Nhật xem xét phương án chôn lò hạt nhân

18/03/2011 23:26 GMT+7

Nhật tiếp tục nỗ lực phun nước làm hạ nhiệt lò phản ứng của Nhà máy Fukushima số 1 và đang nghĩ tới phương án chôn lò phản ứng.

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) hôm qua sử dụng 7 xe tải chuyên dụng bơm 50 tấn nước vào lò phản ứng số 3 của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nhật không tiếp tục dùng trực thăng quân sự đổ nước nhưng lại chưa cho biết lý do, theo AFP. Trước đó một ngày, SDF đã dùng trực thăng và xe chữa cháy chuyên dụng để phun hàng chục tấn nước vào lò số 3 và 4.

Trong khi đó, các kỹ sư của TEPCO cũng đang cân nhắc biện pháp dùng cát và bê-tông để lấp lò phản ứng số 3 và có ý kiến cho rằng đây có thể là cách duy nhất để ngăn chặn nguy cơ rò rỉ phóng xạ. Theo Reuters, đây là lần đầu tiên TEPCO nghĩ tới biện pháp này, vốn được sử dụng trong thảm họa Chernobyl năm 1986.

 
Kiểm tra phóng xạ tại một khu tạm cư ở tỉnh Fukushima - Ảnh: AFP
 

Đến 11 giờ sáng qua (giờ địa phương), mức phóng xạ tại khu vực Nhà máy Fukushima số 1 ở mức 265 microsievert/giờ, giảm so với 292,2 microsievert/giờ lúc 8 giờ 30 tối hôm trước và thấp hơn nhiều so với mức có thể gây nhiễm xạ tức thời. Chánh văn phòng nội các Nhật Yukio Edano cho rằng lượng phóng xạ tại Nhà máy Fukushima số 1 không đe dọa ngay lập tức sức khỏe con người. Trong khi đó, Kyodo News dẫn lời phát ngôn viên Cơ quan An toàn công nghiệp và hạt nhân Nhật (NISA) Hidehiko Nishiyama cho rằng còn quá sớm để đánh giá hiệu quả của việc bơm nước làm nguội các lò phản ứng. Hôm qua, NISA thông báo có khói bay lên từ lò phản ứng số 2 của Nhà máy Fukushima số 1 nhưng chưa biết nguyên nhân.

Cùng ngày, NISA nâng mức khủng hoảng hạt nhân ở Nhật từ 4 lên 5 trong thang từ 0-7 mức của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Theo AFP, IAEA sẽ sớm theo dõi mức phóng xạ tại khu vực nguy cấp và cập nhật con số chính thức.

Trong cuộc gặp hôm qua với Giám đốc IAEA Yukiya Amano, Thủ tướng Nhật Naoto Kan nói: “Đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất của Nhật” và cam kết cung cấp đầy đủ thông tin về khủng hoảng hạt nhân ở nước này cho cộng đồng quốc tế. AP hôm qua dẫn lời Chánh văn phòng nội các Edano nói mức độ của thảm họa lần này vượt ngoài kế hoạch ứng phó khẩn cấp của Nhật và thừa nhận chính phủ lẽ ra phải cung cấp thông tin đầy đủ và nhanh hơn.

Trong trường hợp xấu nhất, Tokyo vẫn an toàn

Đó là khẳng định của Cố vấn khoa học hàng đầu Chính phủ Anh John Beddington trong một cuộc họp qua điện thoại với Đại sứ Anh ở Tokyo và nhiều chuyên gia khác vào tối 17.3. Bloomberg dẫn lời ông Beddington nói trong trường hợp xấu nhất là xảy ra nổ phóng xạ tại Nhà máy Fukushima số 1 thì chỉ ảnh hưởng trong vòng bán kính tối đa là 30 km. Trong khi đó, Tokyo cách nhà máy trên 240 km. Về quan ngại gió thổi phóng xạ về Tokyo, ông Beddington nói bụi phóng xạ sẽ rơi xuống đất trước khi bay xa quá 30 km tính từ lò phản ứng bị nổ.

Bloomberg dẫn lời bà Hilary Walker, quan chức cấp cao của Bộ Y tế Anh, cho hay trong thảm họa Chernobyl, phạm vi sơ tán cũng chỉ đến 30 km. Bà Walker cho biết 4.000 người bị ung thư ở Chernobyl là do dùng thực phẩm, lương thực, sữa và nước bị nhiễm xạ sau đó, chứ không phải nhiễm trực tiếp từ vụ nổ. Bà Walker cho rằng Nhật đã dùng robot để kiểm tra mức phóng xạ trong các mặt hàng thiết yếu này trước khi đưa ra thị trường.

Chúng tôi không bỏ chạy

Bài viết trên blog của cô Michiko Otsuki giúp thế giới hiểu hơn về những nhân viên dũng cảm của Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) đang cố làm nguội các lò phản ứng trong tình trạng nguy cấp ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Theo tờ The Straits Times, bài viết này đưa lên mạng xã hội Mixi và được một số tờ báo tiếng Anh trích dẫn trước khi bị rút xuống hôm 17.3. 

Otsuki là một trong 800 nhân viên được sơ tán khỏi nhà máy trên hôm 14.3, chỉ để lại 50 người đối phó khủng hoảng. Sau đó, số “cảm tử quân” được tăng thành 180 người, chia thành nhiều tổ để bảo đảm lúc nào cũng có 50 người túc trực làm việc. Vì thế, họ được gọi là nhóm Fukushima 50. 

 “Là một công nhân thuộc nhóm phụ trách lò số 2, tôi đã cùng các đồng nghiệp đối phó với cuộc khủng hoảng tại chỗ đến hôm qua (14.3)”, The Straits Times trích bài viết. “Thiết bị làm mát lò phản ứng đã bị sóng thần phá hủy. Mọi người cố gắng phục hồi trong tuyệt vọng. Vượt qua mệt mỏi và cơn đói cồn cào, chúng tôi cố gắng với tất cả sức lực. Cô viết tiếp: “Làm ơn nhớ điều đó. Mọi người tại nhà máy đang tiếp tục chiến đấu mà không bỏ chạy. Tôi thật lòng xin lỗi tất cả những cư dân (quanh nhà máy). Có những người đang bảo vệ tất cả quý vị, thậm chí đánh đổi cả mạng sống của mình...

Otsuki sau đó gỡ bài viết này xuống vì lo ngại có người thay đổi nội dung và dùng nó làm nhiễu loạn thông tin và gây hoang mang. Tuy nhiên, cô bày tỏ ước mong mọi người hãy cầu nguyện cho nhóm Fukushima 50.

TEPCO chưa thông báo tên tuổi hay hình ảnh của những người hùng ở nhà máy trên. Tuy nhiên, giới truyền thông Nhật đã hé lộ một vài chi tiết về họ, theo đó, đa số đều trên 50 tuổi và sắp nghỉ hưu. Hãng tin Jiji dẫn lời một cô gái có nickname @NamicoAoto viết trên trang Twitter nhận là con gái của một người trong nhóm Fukushima 50. Đó là một công nhân 59 tuổi và còn 6 tháng nữa là sẽ về hưu. “Tôi cố nuốt nước mắt khi nghe tin bố tình nguyện ở lại. Ở nhà, bố có vẻ không phải là người làm được việc lớn, nhưng hôm nay tôi thật sự tự hào về ông”, cô viết. Đài truyền hình NHK thì trích đọc lá thư của con gái một công nhân khác viết: “Bố tôi vẫn làm việc dù lương thực đang cạn. Bố nói ông chấp nhận số phận mình sẽ kết thúc ở đó”. 

Trùng Quang

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.