Thực phẩm cho trẻ sơ sinh chứa chất độc

10/04/2011 23:31 GMT+7

Một số loại thức ăn dặm cho trẻ sơ sinh ở châu u bị phát hiện có chứa độc chất ở mức báo động, trong đó có thạch tín, chì và cadmium.

Các nhà khoa học đang yêu cầu giới hữu trách áp dụng các tiêu chuẩn an toàn mới sau khi kết quả xét nghiệm một số thực phẩm cho trẻ sơ sinh tại châu u cho thấy sự hiện diện của hóa chất và kim loại độc hại. Đợt xét nghiệm do Viện Karolinska (Thụy Điển) thực hiện trong khuôn khổ cuộc điều tra của Ủy ban châu u nhằm đưa ra mức giới hạn mới của hóa chất trong thực phẩm. Những sản phẩm được lựa chọn để xét nghiệm lần này gồm 9 loại thức ăn dặm và 9 dòng sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh của các nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới, trong đó có Organix, HiPP, Nestle và Holle.


Nên cẩn thận khi chọn thức ăn cho trẻ ăn dặm - Ảnh: Clextral

Trong báo cáo đăng trên chuyên san Food Chemistry, các chuyên gia của Viện Karolinska phát hiện trẻ sơ sinh ăn dặm 2 ngày/lần bằng những loại thực phẩm đóng hộp, như cháo của hãng Hipp, có thể làm tăng mức phơi nhiễm thạch tín của trẻ lên gấp 50 lần so với trẻ bú sữa mẹ. Mức phơi nhiễm với các kim loại độc hại khác như cadmium tăng thêm gấp 150 lần, chì tăng gấp 8 lần. Dù hàm lượng các hóa chất độc hại trên không vượt qua giới hạn an toàn được quy định cho thực phẩm, các nhà khoa học cho rằng chúng có thể gây tác hại nặng nề nếu đối tượng là trẻ sơ sinh. Do đó, họ yêu cầu cơ quan chức năng phải đưa ra tiêu chuẩn an toàn mới cho sự hiện diện của các hóa chất và kim loại độc hại trong thực phẩm.

Các chuyên gia Viện Karonlinska cho hay trong số các thực phẩm cho trẻ sơ sinh bị phát hiện nhiễm thạch tín, cadmium và chì liều cao có Organix First Organic Whole Grain Baby Rice (dành cho trẻ 4 tháng tuổi trở lên) của Organix. Theo đó, liều lượng thạch tín là 2 microgram/khẩu phần, cadmium là 0,03 microgram/khẩu phần và chì là 0,09 microgram/khẩu phần. Sản phẩm cháo HiPP Organic Peach and Banana Breakfast của HiPP chứa 1,7 microgram/khẩu phần thạch tín, 0,13 microgram/khẩu phần cadmium và 0,33 microgram/khẩu phần chì. Còn cháo Holle Organic Rice Porridge (dành cho trẻ 4 tháng tuổi trở lên) của Holle có mức thạch tín 7,3 microgram/khẩu phần, cao nhất trong số các sản phẩm bị kiểm tra.
Trước đây, Tổ chức Y tế thế giới cho rằng ngưỡng hấp thu thạch tín an toàn là 2 microgram/kg trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên, quy định trên đã bị hủy bỏ hồi đầu năm 2011 sau khi ngày càng có nhiều chứng cứ cho thấy thạch tín có thể gây ung thư với liều lượng thấp hơn. Đến thời điểm hiện nay, các chuyên gia cho rằng không có giới hạn nào là an toàn cho thạch tín và chì trong thực phẩm. Còn ngưỡng an toàn của cadmium là 1 microgram/kg trọng lượng cơ thể.

Tờ Telegraph dẫn lời giáo sư Andrew Meharg thuộc Đại học Aberdeen nhận xét nghiên cứu của Viện Karonlinska làm nổi bật tính bức thiết của việc áp đặt ngưỡng giới hạn mới cho các hóa chất độc hại trong thực phẩm, vốn hiện diện thông qua quá trình trồng trọt các cây lương thực như gạo, lúa mì và lúa mạch. Ông cho hay đối với người trưởng thành thường xuyên ăn cơm mỗi ngày, liều lượng các chất trên vẫn hầu như vô hại nhưng trong trường hợp trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì hoàn toàn khác. “Nếu không phòng ngừa, có thể xảy ra tình trạng tổn hại ADN trong quá trình phát triển của trẻ”, Meharg nói.

Telegraph cho hay đã liên lạc với những công ty lớn về thực phẩm trẻ em tại Anh nhưng hầu hết đều từ chối tiết lộ liều lượng hóa chất độc hại trong sản phẩm của họ. Heinz, Cow & Gate, Nestle, và HiPP cam đoan rằng lượng hóa chất trong thực phẩm ăn dặm dành cho trẻ sơ sinh của họ đều nằm trong ngưỡng an toàn, dù như đã nói ở trên, WHO không còn áp dụng ngưỡng an toàn đối với thạch tín và chì. Tiến sĩ Karin Ljung, người dẫn đầu cuộc nghiên cứu của Viện Karonlinska, khuyên rằng nuôi con bằng sữa mẹ cho đến khi trẻ được 6 tháng tuổi là cách tốt nhất để giảm mức phơi nhiễm đến mức tối thiểu cho trẻ sơ sinh.

Chưa xuất hiện tại VN

Hôm qua, PV Thanh Niên khảo sát một số điểm chuyên bán các sản phẩm sữa và bột ăn dặm cho trẻ nhỏ trên các tuyến đường Nguyễn Thông, Kỳ Đồng, Cách Mạng Tháng 8, Trường Chinh, Lê Văn Sỹ, Phạm Văn Hai... (TP.HCM), hầu như không nơi nào có bán các sản phẩm mang tên giống như nêu trên. Các nhà thuốc cũng khẳng định không bán những sản phẩm này. Tương tự, các đại lý mà PV khảo sát tại Hà Nội (trên phố Tây Sơn, chợ Thành Công) cũng không thấy có sản phẩm nói trên.

Tại TP.HCM, mặt hàng mang tên HiPP, Nestle có một số sản phẩm, nhưng là những sản phẩm có tên khác.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), cho biết cả Nestle và HiPP đều có sản phẩm dành cho trẻ em được công bố chất lượng sản phẩm tại Cục ATVSTP, nhưng chưa thấy có các sản phẩm trong diện nghiên cứu khuyến cáo có mặt chính thức tại VN. Ông Khẩn cũng khẳng định: “Nguy cơ xảy ra các sự cố có thể với bất cứ nhà sản xuất nào. Do vậy, Cục cũng sẽ tiếp tục xác minh về nghiên cứu trên, cả về quy mô và giá trị tính phản biện cũng như tiếp nhận thêm thông tin từ hệ thống cảnh báo về thực phẩm của châu u. Từ đó sẽ có các xử lý, khuyến cáo phù hợp. Trong trường hợp cần thiết, sẽ yêu cầu phía Nestle và HiPP có báo cáo về chất lượng sản phẩm cũng như tiến hành lấy mẫu xét nghiệm”.

Thanh Tùng - Liên Châu

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.