Máy bay ném bom tầm xa mới của Mỹ

20/03/2011 09:05 GMT+7

(TNTS) Bộ Quốc phòng Mỹ vừa quyết định tái tài trợ cho dự án thiết kế, sản xuất máy bay ném bom tầm xa thế hệ mới của nước này.

Dự án "2018 Bomber"

Hiện vẫn chưa rõ Mỹ sẽ tiếp tục dự án được bắt đầu từ năm 2004 và bị ngừng lại vào năm 2009 hay triển khai dự án mới? Nhưng trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, Lầu Năm Góc nhiều khả năng sẽ giảm bớt những yêu cầu khắt khe đặt ra từ trước đây đối với loại máy bay mới này.

Không lực Mỹ bắt đầu có ý định thiết kế loại máy bay ném bom tầm xa mới vào năm 2004. Bởi ở thời điểm này, phần lớn các máy bay B-52 Stratofortress mà họ có trong tay đều được biên chế từ giữa thập niên 1970, thời gian phục vụ đã hơn 30 năm. Khi đó, lãnh đạo không lực Mỹ dự kiến chiếc máy bay tầm xa thế hệ mới sẽ được biên chế vào quân đội Mỹ vào năm 2018. Chính vì thế mà dự án này mang tên "2018 Bomber" - Máy bay ném bom năm 2018.


XB-70A Valkyrie - Ảnh:wikimedia 

Sau đó, dự án nêu trên đổi tên thành Next-Generation Bomber, NGB - Máy bay ném bom thế hệ mới. Theo tính toán, máy bay ném bom mới thuộc loại hạng trung, tốc độ cao nhất không vượt vận tốc âm thanh. Bay dưới vận tốc âm thanh là sự lựa chọn hợp lý. Bởi vận tốc này tiết kiệm nhiên liệu tốt nhất. Đồng thời tiết kiệm chi phí cho các khảo sát, nghiên cứu khoa học nếu đòi hỏi máy bay phải bay vượt vận tốc âm thanh.

Vào năm 2007, thiếu tướng không lực Mỹ - David Clery, cho biết, không lực Mỹ ngoài loại B-52 đang là sự lựa chọn tối ưu, thì còn có loại B-1B Lancer, bay vượt vận tốc âm thanh. Thế nhưng thực tế tác chiến cho thấy, B-1B Lancer thường bay dưới vận tốc âm thanh, bởi chỉ khi cần tránh vũ khí phòng không của đối phương mới cần bay nhanh. Ông David Clery còn nhắc đến các loại máy bay siêu thanh khác của Mỹ là B-58 Hustler, XB-70 Valkyrie và FB-111 Aardvark.

Điều thú vị ở chỗ, dự án XB-70 Valkyrie (bay với vận tốc 3,3 nghìn km/giờ) chưa hoàn tất. Bởi năm 1966 một chiếc hình mẫu XB-70 đã đâm vào chiếc tiêm kích F-104 Starfighter trên bầu trời. Hơn nữa XB-70 là dự án tốn kém, khá phức tạp về các giải pháp kỹ thuật. 


B-1B

Một số yêu cầu với "2018 Bomber"

Vận tốc: Dưới tốc độ âm thanh
Tầm bay: 9,5 nghìn km
Lượng bom chuyên chở: 12 tấn
Thời gian hoạt động liên tục trên không: 50 - 100 giờ
Có thể ném bom hạt nhân, làm nhiệm vụ trinh sát, do thám, kết nối hệ thống thông tin của Lầu Năm Góc.

Với dự án NGB, ngoài yêu cầu về tốc độ, nó còn phải có tính năng "tàng hình", quần đảo nhanh trên mục tiêu, phóng tên lửa đạn đạo và ném bom hạt nhân (tổng trọng lượng từ 6 - 12 tấn). Ngoài ra, còn phải có tầm bay 9,5 nghìn km và thời gian hoạt động trên không phận của đối phương (chế độ không người lái) từ 50 - 100 giờ. Những yêu cầu này được đặt ra hồi năm 2007 và khi đó không lực Mỹ hy vọng chuyến bay đầu tiên của loại máy bay ném bom mới sẽ là năm 2009.

