Thế giới chật vật đối phó “bão giá”

10/03/2011 12:11 GMT+7

Trong khi người dân thế giới đang đau đầu tính toán chi tiêu với hầu bao ngày càng thắt chặt vì lạm phát tăng cao thì một số biện pháp khả quan đã được đề xuất. Đó có thể là tăng mức lương tối thiểu, giảm tốc độ tối đa các phương tiện giao thông để tiết kiệm nhiên liệu, bán hỗ trợ căn hộ giá rẻ cho người nghèo…

Những sáng kiến tiết kiệm chi tiêu

Báo Christian Science Monitor vừa tổng hợp một số biện pháp mà người Mỹ áp dụng để tiết kiệm nhiên liệu trong mùa “bão giá”. Ở California, xăng đang được bán với giá 3,9USD/gallon (1 gallon tương đương 3,875 lít), gần chạm mức 4USD trong cuộc khủng hoảng dầu vào tháng 6-2008.

Mỗi tuần, anh Levon Goldblatt phải di chuyển quãng đường 320-515 dặm (khoảng 512 - 824km) với chiếc ô tô Toyota Fortrunner SUV. Thế nhưng, từ 3 tuần qua, anh đã chuyển sang chiếc Honda Accord đời 2003 để tiết kiệm nhiên liệu.

 
Một trong những cách tiết kiệm chi phí xăng là tìm những cửa hàng bán lẻ xăng dầu có giá rẻ hơn - Ảnh: AFP

Cô Tobi Dobie, nhân viên kinh doanh địa ốc, mỗi tuần di chuyển khoảng 200 dặm đường (khoảng 320km) có cách khác. Cô lựa chọn cửa hàng bán lẻ xăng dầu Costco để mua. Tuy nhiên, cô còn một cách nữa là chỉ đổ 3/4 bình xăng vì có thể trên đường đi, biết đâu có gặp được trạm xăng khác rẻ hơn! Nhiều người Mỹ còn thường xuyên lên mạng tìm các trạm xăng giá rẻ gần nhà mình.

Richard, một công nhân sống ở thung lũng Antelope, bang Arizona hàng ngày phải đi làm ở nơi cách nhà đến 150km. Anh nói rằng có lẽ nên cân nhắc việc chạy xe máy vì có thể một ngày nào đó, anh không thể tiếp tục đổ quá nhiều tiền cho chiếc ô tô của mình. Từ đây đến lúc ấy, anh sẽ áp dụng một số cách nghe có vẻ hiệu quả như: chỉ đổ xăng vào buổi sáng, khi nhiệt độ còn thấp, xăng sẽ cô đặc lại hơn do đặc tính giãn nở của xăng bởi nhiệt độ lớn hơn so với nước hoặc đổ thêm xăng khi trong bình xăng còn một nửa vì càng nhiều xăng có trong bình thì quá trình bốc hơi sẽ càng chậm.

Liên quan đến tiết kiệm xăng dầu, Chính phủ Tây Ban Nha tháng trước đã hạ tốc độ lưu thông tối đa cho phép đối với một loạt phương tiện nhằm mục đích giảm lượng nhiên liệu hao tốn. Cụ thể, tốc độ tối đa cho các phương tiện lưu thông trên đường cao tốc giảm từ 120km/giờ xuống còn 110km/giờ. Nếu quy định mới này được thực hiện nghiêm túc, Tây Ban Nha sẽ giảm được 15% lượng nhiên liệu đang sử dụng hiện nay.

Còn nhớ, ở thời điểm giá xăng đạt mức 4 USD/gallon hồi năm 2008, Thị trưởng TP Birmingham (bang Alabama) đã đưa ra sáng kiến cho công chức được nghỉ thêm một ngày làm việc trong tuần. Thời gian làm việc trong ngày sẽ tăng từ 8 lên 10 tiếng nhưng ngược lại, số ngày làm việc trong tuần giảm xuống chỉ còn 4 ngày. Để bảo đảm công sở làm việc bình thường, liên tục năm ngày trong tuần, thị trưởng yêu cầu các cơ quan phải sắp xếp giờ giấc làm việc sao cho nhân viên được nghỉ luân phiên trong tuần và giữ số điện thoại để có thể liên lạc khi cần thiết.

Đối với việc thắt chặt hầu bao chi tiêu hàng ngày, trang Frugaldad.com của Mỹ cũng đã đưa ra một số chỉ dẫn khá bổ ích. Thứ nhất, bạn nên mua sắm thức ăn cho mỗi 2 tuần vì càng đi mua sắm nhiều, bạn càng dễ bị “lôi kéo”, mua những thứ không thực sự cần. Nếu đã có ngăn lạnh, bạn nên nghĩ đến thêm một ngăn lạnh nữa để trữ thực phẩm chưa dùng đến, những thực phẩm đang trong mùa hạ giá mà bạn mua về chẳng hạn. Ngoài ra, bạn hãy mua những thức ăn có theo mùa. Thức ăn trái mùa sẽ không nhiều, không ngon mà lại mắc hơn khi vào đúng mùa của nó. Bạn có thể nghĩ đến việc trồng rau cải cho những bữa ăn của mình, vừa đảm bảo vệ sinh, lại vừa tiết kiệm. Một “chiêu” không thừa là bạn hãy nghĩ đến việc giảm khẩu phần ăn và hãy ăn khi bạn thực sự đói. Khi nấu thức ăn, bạn nên nấu cho nhiều bữa để tiết kiệm nhiên liệu cũng như không nên bỏ phí lượng thức ăn thừa. Frugaldad.com còn khuyên người tiêu dùng nên tránh xa những các loại thức ăn nhanh vì lượng calorie từ những loại này gần như bằng 0.

