Hối cải muộn màng

29/03/2011 14:28 GMT+7

Những ngày tháng đối diện với bốn bức tường trong buồng giam, anh ta lại thấy quý sự sống nhưng đã quá muộn. Hành vi tàn nhẫn của anh ta mãi mãi không được người thân và xã hội tha thứ.

Anh ta ra tòa lần thứ hai. Chỉ một mình, không có người thân nào, dù đang phải đối diện với bản án tử hình. Khó nhọc lê đôi chân đang bị xích ra trước vành móng ngựa, anh ta cho biết lý do kháng cáo lên cấp phúc thẩm xin cơ hội được sống là để có thời gian sám hối và tụng kinh cầu nguyện cho hai đứa con đã bị chính anh ta tước đi quyền được sống.


Minh họa: Nguyễn Tài

Vụ án dần hé mở vượt khỏi sức tưởng tượng khiến người dự khán lặng người, căm phẫn.

Người chồng, người cha tội lỗi

N.V.M (SN 1980, ngụ tỉnh Bình Dương) cưới vợ khi mới 20 tuổi, lúc đó vợ M. 17 tuổi. Ngoài tình yêu dành cho nhau, họ chưa kịp chuẩn bị gì cho cuộc sống vợ chồng với rất nhiều thử thách, âu lo; cũng chẳng cần biết đến trách nhiệm, sự hy sinh, chịu đựng... là những đức tính cần phải có của người vợ, người chồng để xây dựng một gia đình hạnh phúc. Ngày ngày, M. đi làm công nhân cạo mủ cao su, vợ ở nhà lo cơm nước, tối về vợ chồng bên nhau. Cuộc sống trôi qua êm đềm.

Không thể biện minh

Tôi nhìn rất lâu vào vết sẹo lồi dài và sâu đằng sau gáy anh ta, cố lắng nghe từng lời anh ta trình bày trước tòa, đọc đi đọc lại toàn bộ biên bản phiên tòa sơ thẩm, vẫn không hiểu được vì sao anh ta lại có thể lạnh lùng xuống tay đối với hai đứa con là máu thịt của chính mình.
 
Vì quẫn trí, vì mù quáng, vì thất học hay vì “sợ con khổ khi cha mẹ ly hôn” như M. đã khai, dù là lý do gì cũng không thể biện minh cho hành vi tàn nhẫn, độc ác, mất hết tính người ấy. “Giết con, bị cáo thấy thế nào?”, M. lắc đầu, không trả lời.
 
Trong cuộc sống, có rất nhiều cặp vợ chồng chọn giải pháp ly hôn khi không thể tiếp tục sống cùng nhau. Đưa nhau ra tòa, họ dùng những lời lẽ tồi tệ nhất để mắng chửi, thậm chí nhục mạ nhau nhưng đối với các con, họ vẫn dành những lời lẽ yêu thương.
 
Bởi làm cha, làm mẹ là một thiên chức mà ngay từ khi mới được sinh ra người ta đã được ban tặng, để rồi khi được ôm trong tay sinh linh bé bỏng, người ta tự biết yêu thương, bảo vệ và sống có trách nhiệm với núm ruột của mình.

Nhưng khi hai đứa con lần lượt ra đời, kinh tế gia đình ngày càng khó khăn, nỗi lo cơm áo gạo tiền và gánh nặng trách nhiệm làm cha mẹ khiến cuộc sống vợ chồng phát sinh lục đục, thậm chí thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Chán, M. lao vào bài bạc những mong có thể kiếm được nhiều tiền. Nhưng có ai giàu lên nhờ bài bạc bao giờ, càng chơi, M. càng thua, bao nhiêu tài sản đội nón ra đi theo “bác thằng bần’’. Vợ, cha mẹ, anh em khuyên nhủ, M. vẫn để ngoài tai. Mâu thuẫn vợ chồng vì thế càng thêm trầm trọng.
 