Tham gia đấu thầu dự án NGB có 3 hãng: Boeing, Lockheed Martin và Northrop Grumman. Cả 3 hãng đều giới thiệu hồ sơ của mình vào năm 2008. Kết quả là lãnh đạo không lực Mỹ chọn Northrop Grumman và chi cho hãng này 2 tỉ USD để thiết kế chiếc máy bay ném bom thế hệ mới. Theo kế hoạch, sau khi đi vào sản xuất, không lực Mỹ sẽ đặt mua 175 chiếc, 120 chiếc trong số đó sẽ biên chế vào quân đội, còn 55 chiếc để dự phòng và phục vụ nhiệm vụ huấn luyện. Tính tổng thể, dự án NGB kể cả mua hàng loạt máy bay mới được đánh giá vào khoảng 40 - 50 tỉ USD.

Dự án NGB ngưng lại vào giữa năm 2009, khi Lầu Năm Góc thông báo tiếp tục kéo dài thời hạn sử dụng các loại máy bay ném bom B-1B, B-52 và B-2 Spirit. Dù vậy, vào tháng 3.2010, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Robert Gates, tuyên bố sẽ thiết kế sản xuất loại máy bay ném bom thế hệ mới. Ngoài ra, yêu cầu mới với loại máy bay này là nó phải tấn công đối phương tại bất kỳ điểm nào trên thế giới, đồng thời kiêm luôn nhiệm vụ do thám, trinh sát…


 B2_Spirit

"Cầu nối" tới "2037 Bomber"

Vào cuối năm 2010, chính quyền Tổng thống Obama và Thượng viện Mỹ yêu cầu Lầu Năm Góc trong vòng 5 năm tới phải giảm chi phí quân sự khoảng 100 tỉ USD. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông báo cắt giảm vài dự án quân sự, đồng thời kéo dài thời hạn sử dụng vũ khí, khí tài cũ cũng như xem xét lại hàng loạt các dự án khác. Không loại trừ chương trình sản xuất chiếc tiêm kích F-35 Lightning II sẽ bị ngưng lại.

Vào tháng 2.2011, tướng Norton Schwartz, lãnh đạo không lực Mỹ nói rằng, lực lượng này đã hạ thấp các yêu cầu đối với loại máy bay ném bom tầm xa: "Chúng tôi không nhất thiết phải tạo ra một chiếc máy bay đa năng như dự tính trước đây". Việc hạ thấp yêu cầu này không chỉ là do ngân sách quốc phòng phải cắt giảm mà còn là sự lo ngại đối với Trung Quốc. 

 
RIAT2004 B1B

Khi đến thăm chính thức Bắc Kinh vào tháng 1.2011, ông Robert Gates nói rằng, Mỹ quan ngại với loại tiêm kích mới J-20 và hệ thống tên lửa đạn đạo chống tàu chiến DF-21D của Trung Quốc. Vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn nói rõ, tình báo Mỹ quả là đã đánh giá không đúng sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Để củng cố sức mạnh quân sự của Mỹ, ông Robert Gates cho biết ngân sách quốc phòng năm 2012 sẽ có khoản dành riêng cho việc thiết kế loại máy bay ném bom tầm xa. 

Nhằm tiết kiệm chi phí, một trong những phương án nhiều khả năng được xem xét là không lực Mỹ sẽ tiếp nhận loại máy bay mới mà trong tương lai sẽ dần bổ sung các công nghệ hiện đại nhằm hoàn thiện nó như yêu cầu ban đầu đặt ra. Các giải pháp kỹ thuật phải hạn chế đến mức có thể để không cần tới các cuộc khảo sát, thí nghiệm, mà tận dụng các công nghệ đã có sẵn. Chẳng hạn, nếu bay dưới vận tốc âm thanh có thể sử dụng loại động cơ Pratt & Whitney F135, từng được lắp đặt cho F-35. Hoặc sử dụng động cơ theo công nghệ ADVENT, cho phép bay với vận tốc dưới hoặc vượt vận tốc âm thanh. 

 
NGB Northrop Grumman

Như vậy, dựa trên cơ sở loại máy bay ném bom tầm xa được thiết kế, sản xuất dựa trên các công nghệ đã có sẵn, không lực Mỹ dự kiến chuyến bay đầu tiên sẽ cất cánh vào năm 2016. Đến năm 2018 nó sẽ được biên chế vào quân đội. Loại máy bay này sẽ là "cầu nối" để tiến tới với chiếc máy bay ném bom siêu thanh "2037 Bomber". Tuy chưa đặt ra kế hoạch thiết kế loại máy bay cực kỳ hiện đại này, nhưng Lầu Năm Góc dự tính đến năm 2037 nó sẽ được biên chế vào quân đội để thay thế cho các bậc "tiền bối" B-52 và B-1, sẽ "nghỉ hưu" vào năm 2040.

Ngữ Tử Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.