Vụ kiện xôn xao giảng đường

06/03/2011 00:00 GMT+7

Sự trung thực của các thầy cô - là những cán bộ giảng viên ở một trường đại học lớn tại TP.HCM, đang trở thành tâm điểm của dư luận khi một vụ kiện hy hữu liên quan đến nhân phẩm được đưa ra xét xử công khai.

Ngày 4.3, TAND Q.1 đã mở phiên xử sơ thẩm vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại do xúc phạm danh dự nhân phẩm giữa nguyên đơn là bà Đào Mai (giảng viên trường Đại học Ngân hàng TP.HCM - viết tắt BUH) khởi kiện bị đơn gồm ông Ngô Hướng (Hiệu trưởng) và ông Nguyễn Đình Chiến (Chủ tịch Công đoàn trường đại học này).

 
Minh họa: DAD

Trình bày yêu cầu khởi kiện, bà Mai cho rằng ngày 11.2.2010, một số giáo viên của trường có đóng góp ý kiến soạn thảo một bức thư gửi cho trường Đại học Tây Bắc Thụy Sĩ (viết tắt FHNW, một đối tác của BUH) đề nghị giúp xác minh xem cô L. có hưởng lương ở đây hay không. Quá trình soạn thảo, ông Chiến có bút phê góp ý vào việc soạn thảo và ký tên bút phê “đã xem” trên bản cuối cùng. Theo chỉ đạo miệng của ông Chiến, bà Mai chuyển văn thư đóng dấu và ngày 12.2.2010 gửi lá thư này đi (bằng bưu điện và e-mail cá nhân).

Sau đó, ông Hướng và ông Chiến có tổng cộng ba lá thư gửi cho FHNW thông báo đã có người mạo danh công đoàn trường gửi thư cho FHNW với mục đích xấu. Bà Mai cho rằng hành vi này của bị đơn làm cho mọi người ở trường và cả FHNW hiểu lầm bà là người mạo danh, gây tổn hại đến uy tín danh dự nhân phẩm.

Ngoài ra, trong quá trình tòa thụ lý vụ kiện phía bị đơn có văn bản gửi tòa cho rằng việc gửi lá thư nói trên là việc làm mang tính chất cá nhân, có dấu hiệu trái pháp luật, lấy trộm con dấu của công đoàn trường đóng vào chữ ký của ông Chiến ở bức thư. Bà Mai cho rằng bị đơn tiếp tục vu khống, xúc phạm nghiêm trọng uy tín danh dự, nói bà là kẻ ăn trộm trong khi chính văn thư đóng dấu và bà không có hành vi gì vi phạm pháp luật. Từ đó, bà Mai yêu cầu bị đơn bồi thường 108 triệu đồng (tổn thất tinh thần và chi phí kiện tụng), yêu cầu viết thư cải chính thông báo cho FHNW biết bà không phải là người mạo danh, xin lỗi công khai trước tập thể cán bộ công nhân viên…

Ngược lại, đại diện cho bị đơn trình bày, sau khi nhận được phản hồi của FHNW đề nghị xác minh người gửi và người viết lá thư, ông Hướng đã xác minh và được biết ông Chiến trả lời không chỉ đạo bà Mai gửi thư. Vì vậy, việc ông Hướng gửi thư trả lời FHNW là thuộc thẩm quyền. Đồng thời ông Chiến cũng có thư gửi cho FHNW khẳng định bản thân cũng như Công đoàn trường chưa viết bất kỳ văn bản nào gửi FHNW về việc cung cấp thông tin liên quan đến cô L. Việc gửi thư (nếu có) phải do bộ phận văn thư thực hiện sau khi soạn thảo thành văn bản hành chính phát hành, còn trong trường hợp này bà Mai gửi từ hộp e-mail cá nhân. Vì vậy, ông Hướng và ông Chiến không xúc phạm gì đến bà Mai, chẳng những không chấp nhận bồi thường mà còn phản tố đòi bà Mai phải bồi thường 80 triệu đồng. Riêng chi tiết nói bà Mai “ăn trộm”, đại diện bị đơn xin rút lại lời nói này tại tòa.

Trong quá trình xét hỏi tại tòa, HĐXX thẩm vấn các bên về những vấn đề liên quan đến vụ kiện, để làm rõ có hay không việc ông Chiến chỉ đạo gửi thư rồi sau đó phủ nhận. Cụ thể, tại sao ông Chiến có bút phê chỉnh sửa trên bản thảo? Soạn văn bản đó làm gì nếu không gửi đi? Nhưng đại diện bị đơn lập luận “việc soạn thảo và gửi đi là hai vấn đề khác nhau”…

Ngoài ra, HĐXX còn đặt nhiều câu hỏi xung quanh việc bà Mai tiếp tục gửi e-mail (lần 2) cho FHNW ngày 24.2.2010 sau khi ông Chiến đã liên lạc với bà Mai thông báo “không được gửi thư đi”. Việc gửi thư đi tiếp có phải vì mục đích cá nhân? Tuy nhiên bà Mai nói do thư trước “bị chặn”, không đến được tay người có trách nhiệm nên bà gửi lại…”.

Sau khi nghe các bên tranh luận, HĐXX quyết định nghị án kéo dài đến ngày 7.3 sẽ tuyên án.  

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.