Những tay chơi cổ vật Hà Thành: “Ông trùm” tiền cổ

09/04/2011 22:40 GMT+7

Người cao tuổi nhất và có thâm niên chơi cổ vật lâu nhất chốn Hà thành bây giờ là cụ Nguyễn Bá Đạm, năm nay đã ngoài 90 tuổi. Ở tuổi xưa nay hiếm, cụ vẫn rất minh mẫn, có thể nói chuyện hàng giờ về thú chơi tiền cổ mà cụ đã dành gần hết cuộc đời đeo đuổi.

Mọi người vẫn hay gọi cụ bằng cái tên trìu mến: cụ giáo Đạm. Những người bạn sống cùng thời với cụ giáo, nổi danh có bộ tứ Phái - Sáng - Liên - Nghiêm (họa sĩ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm), nhà văn Nguyễn Tuân, nhà sưu tập Đức Minh…, nay đều không còn nữa. Trong khi hàn huyên, có đôi lúc cụ thoáng buồn, nhớ bạn cũ với bao câu chuyện, kỷ niệm. Cụ kể, trước kia trong ngôi nhà nhỏ ở làng Ngọc Hà, cụ treo kín các tranh của Phái - Sáng - Liên - Nghiêm. Cụ chỉ treo tranh của bốn họa sĩ, nhiều người khác tặng tranh mà cụ từ chối không nhận. Ngoài thú chơi tranh, cụ còn rất thích chơi tiền cổ.


 Nhà sưu tập Nguyễn Bá Đạm - Ảnh: Minh Ngọc

Cho đến bây giờ, nhắc đến cụ giáo Đạm là làng đồ cổ nghĩ đến ngay bộ sưu tập tiền cổ đồ sộ, quý giá, nhiều người thèm muốn mà không có được. Để có trong tay bộ sưu tập bài bản, cả tiền giấy lẫn tiền kim loại thuộc nhiều triều đại, thời kỳ khác nhau của gần hai trăm nước trên thế giới, cụ đã phải bền bỉ, kiên trì suốt hàng chục năm từ những thời kỳ cuộc sống còn khó khăn, trải qua bao biến động của đất nước.

Chơi tiền vì... nhà không giàu

Vào thời cụ giáo còn trẻ, các bạn cụ thường chơi cổ vật theo lối cổ ngoạn. Nhưng theo lối chơi này, nhà phải rộng, kinh tế phải rất khá giả. Cụ bảo: "Không phải vì thấy các cụ khác chơi như thế nào thì mình chơi như thế. Nhà tôi ở Ngọc Hà hồi ấy chật, không có chỗ bày đồ". Vậy nên, anh giáo Đạm chọn cho mình thú chơi tiền cổ. Càng chơi lại càng ham. "Thú chơi tiền hay lắm. Từ nhỏ cho đến già, ai mà chẳng phải tiêu đến tiền. Nhìn vào đồng tiền tôi nhớ lại biết bao kỷ niệm như hồi nhỏ được bố mẹ cho mấy xu đi mua kẹo, hình ảnh người bán hàng năm nào lại hiện ra… Chơi tiền cũng là cách ta giở lại quá khứ, nhìn thấy sự phát triển của một đất nước qua từng thời đại" - cụ Đạm nói.