Gia đình hai bên rồi chính quyền địa phương hòa giải nhiều lần vẫn không thể hàn gắn những rạn nứt ngày càng sâu giữa vợ chồng họ. M. bỏ nhà đi, thuê phòng trọ sống riêng. Đầu năm 2010, vợ M. làm đơn xin ly hôn. Tòa án chưa giải quyết thì xảy ra bi kịch...

Cho rằng vợ có người đàn ông khác, M. nung nấu ý định giết vợ con rồi tự sát. Đêm 10-4-2010, M. đến quán nước giải khát của vợ, giăng võng ở lô cao su phía trước chờ cơ hội hành động. Hơn 2 giờ đợi chờ, M. nhớ lại hình ảnh buổi trưa vợ cười tươi trước lời trêu ghẹo của người đàn ông khác, nghĩ đến cảnh họ sẽ ly hôn, sau này hai đứa con sống với cha dượng rồi cũng sẽ khổ... Càng nghĩ càng thấy tức giận, bế tắc để rồi càng thêm quyết tâm. Khoảng 23 giờ, khi vợ M. tắt đèn đi ngủ, anh ta lẻn vào. Chưa kịp định thần, vợ M. bị chồng chém liên tiếp nhiều nhát.
 
Nghe tiếng con gái kêu cứu, mẹ vợ M. chạy vào cũng bị M. chém nên hoảng sợ chạy ra ngoài. Trên giường, hai đứa trẻ - một lên 9, một lên 7 tuổi còn đang ngơ ngác chưa biết chuyện gì xảy ra giữa những người thân yêu thì ánh dao sắc lạnh đã lóe lên... Ngay sau đó, M. cũng đã tự chém vào cổ và tay của mình để đi theo vợ con. M. không chết. Vợ M. bị thương tật 58%, mẹ vợ M. bị thương tật 16%.  Hai đứa trẻ vô tội phải chấm dứt cuộc sống của mình bởi sự ích kỷ đến mù quáng, điên cuồng của người lớn.

Bản án tử hình

M. đã nhiều lần tìm cách tự tử sau khi bị bắt giam và cũng đã nhiều lần xin được tử hình trong phiên tòa sơ thẩm trước đó. “Bị cáo luôn nhớ tới các con, không lúc nào quên được gương mặt của chúng” - M. nghẹn ngào nói. Sự ăn năn, hối hận đã và đang giày vò anh ta từng giây, từng phút. Nhưng tất cả đã quá muộn màng. Hai đứa trẻ đã chết đi không có cách gì sống lại được. Nỗi đớn đau vượt quá sức chịu đựng khiến vợ M. không thể tha thứ được cho chồng. “Xin tòa hãy xử theo luật quy định”. Đó là lời nói duy nhất của cô tại tòa. Và M. cũng sẵn sàng chấp nhận mức án nghiêm khắc nhất: Bị loại vĩnh viễn ra khỏi cuộc sống.

Nhưng rồi những ngày tháng đối diện với bốn bức tường trong buồng giam, nghĩ đến giờ phút ra pháp trường thi hành bản án tử hình, anh ta lại thấy quý sự sống. Ở lời nói sau cùng trong phiên tòa phúc thẩm, M. tha thiết xin được khoan hồng: “Mức án tử hình là tương xứng, bị cáo không bào chữa gì thêm. Dẫu vậy, bị cáo vẫn xin HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bị cáo được sống...”.

Ghi nhận sự hối cải của bị cáo nhưng với nhiều tình tiết tăng nặng, HĐXX quyết định giữ nguyên mức hình phạt tử hình. Tội ác phải bị trừng phạt để giữ trật tự xã hội. Chỉ mong sao bi kịch của gia đình M. không lặp lại ở bất kỳ một gia đình nào khác; mong sao những người thích dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn vợ chồng hãy nhìn vào bài học đau xót ấy để biết nâng niu, trân quý cuộc sống trước khi quá muộn.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.