẳng ai ngờ người đảng viên và là trưởng thôn Phan Ngọc Sơn (51 tuổi) bây giờ lại là một tay "sát thủ rừng già" của mấy mươi năm trước. Khi ấy, Sơn còn có biệt danh khét tiếng "đại úy lâm tặc" với thành tích bất hảo về sự phá rừng và đuổi đánh kiểm lâm. Cùng cái búa có lưỡi nặng gần 3 kg, cán dài 1,2m, Sơn đã đốn hạ những cây rừng cỡ bự có đường kính 4 người ôm rồi chặt ra từng bi gỗ và cho vào hầm đốt than. Hầm than của Sơn cũng thuộc dạng "số dách" với chiều sâu 3m, ngang rộng 2m và dài tới 25m, khi đốt xong hầm than phải gánh than về bán trong suốt 6 tháng trời mới hết một hầm. "Lực lượng giữ rừng cứ phục bắt mình mãi nhưng không bắt được và cũng vì "thành tích" phá rừng ấy mà họ phong cho mình là đại úy lâm tặc đấy" - Phan Ngọc Sơn nhớ lại. Không chỉ có Sơn "đại úy lâm tặc", làng này còn xuất hiện những tay phá rừng khét tiếng với những biệt danh như: Hùng "đại ca", Hải "xanh", "Mác Xim", Phương "kiện tướng"…

 
Phan Ngọc Sơn với chiếc búa "kỷ vật" tàn sát rừng - Ảnh: Hồ Thanh Bình

"Đói ăn vụng, túng làm liều", dù một gánh than chỉ đổi được 2 kg bắp nhưng dân làng cũng phải đi phá rừng, bởi với họ nếu không phá thì lấy gì mà sống. Thôn KTM Châu Sơn lúc bấy giờ người người đi phá rừng, nhà nhà đều phá rừng. Người lớn thì đốt than, xẻ gỗ, phụ nữ và trẻ em thì mót than, chặt củi... Quang cảnh trong rừng như một nhà máy sản xuất với chi chít hầm than, khói bụi ngút ngàn. Cây lớn, cây bé đều bị chặt phá và hàng ngàn hec-ta rừng nhanh chóng bị tàn phá, trong đó có cả một tiểu khu 317 bị tiêu diệt trắng. "Bình quân mỗi ngày có khoảng 1 ha rừng bị chặt phá, như vậy trong suốt 20 năm, thử nghĩ có bao nhiêu diện tích rừng bị triệt hạ?" - Sơn "đại úy lâm tặc" cho biết. Người dân ở đây đi phá rừng không phải để làm giàu mà là vì miếng ăn hằng ngày nên khi bị lực lượng kiểm lâm, chủ rừng truy quét, họ chống đối rất quyết liệt. Khi ấy chỉ cần thấy bóng dáng kiểm lâm hay chủ rừng xuất hiện ở làng là Sơn liền huy động dân làng vác cây đuổi đánh. Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Đơn Dương, ông Phạm Hiển nhớ lại: "Khi đó, chúng tôi không dám đi vào hoặc thậm chí đi ngang qua thôn KTM Châu Sơn đâu. Muốn vào kiểm tra rừng cũng phải đi vòng đường khác chứ không dám ngang qua đó". Máu của đôi bên đều đã đổ xuống nhưng vẫn không ngăn được máu rừng ngày đêm vẫn chảy. Mãi cho đến một ngày…