Sưu tầm tiền cổ là đam mê của cụ Đạm - Ảnh: T.L 

 Thú chơi đã giúp cụ Đạm có cơ duyên gặp gỡ với nhiều người, trong đó có cụ Dương. Thời gian bắt đầu sưu tập, đi đâu cụ cũng hỏi tìm mua tiền cổ. Có người mách cụ đến gặp cụ Dương ở phố Hàng Trống, con của cụ cả Liên (người buôn đồ cổ đầu tiên của Hà Nội). Họ bảo: "Cứ đến gặp ông Dương thế nào cũng có tiền quý, chả ai có". Cụ Đạm mừng lắm, liền đến tìm gặp ngay cụ Dương. Nhưng vừa nhìn thấy người lạ, cụ Dương đã đóng cửa, không tiếp. Người mách cụ nói: "Ông Dương là người tốt lắm". Nghe thế, cụ Đạm không bỏ cuộc. Lần thứ hai đến nhà, cụ Đạm đã gọi to: "Bác Dương ơi!". Lấy làm lạ vì một người không quen biết lại gọi mình như thể đã là bạn từ lâu, cụ Dương liền mời cụ Đạm vào nhà. Cuộc trò chuyện tâm đầu ý hợp khiến họ nhanh chóng coi nhau như những người bạn chí cốt. "Ông Dương là người hào hoa phong nhã lắm" - cụ Đạm nhớ lại. Về sau, cụ Dương để lại cho cụ giáo những đồng tiền cổ ở nhiều triều đại phong kiến khác nhau vừa hiếm vừa đẹp đến nỗi "nhìn những đường nét hoa văn tinh xảo trên đồng tiền mà tôi thấy choáng cả người".

Có dịp đến tỉnh nào, cụ giáo Đạm đều hỏi mua tiền cổ. Cụ lặn lội vào cả trong Nam tìm đến những người có tiền để mua. Đồng lương nghề giáo ít ỏi, cụ vẫn cố gắng dành dụm, tích góp từng đồng, từng hào để chơi. Cụ kể: "Thế kỷ trước, ở nước mình không có nhiều người chơi tiền cổ. Số người chơi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi muốn giao lưu với nhiều người chơi trên khắp thế giới, thế là nghĩ ra cách viết thư gửi đến tòa báo nước ngoài, đăng thông tin". Chả mấy lâu sau, bộ sưu tập của cụ đã đầy ắp những đồng tiền xu, tiền giấy của nước ngoài. Mỗi lần có người nào gửi tiền sang, cụ lại trao đổi lại những đồng mình có. Bộ sưu tập của cụ dần dần có đủ các loại tiền ở nhiều thời kỳ khác nhau của gần 200 nước trên thế giới.

Tiền Việt cổ ở các triều đại khác nhau

Bộ sưu tập của cụ Đạm được đánh giá là bộ sưu tập tiền kim loại, tiền giấy bài bản, hệ thống hiếm có. Trong bộ sưu tập, có từ những thứ người ta dùng để trao đổi, mua bán trước khi tiền xuất hiện tại nước ta như bạc thoi, bạc nén, có cả những vật dụng trông giống như chiếc chìa khóa, con dao..., rồi những đồng tiền kim loại đầu tiên vào thời nhà Đinh (đồng Thái Bình Hưng Bảo) cho tới các triều đại sau này, đến tận khi xuất hiện tiền giấy. Cụ sở hữu nhiều đồng hiếm như Kiến Phúc Thông Bảo, Hàm Nghi Thông Bảo. Cụ Đạm nói, tiền thời Phúc Kiến và Hàm Nghi là rất hiếm vì hai vị vua chỉ trị vì trong thời gian ngắn. Đồng tiền Đại Chính Thông Bảo có từ thời Mạc Đăng Dung là đồng tiền sắt duy nhất ở Việt Nam cũng có trong bộ sưu tập. Cụ còn sở hữu khoảng tám mươi loại tiền khác nhau với các họa tiết vô cùng kỳ công được làm vào thời Cảnh Hưng (vua Lê Hiển Tông).

Nhiều nhà sưu tập ở nhiều nước đã hỏi mua lại bộ sưu tập nhưng cụ nhất định không bán. Có một nhà sưu tập Việt Nam đeo đuổi bộ sưu tập tiền cổ của cụ Đạm đến gần hai mươi năm. Cuối cùng, cụ xiêu lòng và nhượng lại cho anh. Dù đã trao lại cho một người đáng tin tưởng, nhưng cụ không tránh khỏi những lúc hoài vọng. "Nhiều khi tôi không dám nhìn những đồng tiền ít ỏi còn lại. Nhìn là lại thấy như mất mát đi cái gì to lớn lắm...", cụ Đạm bùi ngùi.

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.