Bác sĩ trẻ luyện rèn y đức

27/02/2011 19:02 GMT+7

Chọn người bệnh làm trung tâm trong mỗi việc làm, hành động và xem họ như người thân là điều mà Đỗ Mạnh Hùng và Nguyễn Thu Hoài luôn tâm niệm khi khám, điều trị.

“Cây” sáng tạo

Năng nổ tâm huyết với công tác Đoàn, không ngừng nghiên cứu tìm giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh là phẩm chất đáng quý mà y, bác sĩ tại  BV Nhi T.Ư  thường nói về Đỗ Mạnh Hùng, bác sĩ khoa Phục hồi chức năng.


Đỗ Mạnh Hùng (phải) khảo sát tư vấn, khám bệnh cho trẻ em nghèo tại Hà Nội - Ảnh: nhân vật cung cấp

Gần chục năm công tác, Hùng đảm nhận vai chính trong hơn chục đề tài nghiên cứu khoa học, ý tưởng sáng tạo; sở hữu nhiều giải thưởng danh giá. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, Hùng còn tham gia điều phối, triển khai dự án, hoạt động tình nguyện chăm sóc sức khỏe cộng đồng; nổi bật là chương trình âm nhạc trị liệu tâm lý cho trẻ nằm viện đã duy trì từ năm 2006.

Thống kê hằng năm tại BV Nhi T.Ư có khoảng 40.000 trẻ em nằm viện điều trị dài ngày. Ngoài nỗi đau thể xác, bệnh nhi còn trải qua áp lực tâm lý căng thẳng. Từ gợi ý của lãnh đạo, Hùng nảy ra ý tưởng xây dựng chương trình âm nhạc, xác định là phương pháp trị liệu, giải tỏa tâm lý cho người bệnh. Mỗi tháng hai lần, chương trình đều đặn diễn ra với nhiều tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn do đoàn viên thanh niên, học sinh tiểu học ở các trường lân cận dàn dựng, biểu diễn.

Ngoài ra, bộ công cụ giám sát, ghi nhận ý kiến phản hồi từ cha mẹ và người nhà chăm sóc trẻ ốm tại BV Nhi T.Ư do Hùng xây dựng năm 2009 với 6.000 phiếu điều tra độc lập, ghi nhận thực trạng tại các phòng khám là công trình được dư luận đánh giá cao. Ý tưởng giành giải thưởng Ngày Sáng tạo Việt Nam 2009, cuộc thi do Ngân hàng Thế giới và Thanh tra Chính phủ tổ chức. Qua gần hai năm ứng dụng, bộ tiêu chuẩn đã làm thay đổi đáng kể chất lượng khám, chữa bệnh tại BV này. Số lượng phòng khám tăng gấp đôi so với thời điểm khảo sát; bác sĩ được tập huấn kỹ năng giao tiếp, nắm bắt tâm lý bệnh nhi; kê đơn thuốc phải thực hiện trên máy tính...

Tối 27.2, Hội LHTN Việt Nam TP Hà Nội tổ chức lễ tuyên dương 56 thầy thuốc trẻ; đồng thời vinh danh, trao Giải thưởng Đặng Thùy Trâm năm 2011 cho 10 thầy thuốc trẻ, có đóng góp tiêu biểu cho ngành y và cộng đồng xã hội. Dịp này, Hội Thầy thuốc trẻ TP Hà Nội cũng tổ chức khám, phát thuốc miễn phí cho 300 người trong diện chính sách, cựu TNXP, người già và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Quốc Oai.
Giữ cương vị Bí thư Đoàn liên tiếp hai nhiệm kỳ, Hùng kiên trì mục tiêu, lấy người bệnh làm trung tâm của mỗi việc làm, hành động. Hằng năm, Đoàn thanh niên chủ động xây dựng kế hoạch, thực hiện các chương trình tình nguyện khám bệnh miễn phí ở vùng sâu, vùng xa. “Thông qua hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, đội ngũ y, bác sĩ trẻ có cơ hội trải nghiệm với cuộc sống, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, nâng cao y đức, trách nhiệm trước bệnh nhân”, Hùng cho biết.

Coi người bệnh như người thân

“Mỗi lần khám bệnh tôi thường đặt ra cho mình câu hỏi, nếu người bệnh này là người thân trong nhà thì điều trị thế nào để có kết quả tốt nhất”, Nguyễn Thu Hoài - bác sĩ khoa Sản BV Thanh Nhàn - chia sẻ.

Ở vị trí “bà đỡ”, bác sĩ thường phải chịu áp lực kép, ngoài đảm bảo mẹ tròn con vuông thì đằng sau đó là niềm hy vọng, hạnh phúc của cả một gia đình. Hiện tại, Hoài đang đảm nhận quản lý phòng tư vấn, điều trị lây, tránh lây truyền HIV từ mẹ sang con, chứng kiến nhiều tình huống éo le khi cầm trên tay tờ giấy báo kết quả. Có trường hợp vợ chồng “trái dấu” quay ra cãi vã, nghi ngờ lẫn nhau hay cả chồng lẫn vợ đều mắc HIV từ lúc nào chẳng biết... Họ chán nản buông xuôi số phận thai nhi vào vận may rủi... Gặp hoàn cảnh như thế, Hoài “đổi vai” thành bác sĩ tâm lý. Từ lời khuyên chân thành của Hoài, nhiều gia đình đã tìm lại hạnh phúc và có thêm những đứa trẻ chào đời tránh được nỗi bất hạnh, nghiệt ngã của cha mẹ.

Thu Hoài cho rằng trong bất kỳ trường hợp nào, người bác sĩ trước hết phải nghĩ đến bệnh nhân, lấy y đức làm trọng. Lúc nhỏ chưa có ý niệm chọn nghề này, Hoài cảm nhận hình ảnh Bác Hồ gần gũi, thân thương như ông Bụt trong truyện cổ tích. Đến khi vào ngành thì càng thấm thía lời Bác dạy, câu chuyện về người y tá phục vụ Người trước lúc đi xa trong hội thi toàn ngành cấp thành phố, Hoài vừa kể vừa rơi lệ, làm lay động cả hội trường, thuyết phục ban giám khảo chấm giải cao nhất.

Còn ở BV Thanh Nhàn, Hoài là tác giả ý tưởng xây dựng bảng vàng tuyên dương cá nhân có thành tích tiêu biểu theo từng quý; thi đua làm theo lời Bác vẫn là phong trào sôi nổi nhất, tạo môi trường cho đoàn viên thanh niên rèn luyện, nâng cao y đức.

Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.