Phình tách thành động mạch chủ

21/02/2011 09:53 GMT+7

Phình tách thành động mạch chủ là tai biến nguy hiểm và hiếm gặp trước đây, nhưng lại gia tăng trong thời gian gần đây. Nhiều người mắc bệnh

Bệnh nhân nam 58 tuổi (sống tại tỉnh Thái Bình) được chuyển đến cấp cứu tại Viện Tim mạch Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) trong tình trạng đột quỵ, choáng ngất và được các bác sĩ phát hiện bị phình và tách thành động mạch chủ, nứt vỡ gây tràn máu màng phổi trái. Đây là tình trạng động mạch bị vỡ là động mạch chủ xuống, động mạch này chạy sát cột sống sau nên rất khó khăn cho chẩn đoán và can thiệp cũng như phẫu thuật. Qua hội chẩn, các bác sĩ quyết định can thiệp đặt stend graft để bịt liền kín phần thành mạch nứt vỡ. Trước đó, viện đã thực hiện thành công trường hợp đặt stent graft động mạch chủ cho bệnh nhân Phan Thanh T. (nam, 60 tuổi), nhập viện trong tình trạng đau ngực trái.

Theo TS-BS Phạm Mạnh Hùng, Viện Tim mạch quốc gia, phình tách thành động mạch chủ là tai biến rất nguy hiểm mà tăng huyết áp không được kiểm soát là yếu tố nguy cơ hàng đầu. Bệnh nhân thường đã có nền nguy cơ, đó là thành mạch yếu do xơ vữa. Thành động mạch chủ bị xơ vữa làm xơ cứng, mất tính đàn hồi, giảm “sức bền”. Thành động mạch chủ gồm 3 lớp, khi xơ vữa 3 lớp “vỏ” thành mạch không gắn kết mà tách khỏi nhau. Vì vậy, khi huyết áp tăng cao sẽ khiến thành mạch đã yếu sẵn bị vỡ ra, gây chảy máu rất nguy hiểm. Đáng lưu ý, đây là tai biến nguy hiểm ít gặp nhưng có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây.

Dễ chẩn đoán nhầm

Theo ghi nhận tại Viện Tim mạch quốc gia, bệnh nhân bị phình tách thành động mạch chủ trước đây chỉ gặp rất ít, nay gần như xuất hiện hằng ngày. Từ tháng 10.2010 đến tháng 2 năm nay, đã có 79 trường hợp mắc bệnh.
GS-TS Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia cho biết: “Viện đã tiến hành đặt stent graft vào động mạch chủ cho 6 bệnh nhân bị phình tách thành động mạch chủ, bước đầu cho kết quả tốt”. Với kỹ thuật này, các bác sĩ sẽ đưa stent qua ống thông trong lòng mạch đi đến vị trí thành động mạch chủ bị yếu (trong tình trạng phình tách). Tại đây, stent sẽ như một “hàng rào” bảo vệ thành mạch, không cho áp lực đẩy phình thêm.

Theo TS-BS Phạm Mạnh Hùng, biểu hiện của tai biến do phình tách thành động mạch chủ gần giống với nhồi máu cơ tim, đó là đau ngực dữ dội. Nếu thiếu kinh nghiệm và thiết bị chẩn đoán thì dễ nhầm với nhồi máu cơ tim. Hiện tại, khả năng phát hiện phình tách thành động mạch chủ đã tốt hơn nhờ kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh (chụp cắt lớp) và trình độ của bác sĩ.

Phòng ngừa phình tách thành động mạch chủ là cực kỳ quan trọng, vì khi xảy ra tai biến vỡ động mạch chủ thì việc cấp cứu điều trị như “chữa cháy”, lúc này bệnh nhân đã trong tình trạng rất nguy hiểm. Phòng bệnh là kiểm soát mỡ máu, để giảm yếu tố gây xơ vữa động mạch. Đặc biệt kiểm soát tốt huyết áp trên bệnh nhân cao huyết áp. Với tuổi tác, thành mạch suy yếu, lão hóa nên việc duy trì thể dục phù hợp, đều đặn 30 phút/ngày sẽ giúp giảm xơ vữa động mạch, kiểm soát huyết áp, hỗ trợ thành mạch bền vững hơn.

Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.