"Cổ tích" ở vùng núi Diom

Chẳng ai có thể nghĩ được rằng, chuyện phá rừng ở vùng rừng núi Diom - quanh thôn KTM Châu Sơn có ngày được chấm dứt, bởi lực lượng kiểm lâm, chủ rừng đã tìm đủ mọi cách, ban ngày thì lên rừng truy quét, ban đêm lập chốt chặn bắt than nhưng vẫn không thể nào giữ được rừng. Vậy mà bất ngờ xuất hiện một sự "lột xác" đến khó tin. Năm 1995, khi có chủ trương giao khoán bảo vệ rừng cho dân, Lâm trường Đơn Dương (đơn vị chủ rừng) đã mạo hiểm chọn thôn KTM này làm nơi thí điểm. Ông Võ Minh Thâm - Phó giám đốc Ban quản lý Khu du lịch Đankia Suối Vàng, nguyên Giám đốc Lâm trường Đơn Dương (đơn vị chủ rừng) cho hay: "Việc chúng tôi chọn thôn KTM này làm thí điểm giao rừng đã bị Hạt Kiểm lâm phản đối, thậm chí còn bị "kết tội" là bắt tay với những người phá rừng. Chúng tôi phải đấu tranh mãi mới giao được rừng cho dân ở đây". Không chỉ vậy, đích thân ông Thâm (Giám đốc Lâm trường Đơn Dương lúc bấy giờ) đã nhiều lần tìm đến nhà Sơn "đại úy lâm tặc" để động viên tuyên truyền. "Mưa dầm thấm đất", Phan Ngọc Sơn đã ngộ ra được việc làm sai trái của mình cũng như của bà con dân làng. Nhớ lại những trận hạn hán triền miên và những cơn lũ điên cuồng trút xuống đầu dân làng, tàn phá mùa màng, Sơn dần biết được giá trị của rừng nên đã "quay đầu" và vận động những "chiến hữu", anh em, mọi người từ bỏ nghề ăn rừng. "Vận động khó lắm, bởi từ bỏ rừng cũng là tước bỏ nồi cơm. Nhưng nếu cứ phá rừng thì hậu quả chính mình phải nhận trước, hơn nữa đời sống sẽ không ổn định, không bền vững được. Vận động lâu ngày dân làng cũng nhận thức được giá trị của rừng" - Phan Ngọc Sơn cho hay.

Khoảng 1.000 ha rừng tại các tiểu khu 317, 318, 319 được Lâm trường Đơn Dương giao cho thôn KTM Châu Sơn quản lý bảo vệ. 43 hộ gia đình "lâm tặc" đầu tiên trong thôn đứng ra nhận khoán bảo vệ. Sơn "đại úy lâm tặc" ngày nào được giao nhiệm vụ Đội trưởng Đội quản lý bảo vệ rừng của thôn. Một quy ước về bảo vệ rừng được xây dựng cho cả đội và sau này là quy ước chung cho cả thôn (cũng là Quy ước bảo vệ rừng đầu tiên của cả huyện). Dù thù lao ban đầu chỉ 20.000 - 30.000 đồng/ha/năm rồi sau đó là 50.000 đồng/ha/năm, số tiền chẳng đủ ăn nhưng bà con đã ý thức được vấn đề nên tham gia giữ rừng và gùi, gánh cây lên trồng lại rừng mà năm xưa dân làng đã phá. Cùng với việc giao rừng, các chính sách về khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ vay vốn cũng đến với bà con thôn này nên đời sống ngày một cải thiện. Thật bất ngờ, năm 2000, chỉ 5 năm sau nhận khoán bảo vệ rừng, toàn bộ dân làng thôn KTM Châu Sơn đã không còn đi phá rừng và những cánh rừng ở đây đã dần được tái sinh.  Từ những tay "lâm tặc" họ trở thành người giữ rừng và trở lại đối đầu với nhưng tên "lâm tặc" mới.

Rừng ở thôn KTM Châu Sơn kéo dài đến khu vực Ya Hoa, giáp ranh với Ma Nới (huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) với nhiều cây gỗ quý, nên việc bảo vệ những cánh rừng còn được nguyên vẹn trở nên khó khăn hơn với những người giữ rừng. Từ kinh nghiệm từng là "lâm tặc", cùng với những phương pháp hợp lý, Đội quản lý bảo vệ rừng thôn KTM Châu Sơn cùng lực lượng kiểm lâm, lâm trường đã bắt và đẩy lùi hàng trăm vụ phá rừng ở khu vực, góp phần giữ bình yên cho những cánh rừng.

Thôn KTM Châu Sơn bây giờ có hơn 200 hộ và trong số này có 57 hộ nhận khoán quản lý bảo vệ gần 2.000 ha rừng với thù lao 100.000 đồng và 400.000  đồng/ha/năm. Đời sống vẫn còn đó những khó khăn, nhưng dân làng Châu Sơn biết được giá trị của rừng che chở cho họ nên đã quyết tâm gìn giữ. Ông Phạm Hiển - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Đơn Dương thổ lộ: "Mình vẫn chưa hiểu được điều thần kỳ gì đã xảy ra. Bởi bình thường trong một thôn chỉ có một bộ phận nhỏ đi phá rừng, nhưng ở đây cả một thôn đi phá rừng, đối đầu quyết liệt với mình; nhưng rồi lại cả thôn ấy quay đầu bảo vệ rừng, đứng cùng chiến tuyến và trở thành những người đồng đội với mình".

Gia Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.