 
Lạm phát tại Trung Quốc tháng 1-2011 tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hỗ trợ đời sống người dân

Giá xăng tăng sẽ kéo theo chuỗi tăng giá ở nhiều mặt hàng thiết yếu, lại tiếp tục đẩy lạm phát lên ngưỡng mới. Đối với người dân, một trong những điều mà họ mong muốn nhất là được tăng lương dù đây không phải là quyết định dễ dàng của một cơ quan, tổ chức hay chính phủ.

Vừa qua, Phòng An ninh xã hội và Nguồn nhân lực TP Thâm Quyến đã quyết định tăng 20% mức lương tối thiểu của người dân, từ 1.100 NDT (167 USD) lên 1.320 NDT (200 USD). Đây là mức lương tối thiểu lớn nhất của Trung Quốc hiện nay. Mức tăng này sẽ được áp dụng từ ngày 1-4. Một quan chức về nguồn nhân lực của Thâm Quyến cho biết, việc tăng mức lương tối thiểu là nhằm hỗ trợ người dân trước cơn bão lạm phát, đồng thời khuyến khích lao động để mắt đến những công việc ở khu vực vành đai sản xuất ở vùng Đông Nam duyên hải. Thâm Quyến hiện là trung tâm sản xuất công nghệ cao của Trung Quốc. Cùng lúc, chính quyền Thượng Hải cũng thông báo tăng mức lương tối thiểu ở TP này lên 14%, từ 1.120 NDT (170 USD) lên 1.280 NDT (195 USD). Trước đó, từ đầu năm 2011, mức lương tối thiểu ở Bắc Kinh đã được tăng từ 960 NDT (146 USD) lên 1.160 NDT (177 USD). Được biết, đợt tăng này cách đợt gần nhất là 6 tháng. Lạm phát tại Trung Quốc tháng 1-2011 tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi giá thực phẩm đã tăng 10,3% so với tháng trước đó.

Tại kỳ họp lần thứ 4 Quốc hội Trung Quốc khóa XI, vấn đề hỗ trợ nhà ở giá rẻ cho người dân cũng là vấn đề được dư luận vô cùng quan tâm. Theo AFP, một quan chức cấp cao của Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị Trung Quốc ngày 9-3 cho biết, khoảng 200 tỷ USD sẽ được dành cho việc xây mới hoặc nâng cấp tổng cộng 10 triệu căn hộ cho những người có thu nhập thấp. Trong đó, Chính phủ Trung Quốc sẽ hỗ trợ khoảng 76 tỷ USD, số còn lại sẽ huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức sau đó được hưởng lợi trực tiếp từ dự án trên.

Chính quyền Hồng Công (Trung Quốc) cũng cho biết sẽ ngưng thu tiền thuê nhà ở công trong 2 tháng và tuyên bố người dân sẽ nhận được trợ cấp cho các hóa đơn điện và được tặng thêm khoản tiền mặt 770 USD cho tiền hưu trí khi lạm phát có khả năng hướng tới tỷ lệ ước tính là 4,5% trong năm nay. Indonesia, nơi lạm phát tăng đến 7% trong tháng 1-2011, cũng lập kế hoạch nâng trợ cấp lâu dài cho người sử dụng nhiên liệu trong tháng 3-2011.

Tại Singapore, chính phủ đang đề xuất giảm thuế, trợ cấp tiền mặt cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và các khoản phúc lợi khác sau khi lạm phát tăng đến 5,5% trong tháng 1-2011. Song song đó, Bộ tài chính Singapore cho biết sẽ lập ra một ủy ban độc lập nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ trục lợi trước lạm phát. Bộ trưởng Tài chính Tharman Shanmugaratnam nói rằng, thay vì dựa vào thặng dư ngân sách thì chính phủ sẽ áp dụng nhiều biện pháp để đối phó với lạm phát. Trước tiên, chính phủ sẽ dựa vào chính sách tỷ giá hối đoái giúp giảm áp lực lạm phát trung hạn. Cơ quan Tiền tệ của Singapore (MAS) cho phép đồng đô la Singapore tăng giá so với một rổ các loại tiền tệ nước ngoài trong 18 tháng qua đã giúp chống lại lạm phát hàng nhập khẩu. Cách thứ 3 là chính phủ sẽ giúp người dân đối phó với lạm phát thông qua những chính sách tài chính như cung cấp những gói hỗ trợ cho những ai cần đến. Mục tiêu căn cơ mà Chính phủ Singapore hướng đến là tăng thu nhập của người dân nước này lên 30% trong 10 năm nữa.

Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva cũng tuyên bố Chính phủ nước này đã có chính sách rõ ràng để hỗ trợ cuộc sống của người dân trước tình hình vật giá leo thang. Cụ thể, chính phủ đã ấn định các biện pháp như xem xét tăng lương cho công chức nhà nước; tăng mức lương tối thiểu một lần nữa đồng thời đảm bảo mức thu nhập cho nông dân... Từ đầu tháng 3 này, Ngân hàng Trung ương Brazil đã nâng lãi suất cơ bản thêm 0,5%, lên mức 11,75%. Quyết định này là nhằm giảm tỷ lệ lạm phát ở mức 5,9% trong năm 2010, vượt khỏi mục tiêu 4,5%. Tổng thống Brazil Dilma Rousseff cam kết sẽ không để lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát như những năm 1980-1990.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.