Hạn hán nghiêm trọng ở bắc Tây Nguyên

17/02/2011 14:30 GMT+7

(TNO) Hàng chục ngàn ha cây trồng ở Tây Nguyên đang quay quắt trong hạn hán khiến cuộc sống người dân nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chỗ nào cũng "khát"

Lượng nước trên các hệ thống sông suối vùng bắc Tây Nguyên đang sụt giảm nghiêm trọng so với những năm trước. Tình trạng này kéo theo sự thiếu hụt nước tưới cho hàng ngàn ha cây trồng tại hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum.

Trước đó, do lượng mưa ở khu vực này giảm nên hạn hán là hiểm họa nhãn tiền. Hiện hàng chục ngàn ha cây trồng đang thiếu nước tưới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, giá trị kinh tế lâu dài và mưu sinh của nông dân.

Ông Nguyễn Trung Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Kon Tum, cho biết: “Nhiều công trình thủy lợi đã không thể phát huy tác dụng vì thiếu nước tưới. Đã có trên 560 ha cây trồng bị hạn nặng, trong đó trên 343 ha lúa nước, số còn lại là các cây nông nghiệp và rau đậu các loại. Hiện trên 1.783 ha cây trồng khác cũng đang có nguy cơ bị hạn cao. Diện tích cây bị hạn và có nguy cơ hạn cao tập trung ở các huyện như Đăk Tô, Đăk Hà, Kon Rẫy… Hiện chúng tôi đang chỉ đạo tích cực nạo vét kênh mương, tập trung chống hạn cho những diện tích cây trồng sắp bị hạn đe dọa…”.

Còn tại Gia Lai, tình hình cũng chẳng sáng sủa hơn. Hiện nhiều sông, suối ở tỉnh này đã trơ đáy kéo theo hàng ngàn ha cây trồng tại các huyện trong tỉnh như Ia Grai, Chư Prông, Chư Pưh... đang có nguy cơ chết héo.

Dù chưa là đỉnh hạn trong mùa khô này nhưng theo một thống kê chưa đầy đủ, đã có trên 300 ha cây trồng ngắn ngày bị hạn và hơn 3.000 ha cà phê thiếu nước tưới do cạn kiệt nguồn nước.

Nhiều nông dân như đang ngồi trên lửa bởi không tìm được nguồn nước tưới cho diện tích cây trồng của mình. Anh Nguyễn Hồng Phú, một nông dân ở huyện Chư Prông (Gia Lai) than: “Nhà tôi có hơn 4 ha cà phê đang thiếu nước tưới. Thời điểm này, nếu không được tưới đầy đủ thì cà phê sẽ khó đạt năng suất cao. Nguy cơ mất mùa vì hạn là chắc rồi”.


Sông Dak Bla chảy qua TP Kon Tum trơ đáy - Ảnh: Nguyên Lộc

Các sông lớn thiếu nước trầm trọng

Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, mùa mưa năm 2010 đến muộn.

Cụ thể, tại Đắk Lắk, mùa mưa đến chậm hơn 20 - 25 ngày so với nhiều năm trước, nam và bắc Tây Nguyên chậm khoảng 15 ngày. Lượng mưa cũng phân bố không đồng đều, trong khi nam Tây Nguyên và Đắk Lắk lượng mưa xấp xỉ so với trung bình nhiều năm qua thì tại bắc Tây Nguyên, lượng mưa thấp hơn nhiều.

Chẳng hạn tại Đắc Tô (Kon Tum), với lượng mưa trung bình trên 750mm, chỉ đạt chưa đến 40% so với trung bình nhiều năm trước (1.900mm). Hay tại TP Pleiku, lượng mưa chỉ đạt 70% so với trung bình nhiều năm.

Ông Trần Trung Thành - Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên cho biết: “Hiện mực nước ở các sông, suối khu vực bắc Tây Nguyên thấp hơn mức trung bình các năm trước đến 0,4 - 0,6m.

Ngoài hệ thống sông Đồng Nai, Sêrêpok lượng nước còn tương đối thì hầu hết mực nước trên các hệ thống sông lớn còn lại ở khu vực Tây Nguyên như sông Ba, sông Sê San đều thấp.

Các hồ thủy điện Pleikrông, Ia Ly đều ở mực nước chết. Và đặc biệt là trong mùa mưa vừa qua, các hồ thủy điện này đều thiếu nước để tích nên không hề xả lũ lần nào”.

Hiện lưu lượng nước qua sông Đăk Pla đoạn chảy qua tỉnh Kon Tum chỉ khoảng 35 m3/s, trong khi con số này ở cùng thời điểm những năm trước đạt xấp xỉ 80 m3/s.

Tương tự, lưu lượng nước về hồ thủy điện Ia Ly khoảng 38 m3/s, quá thấp so với mức trên 100 m3/s ở những năm trước. Lượng nước này còn chưa đủ cho một tổ máy hoạt động. Việc thiếu nước kéo theo các nhà máy thủy điện lớn trên hệ thống sông Sê San hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp điện trong mùa khô này…

Cũng theo ông Thành thì sắp đến, lượng mưa ở Tây Nguyên sẽ không đáng kể, nắng nóng sẽ diễn ra trên diện rộng. Mùa khô năm nay, khu vực bắc Tây Nguyên có khả năng xảy ra hạn nặng hơn những năm trước.

Trần Hiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.